Những lý do nên hạn chế lượng muối cho bé ăn
Nhiều cha mẹ có thói quen thêm muối vào thức ăn của trẻ để cải thiện hương vị và khuyến khích trẻ ăn ngon. Tuy nhiên, thận của trẻ còn non nớt và chúng không thể lọc lượng muối dư thừa hiệu quả như thận của người lớn. Do đó, chế độ ăn quá nhiều muối có thể gây tổn thương đến thận và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ.
Trẻ sơ sinh được sinh ra với sở thích tự nhiên đối với các loại thực phẩm có vị ngọt, mặn và vị umami. Việc cho trẻ ăn thức ăn mặn liên tục có thể củng cố thêm sở thích vị giác tự nhiên này, có thể khiến con bạn thích thức ăn mặn hơn những thức ăn nhạt.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng có thể sẽ khiến huyết áp của trẻ tăng lên. Các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của muối lên huyết áp trẻ em có thể sẽ nhiều hơn là đối với người trưởng thành.
Bao nhiêu muối là đủ với trẻ?
Natri - thành phần chính trong muối ăn hàng ngày, là một chất dinh dưỡng rất quan trọng. Tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ nhỏ cũng cần một lượng natri vừa đủ để thực hiện tốt các chức năng bình thường của cơ thể.
Sữa mẹ có thể cung cấp đủ nhu cầu natri của trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trẻ dưới 6 tháng có thể đáp ứng được các nhu cầu natri khuyến nghị một ngày từ sữa mẹ và sữa công thức. Trẻ 7-12 tháng có thể đáp ứng nhu cầu khuyến nghị natri thông qua sữa mẹ, sữa công thức và một lượng nhỏ natri có mặt tự nhiên trong các thực phẩm ăn dặm không qua chế biến. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo không nên thêm muối vào các thực phẩm của trẻ cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi.
Sau 1 tuổi, khuyến nghị về muối dành cho trẻ có thể thay đổi một chút. Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu EFSA khuyến cáo 1100 mg natri/ngày, tương đương nửa thìa cà phê muối (2.8 gr) là an toàn và đủ cho trẻ 1-3 tuổi. Khuyến cáo tại Mỹ dành cho độ tuổi này là 800mg natri/ngày, tương đương khoảng 0.4 thìa cà phê muối/ngày.
Làm thế nào để biết trẻ có ăn quá nhiều muối hay không?
Nếu trẻ ăn một bữa ăn quá mặn, trẻ thường sẽ có biểu hiện khát nước nhiều hơn. Thường thì bạn rất khó để phát hiện ra ảnh hưởng của một bữa ăn mặn ngay lập tức, nhưng theo thời gian, biểu hiện của trẻ sẽ rõ ràng hơn. Trong những trường hợp rất hiếm, trẻ có thể bị tăng natri máu. Nếu không điều trị, tăng natri máu có thể khiến trẻ dễ bị kích động, sau đó dẫn đến lờ đờ, buồn ngủ và thậm chí là không đáp ứng sau một thời gian. Các trường hợp tăng nhẹ natri máu có thể khó phát hiện hơn. Dấu hiệu của trẻ bao gồm rất khát nước và da có kết cấu nhão. Trẻ sơ sinh có thể sẽ kêu khóc với tần số cao hơn nếu vô tình ăn quá nhiều muối.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Chế biến thức ăn dặm cho bé có cần nêm muối?