Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hội chứng đau thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiều người than phiền tình trạng bị đau thắt lưng, nhất là sau khi làm việc mang vác quá sức, cuối năm dọn dẹp nhà cửa… Đây là một hội chứng bệnh lý rất thường gặp.

Đau thắt lưng là hội chứng thường gặp ở người trên 40 tuổi, hầu hết khi bị đau thắt lưng sẽ khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần nếu biết cách tự điều trị và chăm sóc. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc thì cũng khiến hạn chế trong sinh hoạt.

1. Tổng quan về đau thắt lưng

Đau vùng cột sống ngang thắt lưng là tình trạng đau vùng trên dưới thắt lưng quần. Đa số mọi người mắc đau thắt lưng hay xảy ra hơn là đau lưng.

Đoạn thắt lưng có 5 đốt sống xếp chồng lên nhau, sau các thân xương có một ống xương, bảo vệ tủy sống ở bên trong. Tủy sống là phần nối liền từ não xuống thắt lưng. Từ tủy sống, những sợi thần kinh chui ra khỏi cột sống bằng khe giữa các đốt sống. Các sợi thần kinh từ vùng thắt lưng sẽ chi phối về vận động và cảm giác của hai chân. Rất nhiều cơ và dây chằng nằm dọc theo thân sống, nối liền các đốt sống, có chức năng giúp cho thân sống vững chắc và mềm dẻo. Mấu khớp là khớp nhỏ nằm giữa hai thân sống giúp cho thân sống có thể cúi ngửa dễ dàng mà không bị trượt sang hai bên. Đĩa đệm là miếng lót mềm nằm giữa hai thân sống, như là miếng giảm chấn giữa hai đốt sống, có hai thành phần: Vỏ và nhân. Bất kì lý do gì làm tổn thương, thay đổi cấu trúc các thành phần của cột sống sẽ gây đau.

Đau lưng được hiểu đau vùng cột sống cao hơn, từ cột sống ngực cao dưới cột sống cổ xuống vùng nối lưng thắt lưng (nằm cao hơn thắt lưng quần).

Đau thắt lưng là một hội chứng bệnh lý thường gặp.

2. Nguyên nhân hội chứng đau thắt lưng

Có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng đau thắt lưng, nhưng phổ biến do các nguyên nhân sau:

- Do căng giãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức.

- Do thoái hóa đĩa đệm cột sống; thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

- Do trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1…).

- Do loãng xương nguyên phát... Loại này diễn biến lành tính, chiếm 90% số trường hợp đau cột sống thắt lưng.

- Do đau cột sống thắt lưng do bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, ung thư, sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt… tổn thương cột sống do chấn thương...

Đau vùng cột sống thắt lưng có thể do nhiều nguyên nhân, liên quan tới nhiều yếu tố.

3. Biểu hiện hội chứng đau thắt lưng

Tuỳ từng nguyên nhân mà các biểu hiện hội chứng đau thắt lưng sẽ có diễn biến khác nhau.

- Nếu nguyên nhân do căng giãn cơ, dây chằng cột sống:

Biểu hiện là các cơn đau vùng thắt lưng. Đau xảy ra sau các động tác sai tư thế, do các cử động đột ngột trong sinh hoạt, lao động. Nhiều người nằm ngủ trên võng, nằm ngủ ở tư thế xoay vặn người, ngồi làm việc hoặc học tập ở tư thế cột sống lệch vẹo… có thể xuất hiện đau do giữ cột sống thắt lưng ở tư thế lệch vẹo một thời gian lâu. Đối với các trường hợp này có các cơn đau cấp tính hoặc bán cấp tính nhưng không đáng lo ngại và sẽ tự khỏi nếu người bệnh nghỉ ngơi và biết cách chăm sóc như: Chườm nóng, tập luyện nhẹ nhàng cột sống thắt lưng.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến thoái hóa cột sống:

Khi đó có các biểu hiện đau âm ỉ, tình trạng này gặp ở người tuổi trên 40. Đau thắt lưng do thoái hóa thường là đau mạn tính, hay tái phát, đau thắt lưng đơn thuần hoặc có kèm theo hội chứng rễ (đau lan xuống mông và chân). Đau tăng lên khi vận động, nằm nghỉ thì giảm hoặc hết đau.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

Biểu hiện của hội chứng đau là thắt lưng lan xuống mông và chân, đau tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có biểu hiện lệch vẹo cột sống, co cứng cơ cạnh cột sống. Người bệnh nằm ngửa, chân không đau duỗi, chân đau co để đùi vuông góc với mặt giường, cẳng chân vuông góc với đùi. Giữ nguyên đùi ở tư thế vuông góc với mặt giường, cầm cổ chân nâng cẳng chân lên, người bệnh thấy đau ở mặt sau đùi và thắt lưng không thể nâng được cẳng chân thẳng với đùi như bình thường.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến loãng xương:

Khi đó cũng có thể gây đau cột sống thắt lưng với biểu hiện đau thắt lưng mạn tính, đau lan tỏa không xác định được điểm đau. Tình trạng này gặp ở phụ nữ sau mãn kinh 3 - 4 năm hoặc đàn ông trên 70 tuổi.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến chấn thương gây xẹp lún thân đốt sống:

Đau thắt lưng cấp tính sau khi xảy ra tình trạng va đập chấn thương, đau cố định ở một vị trí. Tình trạng đau nếu người bệnh ấn vào điểm đau sẽ thấy đau nhói.

