Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hỏi & đáp về Salmonella gây ngộ độc thực phẩm

Salmonella là một vi khuẩn hình que, thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột).

Vi khuẩn Salmonella gây bệnh gì?

Có nhiều chủng vi khuẩn Salmonella gây bệnh, trong đó chủ yếu là các chủng Salmonella gây ngộ độc thực phẩm (bệnh Salmonellosis), khác với chủng Salmonella gây bệnh thương hàn và phó thương hàn.

Theo CDC Hoa Kỳ, Salmonella gây bệnh cho con người nhiều hơn là chúng ta nghĩ, cứ mỗi ca mắc Salmonella được phát hiện thì có tới 30 ca chưa được phát hiện. Tại Mỹ, ước tính mỗi năm Salmonella gây ra hơn 1,35 triệu ca mắc, 26.500 BN phải nhập viện và 420 BN tử vong.

Triệu chứng của bệnh là gì?

Hầu hết những người mắc Salmonella sẽ có biểu hiện tiêu chảy, sốt, đau và co thắt ở dạ dày.

Các triệu chứng thường xuất hiện từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm Salmonella, chậm nhất là sau nhiễm 4 – 7 ngày. Tuy nhiên, một số người không có triệu chúng gì trong vài tuần, hãn hữu có người xuất hiện triệu chúng sau vài tuần nhiễm Salmonella.

Salmonella có thể gây các nhiễm trùng ở đường tiết niệu, máu, xương, khớp, hoặc hệ thần kinh thực vật và não, tủy.

Chẩn đoán nhiễm Salmonella như thế nào?

Chẩn đoán xác định mắc Salmonella được thực hiện trong phòng xét nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm như phân, tế bào hoặc dịch cơ thể.

Điều trị bệnh như thế nào?

Hầu hết người mắc Salmonella sẽ hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần dùng kháng sinh. Bệnh nhân cần uống các dung dịch bổ sung nước và điện giải bị mất do tiêu chảy, như Oresal và các dịch uống khác.

Điều trị kháng sinh được bác sỹ cân nhắc cho các bệnh nhân sau:

  • Người mắc bệnh nặng;
  • Bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như người có HIV hoặc đang trong hóa trị;
  • Người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền, bệnh mạn tính, như bệnh tim mạch…
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi;
  • Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.

Nhiễm khuẩn Salmonella có thể kéo dài bao lâu?

Hầu hết những người bị tiêu chảy do Salmonella sẽ hết triệu chứng hoàn toàn. Tuy nhiên, một số ít người có thể bị ảnh hưởng đến chức năng đi ngoài của ruột và mất vài tháng để trở lại bình thường.

Một vài BN có biểu hiện viêm khớp không nhiễm khuẩn khi mắc Salmonella, có thể kéo dài một vài tháng và rất khó để điều trị hết bệnh. Cá biệt 1 số người mắc viêm khớp không nhiễm khuẩn này còn có thể bị kích ứng mắt hoặc đau khi đi tiểu.

Con người bị mắc Salmonella như thế nào?

Salmonella lsống trong đường ruột của người và động vật. Do vậy, con người có thể bị nhiễm Salmonella bằng nhiều cahcs khác nhau, như:

  • Ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc uống nước uống bị nhiễm khuẩn;
  • Động chạm vào động vật mang mầm bệnh hoặc các chất thải, dịch tiết của chúng.

Những ai dễ bị mắc Salmonella?

Theo CDC Hoa Kỳ, một số người có thể bị mắc bệnh nặng hơn những người khác, bao gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ mắc Salmonella nhất. 1 số báo cáo cho biết, 2/3 số người mắc Salmonella trên Thế giới là trẻ dưới 5 tuổi.
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhất là những trẻ không bú sữa mẹ.
  • Trẻ nhỏ, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, người có hệ miến dịch suy yếu dễ mắc Salmonella nặng hơn.
  • Những người bệnh đang điều trị các thuốc làm giảm acid dạ dày cũng có nguy cơ mắc Salmonella cao hơn.

Vi khuẩn Salmonella có trong thực phẩm không?

Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thức ăn: thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, hoa quả và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến.

Thực phẩm bị nhiễm Salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh cho con người.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella.

ThS. BS Trần Thị Thu Nguyệt - Viện Y học ứng Dụng Việt Nam - Tổng hợp từ CDC Hoa Kỳ -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm