Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bí quyết sử dụng sản phẩm chống muỗi an toàn

Kem, xịt chống muỗi là vật dụng cần thiết khi thời tiết ấm dần lên. Đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ hoặc bà bầu, bạn càng cần thận trọng khi lựa chọn thành phần trong sản phẩm chống muỗi.

Làm thế nào để lựa chọn sản phẩm chống muỗi an toàn mà hiệu quả?

Chọn thành phần chống muỗi an toàn

Trên thị trường hiện nay có vô số công thức sản phẩm chống côn trùng, chống muỗi đốt. Sản phẩm chống muỗi cũng được bào chế thành dạng kem, gel, dung dịch bôi hoặc bình xịt. Tuy nhiên, chỉ một số hoạt chất sau được chứng minh có hiệu quả chống muỗi khi sử dụng trực tiếp lên cơ thể:

Diethyltoumide (DEET)

        Ở nồng độ đậm đặc, DEET có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Từ lâu DEET đã được biết đến như là một loại thuốc chống côn trùng, đặc biệt là xua đuổi muỗi hiệu quả. Tỷ lệ DEET trong sản phẩm chống muỗi dao động từ 10-80% và được pha trộn thêm các thành phần khác.

Tuy nhiên, các hóa chất tổng hợp như DEET được hấp thụ qua da ở nồng độ nhất định có thể gây tác dụng phụ nguy hại với trẻ nhỏ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ sơ sinh và bà bầu không nên sử dụng các sản phẩm có chứa DEET.

Picaridin

Picaridin được đánh giá là thành phần chống muỗi khá an toàn khi sử dụng trực tiếp. Picaridin được sử dụng ở nồng độ khác nhau tùy theo quy định của từng quốc gia. Ví dụ, ở Australia, hầu hết các sản phẩm sử dụng picaridin nồng độ dưới 20%.

Dầu bạch đàn chanh

   Dầu bạch đàn chanh là thành phần chống muỗi an toàn

Dầu bạch đàn chanh (oil of lemon eucalyptus) được chiết xuất từ lá cây Corymbia citriodora - một giống bạch đàn ở châu Úc. Qua quá trình tinh chế, dầu bạch đàn chanh chứa hàm lượng para-Menthane-3,8-diol (PMD) cao hơn nhiều lần so với tinh dầu bạch đàn chanh. Hợp chất PMD tự nhiên trong dầu bạch đàn chanh được chứng minh có khả năng chống muỗi hiệu quả và lâu dài.

Các nghiên cứu cho rằng dầu bạch đàn chanh an toàn với sức khỏe, có mùi dễ chịu hơn tinh dầu khuynh diệp và không gây kích ứng với người sử dụng. Do đó, thành phần này đang dần thay thế hợp chất DEET trong thị trường sản phẩm chống muỗi.

Một số tinh dầu thực vật khác cũng được thêm vào các sản phẩm chống muỗi: Tràm trà, sả, chanh, bạc hà… Kem hoặc xịt chống muỗi thảo dược không độc hại với sức khỏe, tuy nhiên, chúng không đem lại hiệu quả lâu dài như DEET, picaridin hay dầu bạch đàn chanh.

Cách sử dụng các sản phẩm chống muỗi đem lại hiệu quả

 Tránh phun xịt chống muỗi trực tiếp lên mặt 

Cách dùng xịt chống muỗi như nước hoa (xịt vào không khí quanh mình) không đem lại tác dụng hiệu quả và lâu dài. Bạn nên để bình xịt cách bề mặt da 10-15cm, phun một lượng thích hợp lên trên da rồi thoa đều. Đối với vùng mặt hay cổ, bạn nên phun dung dịch ra lòng bàn tay rồi thoa lên da.

Tránh phun trực tiếp lên mặt vì dễ hít vào mũi, dây vào miệng và mắt. Bạn cũng có thể xịt dung dịch chống muỗi lên chăn, chiếu, màn… hoặc dụng cụ trong nhà để tăng tác dụng đuổi muỗi.

Với các sản phẩm dạng kem, gel bôi lên da, bạn cần thoa một lớp sản phẩm mỏng và dàn đều lên vùng da không được quần áo che phủ. Bạn cần thử dùng thuốc chống muỗi đốt cho một vùng da nhỏ ở mặt trong cổ tay để đề phòng hiện tượng kích ứng, mẩn ngứa.

Trẻ trên 1 tuổi có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi dành riêng cho bé mà bác sỹ khuyên dùng. Cha mẹ không nên bôi thuốc lên bàn tay trẻ nhỏ, vì trẻ thường xuyên cho tay vào miệng. Bạn cũng có thể xịt chống muỗi lên quần áo của trẻ khoảng 30 phút trước khi mặc.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chống muỗi đốt tự nhiên: Đừng ăn nhiều 4 thực phẩm sau.

Quỳnh Trang - Theo Healthplus
Bình luận
Tin mới
Xem thêm