- Nếu nguyên nhân liên quan đến bệnh viêm cột sống dính khớp:

Tình trạng đau thắt lưng có biểu hiện kéo dài trên 3 tháng, nghỉ ngơi không đỡ đau. Người bệnh hạn chế tất cả các động tác: Cúi, ngửa, nghiêng, xoay…

Ngoài ra, đau thắt lưng còn do một số bệnh lý như lao cột sống, viêm đốt sống do vi khuẩn không phải lao, ung thư cột sống… Những bệnh lý này có thể gây đau âm ỉ cột sống, khu trú tại một hoặc hai thân đốt sống, đau cả khi nằm nghỉ, tăng lên khi vận động, về sau đau liên tục.

Đối với bệnh ung thư cột sống, người bệnh đau cột sống liên tục, ngày càng tăng, đau cả ngày và đêm. Dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc chỉ đỡ ít trong vài giờ lại đau trở lại. Người gầy, sút cân nhanh.

Đau thắt lưng nếu không biết cách chăm sóc thì sẽ khiến hạn chế trong sinh hoạt.

4. Chẩn đoán hội chứng đau thắt lưng

Sau khi chẩn đoán lâm sàng, tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm để phát hiện tình trạng cột sống. Nếu ở tình trạng nghi ngờ đau thắt lưng do các nguyên nhân sai tư thế, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X. quang. Nếu hình ảnh có tổn thương thân đốt sống, có biểu hiện đau thần kinh tọa thì sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng… Để chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân đôi khi cũng không hề dễ chính vì lẽ đó mà tùy theo gợi ý nguyên nhân nào mà chỉ định các xét nghiệm tương ứng.

‎5. Điều trị hội chứng đau thắt lưng

Tuỳ theo nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt lưng mà có chỉ định điều trị hợp lý. Nguyên tắc điều trị nội khoa kết hợp với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống thắt lưng. Các thuốc thường được chỉ định là thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), trường hợp đau mạn tính có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống lo âu.

Người bệnh nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung. Có thể sử dụng phương pháp châm cứu kết hợp dùng thuốc. Khi đỡ đau lưng có thể tăng dần mức độ hoạt động.

Ngoài ra, cần kéo dãn cột sống, bơi, thể dục nhẹ nhàng. Điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc, vận động để tránh gây đau tái phát. Có thể duy trì các nhóm thuốc trên nhưng chú ý sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả để tránh tác dụng không mong muốn của thuốc.

Điều trị ngoại khoa chỉ được chỉ định đối với các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).

Đau thắt lưng là hội chứng thường gặp ở người trên 40 tuổi.

6. Một số lưu ý cho người bệnh đau thắt lưng cấp

Đối với người bệnh đau thắt lưng ở giai đoạn cấp tính cần lưu ý nghỉ ngơi tuyệt đối tại nhà, hạn chế đi lại nhiều. Trên thực tế nhiều người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi nhưng vẫn cố làm việc khiến tình trạng không thuyên giảm. Việc nghỉ ngơi hạn chế đi lại nhiều giúp bệnh nhân sớm cải thiện tình trạng đau thắt lưng.

Các bài tập vận động cột sống thắt lưng không thể được áp dụng như nhau cho tất cả bệnh nhân đau thắt lưng. Do vậy người bệnh không nên tham khảo các bài tập trên mạng xã hội, vì khi đau thắt lưng, việc áp dụng một số bài tập chuyên biệt cho từng người bệnh là khác nhau. Việc chỉ định dạng bài tập nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra đau thắt lưng. Bởi vậy, tập như nào, tập trong bao lâu… nên tham khảo thực hiện theo y lệnh của bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh nên nằm trên nệm cứng không nằm trên nệm lún không tốt đối với cột sống. Việc mang vác, vận chuyển các vật không quá nặng không gây đau thêm. Thật ra, tư thế của bệnh nhân khi mang vác đồ vật còn quan trọng hơn cả trọng lượng của đồ vật đó. Việc cúi người nhặt một vật nhẹ trên sàn không đúng cách có thể làm tình trạng đau thắt lưng trầm trọng hơn.

Để phòng đau thắt lưng cấp và đau tái phát người bệnh thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng, làm việc đúng tư thế đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng, tránh xoắn vặn vùng thắt lưng, nên bơi hàng tuần, tập luyện các động tác làm chắc khỏe cơ bụng, cơ lưng…

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Đau thắt lưng cơ học.

BS Nguyễn Văn Hoàng - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm