Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giun móc và giun mỏ – nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có từ 20-50% người Việt Nam bị nhiễm giun, tỷ lệ nhiễm giun ở miền Nam là 10-50% và ở miền Bắc có nơi đến hơn 80%.

Giun móc và giun mỏ – nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ em

Giun móc có tên khoa học là Ancylostoma duodenalegiun mỏ tên khoa học là Necator americanus. Giun móc là loại ký sinh trùng có màu trắng sữa hoặc hơi hồng hoặc màu đỏ nâu tuỳ, con đực dài khoảng 8-11mm, con cái dài 10-13mm. Giun mỏ nhỏ hơn, ngắn hơn giun móc. Cả hai loài này đều sống ký sinh và có thể gây nhiễm trùng trong ruột non.

Bệnh do giun móc và giun mỏ gây ra khá phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Người bình thường bị nhiễm giun sau khi tiếp xúc với đất bị nhiễm phân người. Trẻ em nông thôn là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh bởi trẻ thường hay đi chân đất và chơi xung quanh những khu vực đất bị nhiễm ấu trùng giun. Trong đất, trứng giun sẽ nở và hình thành nên ấu trùng, sau đó ấu trùng chui qua da bàn chân và di chuyển vào trong máu. Máu tuần hoàn sẽ đưa ấu trùng đến phổi nơi mà chúng xâm nhập vào các túi khí của phổi. Sau đó, giun sẽ di chuyển tới các ống dẫn khí rồi tới họng hầu và được nuốt vào hệ tiêu hóa. Ấu trùng giun sẽ đi qua dạ dày rồi ký sinh và trưởng thành trong ruột. Giun sử dụng những móc sắc để bám vào thành ruột nên dễ gây xuất huyết nhỏ trong ruột. Giun móc, giun mỏ trưởng thành sống trong ruột rồi đẻ trứng, trứng sẽ được đưa ra ngoài môi trường qua phân của trẻ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Hầu hết trẻ bị nhiễm giun móc, giun mỏ đều không có dấu hiệu hay triệu trứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm giun kéo dài, trẻ có thể bị thiếu máuthiếu sắt do xuất huyết tại thành ruột. Các triệu chứng khác bao gồm tiêu chảy nhẹ và đau dạ dày. Ngứa và phát ban đỏ trên da có thể xuất hiện ở vùng da chân nơi mà ấu trùng xâm nhập để vào cơ thể. Nhiễm trùng phổi kèm theo ho, thở khò khè và sốt hiếm khi xảy ra mặc dù ấu trùng cũng di chuyển qua phổi. Sau vài tuần bị nhiễm giun, trẻ có thể cảm thấy ăn không ngon và sút cân. Ngoài ra nhiễm giun mãn tính cũng dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.

Chẩn đoán nhiễm giun móc, giun mỏ

Thường thì mẫu phân của trẻ sẽ được sử dụng để xét nghiệm tìm sự hiện diện của trứng giun.

Điều trị

Các thuốc chống ký sinh trùng sẽ được sử dụng để điều trị nhiễm giun móc, giun móc. Các thuốc điều trị giun phổ biến được kê bao gồm một liều đơn của albendazole hoặc 3 ngày điều trị bằng mebendazole hoặc pyrantel. Sau 1 – 2 tuần điều trị, bác sỹ có thể yêu cầu xét nghiệm lại mẫu phân của trẻ để kiểm tra xem trẻ đã hết giun hay chưa. Bác sỹ có thể chỉ định sử dụng lặp lại thuốc điều trị trong trường hợp trẻ vẫn còn bị nhiễm giun.

Ngoài ra, trẻ cũng được kê thêm sắt để điều trị chứng thiếu máu do xuất huyết tại ruột.

Tiên lượng bệnh

Nếu được phát hiện sớm và điều trị hợp lý, trẻ có thể khỏi nhiễm giun hoàn toàn.

Phòng bệnh

Tình trạng tái nhiễm giun móc, giun mỏ xảy ra khá thường xuyên. Do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là luôn đi giày dép để phòng ấu trùng xâm nhập qua bàn chân và tránh chơi xung quanh các khu vực đất bị nhiễm phân người. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cảnh giác với bệnh thiếu máu ở trẻ em

Bình luận
Tin mới
Xem thêm