Dinh dưỡng cho trẻ hen phế quản
Vấn đề dinh dưỡng ở trẻ mắc bệnh hen:
Trẻ mắc bệnh hen cũng có cùng nhu cầu dinh dưỡng giống như moị trẻ khác. Ngoại trừ một số loại thức ăn đặc biệt mà trẻ thật sự bị dị ứng mà ta cần phải tránh, không một chế độ tiết chế, ăn kiêng nào thật sự chứng tỏ là có hiệu quả. Vì vậy, kiêng ăn không phải giải pháp được các nhà chuyên môn khuyến khích trừ khi có bằng chứng dị ứng thức ăn rõ ràng. Việc cung cấp các loaị vitamin cao hơn mức nhu cầu bình thường hàng ngày cũng là việc không cần thiết.
Nếu không được điều trị tốt, hen sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất của trẻ: trẻ có thể bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, lùn, biến dạng lồng ngực. Cùng với việc điều trị bệnh hen một cách hiệu quả, một chế độ dinh dưỡng tốt cũng vô cùng quan trọng và cần thiết để trẻ có thể phát triển tốt về mọi mặt .
Ngoài ra, khi trẻ phải sử dụng các thuốc phòng ngừa hen lâu dài (thường là corticoid dạng hít), ta cần chú ý cung cấp thêm calcium hoặc dùng thêm các loại thực phẩm, sữa giàu calcium để tránh biến chứng loãng xương cũng như giúp trẻ có thể phát triển tốt hơn
Ở thái cực khác, béo phì cũng có tác động xấu đến bệnh hen cuả trẻ. Thật vậy, trẻ béo phì dễ bị hen hơn và khi bị hen, bệnh cũng nặng hơn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Đối với trẻ béo phì, chỉ riêng việc giảm cân cũng có thể giúp trẻ cải thiện rõ rệt chức năng phổi, cũng như các triệu chứng của bệnh hen.
Trẻ mắc bệnh hen và vấn đề bú mẹ
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy sữa mẹ có thể có vai trò bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh hen. Trái với điều mà không ít bà mẹ lo ngại, bệnh hen không phải là bệnh truyền nhiễm và hoàn toàn không hề lây từ mẹ sang trẻ qua sữa mẹ. Ngược lại, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng khi mẹ mắc bệnh hen, trẻ được bú mẹ càng lâu càng sẽ có thể tránh được nguy cơ mắc bệnh hen sau này, nhất là khi trẻ được bú mẹ hoàn toàn.
Khi trẻ phải sử dụng sữa bò, nguy cơ mắc các bệnh dị ứng nói chung và mắc bệnh hen nói riêng sẽ gia tăng đáng kể. Dị ứng sữa bò là loại dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ em: người ta đã tìm thấy trong sữa bò có chứa ít nhất 20 thành phần protein có thể gây dị ứng.
Trẻ mắc bệnh hen cần kiêng ăn gì ?
Khoảng 2/3 bệnh nhân hen tin là bệnh của họ sẽ bị nặng hơn do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ khoảng 5% bệnh nhân là thật sự có vấn đề này.
Nếu trẻ thật sự bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, cách tốt nhất là phải tránh chúng và nên tránh cả những loại thức ăn tương tự làm từ loại thực phẩm này. Thí dụ nếu trẻ bị dị ứng với bắp, cũng cần cảnh giác với các đồ gia vị chế biến từ bắp như nước màu, caramel, các chất keo - hồ bột dùng trong chế biến thức ăn (lecithin), đường mạch nha.
Cũng nên lưu ý đến một số loại thức ăn có thể có phản ứng dị ứng chéo với nhau. Chẳng hạn nếu trẻ dị ứng với cua, cũng nên thận trọng khi ăn tôm nước ngọt, tôm hùm, tôm nước mặn do có thể có hiện tượng phản ứng chéo này.
Các loại thức ăn thường gây dị ứng
Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có khả năng gây dị ứng nhưng các loại thực phẩm thường gây dị ứng nhất là :
Cá biển và các loại thuỷ sản có vỏ cứng: tôm, cua, sò, ốc
Lòng trắng trứng: lòng trắng trứng chứa 23 loại glucoprotein khác nhau – đây là các dị ứng nguyên thường gặp nhất gây dị ứng thức ăn.
