Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách phục hồi nhanh làn da bị cháy nắng tại nhà

Nguy cơ da bị cháy nắng tăng cao trong những tháng mùa Hè. Làm thế nào để nhanh lấy lại làn da đang bị cháy nắng. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục bạn có thể áp dụng tại nhà.

Làn da bị cháy nắng phải làm sao để nhanh lành?

Theo bác sĩ da liễu Susan Massick (Trung tâm Y tế Wexner, thuộc Đại học bang Ohio, Hoa Kỳ), cháy nắng là một phản ứng đối với tia UV trên da. Tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng các tế bào da vượt ngoài khả năng cơ thể có thể chữa lành tự nhiên, khiến những tế bào này chết đi. Điều này kích hoạt một phản ứng viêm, tại đây các mạch máu giãn ra và các tế bào viêm xuất hiện, khiến làn da chuyển sang màu hồng hoặc đỏ.

Quá trình phản ứng viêm này có thể mất 4-6 tiếng để có biểu hiện rõ ràng. Do đó có thể khiến nhiều người bị cháy nắng mà không nhận ra cho đến khi làn da chuyển khô, đỏ, khó chịu thậm chí là đau đớn.

Một số biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp bạn nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn, thúc đẩy chữa lành làn da cháy nắng, giảm mẩn đỏ và đau.

Tắm nước mát với vòi hoa sen, bỏ qua xà phòng tắm

Ngâm mình trong bồn tắm tạo bọt và sử dụng xà phòng có thể làm khô và kích ứng vùng da bị cháy nắng. Bạn nên tắm nước mát và tránh dùng xà phòng tắm. Trường hợp phải dùng xà phòng trong khi rửa, bạn nên dùng loại dịu nhẹ và chú ý rửa lại thật sạch với nước.

Ngâm mình trong bột biến mạch

Một cách khác để chữa cháy nắng là thêm bột yến mạch vào bồn tắm. Nghiên cứu cho thấy, bột yến mạch dạng keo (colloidal oatmeal) giúp giảm viêm và giảm ngứa. Ngoài ra, bạn có thể cho yến mạch nguyên chất vào máy xay nhuyễn, sau đó thêm vào bồn tắm của mình.

Trộn bột yến mạch với nước mát và ngâm mình trong 15-20 phút, sau đó nhẹ nhàng lau khô da bằng khăn sạch, tránh chà xát sẽ khiến làn da bị kích ứng thêm.

Dùng đá lạnh

Bọc một túi đá trong một chiếc khăn ẩm và chườm lên vết da cháy nắng. Đá lạnh sẽ hấp thu một phần nhiệt trên da, làm co mạch máu và giảm sưng. Bạn cũng có thể dùng cả nước lẫn đá bằng cách đổ chung vào một bát, nhúng khăn sạch vào và đặt khăn lên vết cháy nắng. Lặp lại sau vài phút. Chườm vài lần trong ngày, từ 10-15 phút/lần để giảm cháy nắng nhanh chóng.

Sử dụng trà

Nghiên cứu cho thấy acid tannic (trong trà xanh và trà đen) có thể giúp giảm nóng rát do cháy nắng. Và catechin (một hợp chất chống oxy hóa) giúp sửa chữa tổn thương da. Điều này có thể đặc biệt hữu ích nếu bạn bị cháy nắng quanh vùng mắt nhạy cảm.

Bạn chỉ cần ngâm hai túi trà trong nước mát và đặt lên trên hai mắt đã nhắm, giúp giảm sưng và giảm đau.

Thoa sản phẩm chứa hydrocortisone

Giảm thiểu ngứa, làm dịu kích ứng da và giảm viêm bằng loại lotion dưỡng da, thuốc xịt hoặc thuốc mỡ có chứa 1% hydrocortisone. Hydrocortisone có đặc tính chống viêm, giúp làm giảm mẩn đỏ và giảm đau khi bị cháy nắng nhẹ . Bạn có thể sử dụng 2 hoặc 3 lần một ngày, tùy thuộc vào mức độ cháy nắng.

Giữ nước

Bạn cần uống nhiều nước để giúp chống lại làn da bị khô khi cháy nắng. Bên cạnh uống nước, bạn có thể ăn nhẹ các loại trái cây và rau củ nhiều nước như dưa hấu, dưa chuột, dâu tây, cà chua, bưởi và dưa vàng. Những loại quả này đều có hơn 90% là nước.

