Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel ứng dụng ở Việt Nam ra sao?

Nhiều bệnh nhân Việt Nam đang kỳ vọng vào phương pháp điều trị ung thư mới được trao giải Nobel Y học. Liệu đây có phải cứu cánh cho căn bệnh vốn được mặc định là “bản án tử”.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018, công bố hôm 1/10 đang được đông đảo bệnh nhân quan tâm.

Việt Nam sử dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư từ 2017

TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ở Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức cho lưu hành thuốc điều trị theo liệu pháp miễn dịch. Hiện, liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM...

Tại Bệnh viện K, TS Tú cho hay từ năm 2016, một số bệnh nhân từ nước ngoài trở về Việt Nam đã sử dụng thuốc miễn dịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, cơ sở này mới chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này. Đến nay, Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân với phương pháp miễn dịch.

Lieu phap dieu tri ung thu dat giai Nobel ung dung o Viet Nam ra sao? hinh anh 1

Tế bào miễn dịch (T cell) nhận “hối lộ” qua cặp tín hiệu PD-1 và PD-L1, im re “công nhận” tế bào ung thư là “người nhà” . Thuốc kháng PD-1 hoặc PD-L1 làm hệ miễn dịch nhận ra kẻ địch và vùng lên chiến đấu.

Bệnh nhân nào có thể điều trị bằng phương pháp này?

Theo TS.BS Đào Văn Tú, thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, và ngày càng được nghiên cứu mở rộng ra nhiều bệnh ung thư khác như gan, thận, dạ dày, đại tràng,…

Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, lưu ý phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư. Liệu pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Bởi những bệnh ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu đã có thể phát huy tác dụng rất cao. Ngoài ra, thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch, không phải ai cũng có thể dùng. "Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch", giáo sư Hùng nói.

Bên cạnh đó, hai bệnh nhân tình trạng giống nhau, nhưng hiệu quả sẽ không tương đồng. Hiện nay, kết quả điều trị lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân nào có chốt kiểm miễn dịch khi dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng đều hiệu quả. Thực tế, khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch có kết quả tốt.

Hơn 60 triệu đồng một chai thuốc miễn dịch

Theo TS Tú, chi phí điều trị thuốc miễn dịch hiện nay rất cao, thuộc dạng đắt tiền, thậm chí với chi phí 100.000 đô/năm. Ở Việt Nam, thuốc thuộc diện nghiên cứu thì không mất tiền, bên cạnh đó các hãng thường có chương trình tài trợ, giảm giá cho các nước nghèo.

Do đó, chi phí hiện tại ở nước ta cho một lọ thuốc dao động trên 60 triệu. Mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần.

Chi phí điều trị bằng thuốc miễn dịch hiện nay chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên người bệnh phải thanh toán 100%.

Phương pháp ưu việt trong điều trị ung thư?

“Liệu pháp miễn dịch được các nghiên cứu chứng minh tốt hơn so với hóa trị liệu đối với những bệnh nhân phù hợp. Trên thế giới, việc kết hợp hóa trị liệu với thuốc miễn dịch mang lại hiệu quả rất cao”, TS Tú cho hay.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... không còn hiệu quả. Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho hay liệu pháp miễn dịch đạt giải Nobel mới chỉ nằm trong diện nghiên cứu, chưa được áp dụng rộng rãi trong thực tế.

“Để ứng dụng còn tùy vào từng đối tượng, thực tế biện pháp này không phải áp dụng cho tất cả các đối tượng.  Về cơ bản, liệu pháp miễn dịch chỉ là một phần nào, không phải hướng để điều trị ung thư, không xác định nó là cách để điều trị triệt để ung thư”, thạc sĩ Thịnh lưu ý.

Theo chuyên gia này, miễn dịch hiện chỉ là một trong 5 phương pháp điều trị ung thư hiện nay gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch và nội tiết. Biện pháp này có hiệu quả hỗ trợ các biện pháp khác song khá tốn kém, hiệu quả đôi khi còn hạn chế so với những biện pháp còn lại.

GS Chấn Hùng cho hay hai nhà khoa học được nhận giải Nobel là do có công phát minh ra chốt kiểm miễn dịch. Đây là cơ sở nghiên cứu để các công ty sản xuất ra thuốc. Hai nhà khoa học này không phải bác sĩ hay người chế tạo ra thuốc.

Từ nền tảng nghiên cứu của họ, người ta tìm ra các chốt kiểm miễn dịch và sản xuất ra các loại thuốc tương ứng để sử dụng. 

"Ở nước ta, thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện lớn. Do đó, không thể nói được hiệu quả bởi số người dùng còn ít và thời gian ngắn nên chưa có báo cáo khoa học về vấn đề này”, GS Hùng cho hay.

Bản chất của liệu pháp miễn dịch

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho hay liệu pháp miễn dịch mới được giải Nobel mới đây về bản chất là dùng các loại thuốc nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư.

Theo đó, các tế bào T của hệ miễn dịch có sẵn trong cơ thể chúng ta có nhiệm vụ tuần tra liên tục trong cơ thể tìm dấu hiệu bệnh tật hoặc nhiễm trùng để tấn công tiêu diệt. Khi tế bào T bắt đầu tấn công, hệ miễn dịch tăng cường sản xuất một loạt phân tử nhằm tránh làm hại các mô bình thường.

Các phân tử này là các chốt kiểm soát miễn dịch (immune checkpoints). Hai nhà khoa học này đã có công phát hiện ra việc các tế bào ung thư dùng các chốt kiểm miễn dịch này để thoát khỏi sự tấn công của tế bào T. Do đó, nếu ức chế được chốt kiểm, tế bào T có thể tiếp tục tiêu diệt tế bào ung thư.

Ý tưởng huy động hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Năm 1990, giáo sư James P.Allison (Mỹ) tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là chốt kiểm trong hệ miễn dịch. Hai năm sau Tasuku Honjo (Nhật Bản) tìm ra chốt kiểm thứ hai. Hai nhà khoa học này được trao Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 công bố hôm 1/10 nhờ công trình nghiên cứu này.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phẫu thuật điều trị ung thư - Phần 1, Phẫu thuật điều trị ung thư - Phần 2

Hà Quyên - Theo Zing
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm