Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Glaucoma - 'Kẻ đánh cắp' thị giác thầm lặng

Glaucoma là bệnh lý nhãn khoa tiến triển mạn tính, không hồi phục và hiện tại chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để làm chậm tiến triển của bệnh.

1. Glaucoma là bệnh gì?

Glaucoma tên gốc trong tiếng Hy Lạp là glaukos nghĩa là con mắt màu xanh (giai đoạn này chưa phân biệt được giữa bệnh glaucoma và đục thủy tinh thể). Tên dân gian của bệnh là thiên đầu thống (miền Bắc) hoặc cườm nước (miền Nam) và phân biệt với bệnh cườm khô (đục thủy tinh thể, theo tiếng miền Nam).

Bệnh đặc trưng bởi sự chết dần của tế bào hạch võng mạc (khởi nguồn của thần kinh thị giác để dẫn tín hiệu hình ảnh từ mắt về não bộ) dưới ảnh hưởng của nhãn áp cao, dao động nhãn áp hoặc thiểu năng tuần hoàn do bệnh lý mạch máu.

2. Dấu hiệu của bệnh

Hình ảnh nhìn bằng mắt bình thường (trái) và bằng mắt bị bệnh glocom (phải).

(Ảnh minh họa)

Bệnh nhân glaucoma mới thường đi khám với biểu hiện nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn thấy quầng màu kèm đau nhức dữ dội một bên mắt lan lên nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn khi có cơn tăng nhãn áp cấp tính.

Bệnh nhân tăng nhãn áp lâu ngày, diễn biến mạn tính thường ít đau nhức mà chủ yếu là suy giảm thị lực, kém thích ứng khi thay đổi không gian từ ngoài sáng vào trong buồng tối, thu hẹp trường nhìn phía ngoại vi hoặc vấp ngã khi một nửa trường nhìn phía dưới bị tổn hại.

Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2/3 triệu chứng: Tăng nhãn áp, tổn hại thần kinh thị giác, thu hẹp thị trường.

Về bản chất, glaucoma là một dạng bệnh lý của thần kinh thị giác có hoặc không liên quan với tăng nhãn áp. Do vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân không đau nhức mắt do tăng nhãn áp nhưng vẫn có bệnh glaucoma. Đây là một phần lý do khiến glaucoma trở thành "kẻ cắp" thị giác thầm lặng.

3. Tại sao có hiện tượng tăng nhãn áp?

Nhãn áp phụ thuộc chủ yếu vào lượng thủy dịch được sản xuất bên trong nhãn cầu.

Bình thường, thủy dịch tiết ra sẽ đi từ mặt sau mống mắt (phần chứa màu sắc của mắt) qua lỗ đồng tử (phần điều tiết lượng ánh sáng vào mắt) ra phần trước của nhãn cầu.

Từ đây dịch sẽ đi qua một cấu trúc gọi là góc tiền phòng để đi ra khỏi nhãn cầu. Nếu góc này đóng sẽ tạo ra bệnh glaucoma góc đóng.

Ngược lại, nếu góc mở nhưng tăng trở ngại ở vùng góc khiến dịch không ra ngoài được sẽ tạo ra bệnh glaucoma góc mở. Bệnh glaucoma có thể là nguyên phát do bất thường cấu trúc mắt có từ lúc sinh hoặc thứ phát sau một bệnh lý khác của mắt.

4. Glaucoma nguy hiểm như thế nào?

Glaucoma là bệnh lý tiến triển mạn tính, không hồi phục và hiện tại chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để làm chậm tiến triển của bệnh.

Trừ trường hợp biểu hiện cấp tính do nhãn áp tăng cao đột ngột, đa phần bệnh glaucoma diễn biến thầm lặng gây mất dần thị trường, thị lực. Từ đó ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Người làm các công việc cần trường quan sát tốt như lái xe, phi công nếu bị bệnh glaucoma sẽ rất nguy hiểm cho chính họ và những người liên quan.

Người lớn tuổi bị bệnh glaucoma dễ vấp ngã khi đi lại trong nhà, leo cầu thang,… dẫn tới tổn thương xương, khớp phải nằm/bất động lâu.

5. Bệnh glaucoma có phổ biến?

Tỉ lệ bệnh glaucoma trong quần thể những người từ 40 - 80 tuổi là 3,54%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) glaucoma là 1 trong 3 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu bên cạnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ trên quy mô toàn cầu.

Ở Việt Nam, theo báo cáo điều tra phòng chống mù lòa năm 2007: trên tổng số 409,200 người mù 2 mắt (chiếm 1,3% dân số), glaucoma (6,5%) đứng thứ 3 sau đục thủy tinh thể (16,5%) và các bệnh lý võng mạc (16,5%).

6. Chẩn đoán bệnh glaucoma

Để chẩn đoán glaucoma, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt để được thăm khám toàn diện. Bệnh nhân sẽ trải qua một quy trình từ thử thị lực, đo nhãn áp, các thăm dò chức năng, đánh giá tổng thể nửa trước và nửa sau nhãn cầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện tổn thương thần kinh thị giác cũng như thu hẹp thị trường.

Tổn thương thị trường và thần kinh thị giác có thể gặp trong nhiều bệnh. Tuy nhiên trong glaucoma, tiến triển của hai loại tổn thương này rất âm thầm, người bệnh thường không tự nhận biết được cho đến khi đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác và chất lượng cuộc sống thì mới đi khám.

Một số hình ảnh tổn hại thị trường do bệnh glaucoma.

7 - Điều trị bệnh glaucoma thế nào?

Nguyên tắc chung

Cách điều trị duy nhất cho tới thời điểm hiện tại là hạ nhãn áp. Có hai mức nhãn áp: không gây đau và an toàn.

Nhãn áp an toàn (nhãn áp đích) là mức áp lực trong nhãn cầu mà ở đó bệnh nhân không có cảm giác đau nhức đồng thời tiến triển của bệnh được kiểm soát tối đa; thị lực, thị trường được bảo tồn.

Thông thường, khi bắt đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị để hạ nhãn áp về mức không gây đau. Tuy nhiên mức không gây đau chưa chắc đã là mức an toàn. Do vậy, bệnh nhân dễ chủ quan, bỏ theo dõi điều trị dẫn tới bệnh vẫn tiến triển gây tổn hại chất lượng thị giác trầm trọng.

Để bảo tồn chức năng thị giác, người bệnh glaucoma thậm chí cần nhớ lịch dùng thuốc, lịch khám lại hơn là các nhu cầu khác như mua sắm, giải trí.

Điều trị cụ thể

Bệnh nhân glaucoma sẽ được điều trị bằng thuốc tra và thuốc uống hạ nhãn áp. Bên cạnh đó, để kiểm soát áp lực nội nhãn, tùy theo giai đoạn và hình thái glôcôm, bệnh nhân sẽ được tiến hành can thiệp bằng các loại laze cắt mống mắt chu biên, tạo hình chân mống mắt, tạo hình vùng bè hoặc các loại phẫu thuật như cắt bè củng giác mạc, cắt củng mạc sâu, đặt thiết bị dẫn lưu hạ nhãn áp và phẫu thuật glaucoma vi xâm lấn (đặt istent).

8 - Dự phòng bệnh glaucoma

Các đối tượng cần sàng lọc:

- Trên 40 tuổi (thường gặp ở nữ hơn nam).

- Có tiền sử gia đình.

- Mắc các tật khúc xạ: cận thị (glaucoma góc mở), viễn thị (glaucoma góc đóng).

- Có các bệnh lý mạch máu toàn thân: Đái tháo đường, tăng huyết áp, hội chứng Raynaud (rối loạn vận mạch đầu chi).

- Đã được chẩn đoán hội chứng giả bong bao hoặc hội chứng phân rã sắc tố.

- Sử dụng corticoid uống (Medrol điều trị các bệnh viêm khớp, tự miễn) và tra (Collydexa tự dùng khi ngứa, đỏ mắt) kéo dài.

Các đối tượng cần khám lại định kỳ:

- Đã được chẩn đoán xác định có glô-côm.

- Đã được điều trị bằng laze/phẫu thuật cắt bè củng giác mạc/đặt thiết bị dẫn lưu hạ nhãn áp.

- Đang theo dõi điều trị bằng thuốc.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Phân loại bệnh gây mù lòa glaucoma.

ThS.BS Hoàng Thanh Tùng - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 17/05/2025

    Chế độ ăn tham khảo với người mắc hội chứng thiên thần

    Tuy không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào có thể chữa khỏi hội chứng thiên thần nhưng dinh dưỡng hợp lý có thể giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, quản lý táo bón và hỗ trợ phát triển nhận thức.

  • 17/05/2025

    Thanh thiếu niên và tuổi dậy thì

    Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đánh dấu sự chuyển đổi từ trẻ em sang người trưởng thành. Đây là giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi về mặt thể chất và tâm sinh lý, đặt nền móng cho sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng quát trong tương lai. Việc thấu hiểu những biến đổi này, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và xã hội, sẽ giúp thanh thiếu niên vượt qua giai đoạn dậy thì một cách an toàn và khỏe mạnh.

  • 16/05/2025

    Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân lao hạch

    Bệnh lao hạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ăn uống. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.

  • 16/05/2025

    Lý do bạn bị đầy hơi sau khi ăn salad

    Bạn có thể dùng salad như một bữa ăn lành mạnh hoặc món ăn kèm, nhưng salad có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa tùy thuộc vào thành phần của nó. Rau và trái cây sống là những thực phẩm có thể gây đầy hơi và chướng bụng do một số hợp chất và vi khuẩn, và chúng có thể là lý do tại sao bạn có thể bị đau bụng dữ dội sau khi ăn salad.

  • 15/05/2025

    5 lợi ích sức khỏe của quả lê và những kiêng kỵ khi ăn lê

    Quả lê không chỉ đơn thuần là một loại trái cây ngon mà còn là một vị thuốc tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

  • 15/05/2025

    Bệnh lý mùa hè thường gặp

    Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng những ngày dài đầy nắng, tham gia các hoạt động ngoài trời và thư giãn. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết các bệnh lý mùa hè phổ biến, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

  • 14/05/2025

    Chế độ ăn cho người bị chấy rận

    Chấy rận không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng có thể giúp tăng cường sức đề kháng, giảm ngứa ngáy và hỗ trợ quá trình điều trị chấy rận hiệu quả hơn.

  • 14/05/2025

    Lợi ích sức khỏe của ngải cứu

    Ngải cứu là loại rau cũng như phương thuốc được dùng phổ biến trong đời sống người dân. Mặc dù ngải cứu đã được sử dụng nhiều trong y học phương Đông với nhiều công dụng tuyệt vời trong suốt chiều dài lịch sử, tuy nhiên y học hiện đại chưa chứng minh được tất cả những lợi ích cổ truyền của ngải cứu. Cùng tìm hiểu về loại cây này qua bài viết sau đây!

Xem thêm