Chú ý dưỡng ẩm

Sau tắm, bạn có thể thoa một lớp dầu tắm có thành phần tự nhiên lên da. Sau 1 phút, thoa kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng da để khóa ẩm. Bạn cũng có thể làm lạnh kem dưỡng ẩm trong tủ lạnh trước khi thoa. Tránh các sản phẩm có chứa dầu khoáng petroleum (như Vaseline) vì có thể giữ nhiệt.

Thoa nha đam

Nha đam giúp làm dịu và làm mát làn da bị cháy nắng

Nha đam giúp làm dịu và làm mát làn da bị cháy nắng.

Dùng nha đam có thể chữa lành vết thương trên da bằng cách bạn lấy gel của lá nha đam và thoa lên vùng da cháy nắng. Nếu tìm sản phẩm gel nha đam, bạn nên tìm sản phẩm hữu cơ và nguyên chất, không chứa cồn, màu và hương liệu vì những yếu tố này có thể gây kích ứng da.

Dùng dầu dừa

Lưu ý chỉ sử dụng dầu dừa ép lạnh hữu cơ, và chỉ dùng khi vết phồng rộp do cháy nắng đã giảm bớt hoặc đã lành. Dùng dầu dừa trên vùng da mới bị cháy nắng có thể làm nóng thêm cho da.

Để an toàn, bạn nên thoa dầu dừa ép lạnh hữu cơ trên một vùng da nhỏ trước để xem xét liệu có phản ứng. Tránh thoa dầu dừa lên mặt nếu bạn bị mụn trứng cá vì dầu dừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.

Dùng nệm hơi hoặc bột talcum

Bạn có thể thử rắc bột talcum lên ga trải giường để giảm thiểu sự cọ xát và ma sát với làn da bị cháy nắng. Hoặc dùng nệm hơi có thể giúp bạn dễ ngủ hơn vì giữ nhiệt ít hơn. Nếu chân hoặc bàn chân bị cháy nắng, hãy nâng chân lên cao hơn tim để giúp giảm sưng.

Dùng thuốc Aspirin

Aspirin là thuốc không kê đơn, uống 1 viên aspirin có thể giúp giảm đau, ngứa và sưng tấy do bỏng nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, Acetaminophen và Ibuprofen cũng có tác dụng. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn và tuân thủ liều lượng để đảm bảo an toàn.

Tránh những chất có đuôi -caine

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), nếu vết cháy nắng nhẹ, thuốc gây tê OTC có thể được tham khảo sử dụng, nhưng bạn nên tránh các sản phẩm có chứa benzocaine hoặc lidocaine vì chúng có thể gây kích ứng da.

Mặc quần áo nhẹ, thoải mái

Mặc các loại vải mềm, thoải mái như cotton trong khi vết bỏng da đang lành để giảm thiểu sự cọ xát có thể gây kích ứng da.

Tránh bóc da và chích phồng rộp

Tránh bóc lớp da đang bị bong tróc sẽ giúp bạn giảm bớt sự khó chịu và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Không nên tự chọc thủng những vết phồng rộp trên da vì có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Hãy giữ cho bọng nước càng lâu càng tốt, vệ sinh vết thương nhẹ nhàng bằng nước muối pha loãng, thấm khô vết thương. Lặp lại đến khi vết bỏng tự tiêu.

Khi nghi ngờ vết phồng rộp có dấu hiệu nhiễm trùng (như sưng tấy hoặc nhiều mủ), bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu.

Tránh nắng

Khi bị cháy nắng, tốt nhất bạn nên ở trong nhà cho đến khi da lành lại. Khoảng thời gian này có thể là từ vài ngày đến một tuần. Khi phải ra ngoài, cần chú ý che chắn thật kỹ như đội mũ, cố gắng ở bóng râm, thoa kem chống nắng phù hợp, mặc quần áo chống nắng.

Bị cháy nắng khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trường hợp bị cháy nắng đi kèm cảm giác buồn nôn, ớn lạnh, sốt, ngất xỉu, phồng rộp trên diện rộng, suy nhược toàn thân, các mảng da đổi màu tím hoặc ngứa dữ dội, cần thăm khám bác sĩ kịp thời.

Ngoài ra, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc theo toa, với một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc an thần và thuốc chống nấm có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và gây ra các phản ứng. Thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu, thuốc trị đái tháo đường và thậm chí cả kem chống nắng có chứa PABA cũng có thể làm tăng nguy cơ bị cháy nắng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách điều trị và ngăn ngừa da bị cháy nắng.

Nguyễn Thanh - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm