“Cảm giác buồn bã, lo lắng, căng thẳng, buồn chán hoặc cô đơn… thường dẫn đến cảm giác thèm ăn” - bà Eva Kemps, một giáo sư tâm lý học từ Đại học Flinders ở Adelaide, Australia cho hay.
Theo thống kê, phụ nữ thường có cảm giác thèm ăn vài ngày trước chu kỳ kinh nguyệt. Cảm giác thèm ăn ở phụ nữ mang thai cũng cho thấy sự liên quan của yếu tố hormone. Ngoài ra, những người gặp chuyện buồn, không vui như công việc không suôn sẻ, thất tình v.v…. càng bị ám ảnh bởi cảm giác them ăn nhiều hơn người bình thường.
Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của cơn thèm ăn và liệu cảm giác này có thể bị làm cho gián đoạn như thế nào, Kemps và đồng nghiệp của bà, Marika Tiggemann, đã tìm hiểu xem cảm giác này như thế nào.
Họ đã yêu cầu 130 người tình nguyện diễn tả về cơn thèm ăn gần đây nhất của mình. Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng hầu hết trong số này đều không quan tâm nhiều đến âm thanh xung quanh hoặc những thứ mình đang tiếp xúc khi đang đói bụng.
Thay vào đó, họ chỉ nghĩ đến hình ảnh và những mùi vị đang tưởng tượng ra trong đầu.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã cho những người tình nguyện xem các hình ảnh phi thực phẩm, như hình ảnh cầu vồng hoặc các khối vuông, để xem liệu điều này có làm gián đoạn cơn đói hay không.
Kết quả cho thấy những người tham gia thử nghiệm đã cảm thấy ít thèm ăn hơn sau khi được cho chơi trò xếp gạch.
Nếu cơn thèm ăn vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể đối mặt với vấn đề về sức khỏe, vì bỗng nhiên cơ thể phải tiêu thụ một lượng calories không cần thiết. Một số thử nghiệm cho thấy cảm giác này khiến nhiều người không thể thực hiện các hoạt động một cách bình thường. Điều này cho thấy não bộ của chúng ta chỉ có khả năng tập trung vào một số thứ nhất định trong cùng một thời điểm.
Vì vậy, bà Kemps khuyên rằng nếu cơn thèm ăn trở nên quá mạnh, tốt hơn hết là bạn nên thỏa mãn nó, nếu không muốn mất tập trung vào những việc khác.