Một số loại ngũ cốc, hạt quả: bột mì, đậu phộng, đậu nành. Đậu phộng chính là loại thức ăn gây dị ứng thường gặp nhất ở trẻ trên 4 tuổi.
Bột ngọt (monosodium glutamate): đây là một nguyên nhân “thầm lặng” có thể làm bệnh hen có thể trở nên trầm trọng hơn.
Các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm : aspartame (là loại chất làm ngọt –Nutrasweet- có trong nhiều loại thưc phẩm và nước giải khát), BHA và BHT-BHA (chất chống oxy hoá thường dùng cho ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc), muối nitrate và nitrite (thường dùng làm chất bảo quản, dậy mùi, tạo màu), các chất parabens, sulfite (để bảo quản thực phẩm)
Một số loại trái cây : chuối, dứa, dâu tây
Việc phải loại trừ một số thức ăn khỏi khẩu phần ăn của trẻ vì lý do dị ứng không hoàn toàn có nghĩa là con bạn sẽ không bao giờ có thể ăn được các món ấy trở lại. Một số thức ăn nếu dùng với lượng ít hoặc khi nấu chín có thể sẽ không gây triệu chứng gì. Và theo thời gian, một số trẻ có thể hết bị dị ứng hoàn toàn với một số loại thực phẩm. Chẳng hạn dị ứng với protein sữa bò tuy hay gặp nhưng thường chỉ thoáng qua: trẻ có thể hết dị ứng sau 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ đã từng bị phản ứng nặng, đe dọa đến tính mạng do một loại thức ăn nào đó thì bạn nên thật sự phải cảnh giác với nguy cơ tiềm tàng này.
Tóm lại, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý là vô cùng cần thiết để trẻ mắc bệnh hen có thể phát triển toàn diện thành người hữu ích sau này.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hen phế quản ở trẻ em – Những điều cha mẹ cần biết
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dengue gây ra, lây lan chủ yếu qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti. Mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trẻ sơ sinh lại là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch còn non yếu.
Mùa hè với những ngày nắng nóng kéo dài không chỉ là thời điểm để thư giãn mà còn là cơ hội tuyệt vời để người cao tuổi tham gia các hoạt động thể thao dưới nước. Đây là hình thức vận động nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên cơ thể, đồng thời mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vượt trội.
Đau thắt lưng là một trải nghiệm phổ biến đối với nhiều người. Nó thường có thể dẫn đến đau, ngứa ran hoặc tê ở phần thân dưới. Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng, phổ biến nhất bao gồm căng cơ, tư thế xấu và tuổi tác.
Mùa hè đến mang theo cái nắng gay gắt, đặc biệt tại Việt Nam – nơi khí hậu nhiệt đới khiến bức xạ tia cực tím (UV) đạt mức cao trong nhiều tháng. Đối với thanh thiếu niên lứa tuổi năng động, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời như thể thao, dã ngoại hay đi học việc bảo vệ làn da và sức khỏe trước tia UV là vô cùng cần thiết.
Một nghiên cứu mới đã tìm hiểu cách thức sucralose, một chất tạo ngọt không calo, ảnh hưởng đến các tín hiệu não bộ liên quan đến cảm giác đói.
Việc ai đó thể hiện tình cảm với bạn có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và phấn khích khi bạn đang trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt sự mới lạ của một mối quan hệ mới với các hành vi thái quá.
Trong cuộc sống hiện đại, khi thời gian dành cho gia đình ngày càng bị thu hẹp bởi công việc và các thiết bị điện tử, việc tìm kiếm một hoạt động vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp gắn kết tình cảm cha con trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Những ngày hè đầy nắng là thời điểm lý tưởng để đưa trẻ ra ngoài chơi, đi biển, cắm trại, picnic,... Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến trẻ dễ bị cháy nắng. Cháy nắng nặng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da cho trẻ. Cùng đọc bài viết sau đây để biết cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng.