Ngày 23/07/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đến ngày 11/05/2023 – sau khi trải qua gần 1 năm đối phó với căn bệnh – bệnh đậu mùa khỉ đã được gỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất. Dù vậy, căn bệnh vẫn được coi là mối nguy hại sức khỏe cộng đồng và vẫn được cảnh báo mức độ nguy hiểm tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nguồn gốc của căn bệnh
Bệnh đậu mùa khỉ được mô tả lần đầu tiên vào năm 1958 ở những con khỉ được vận chuyển từ Singapore đến Đan Mạch. Trong thập kỷ tiếp theo, các đợt bùng phát của bệnh đã được báo cáo ở các con khỉ nuôi nhốt tại Mỹ, Hà Lan và Pháp. Trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được báo cáo vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo – trên một bé trai 9 tháng tuổi – là thành viên duy nhất trong một gia đình chưa được tiêm phòng bệnh đậu mùa.
Sau trường hợp đầu tiên ở người được phát hiện, các đợt bùng phát lẻ tẻ đã được báo cáo ở một số quốc gia ở Tây và Trung Phi, chủ yếu ở trẻ em ở các vùng nông thôn, khu vực rừng nhiệt đới. Từ năm 1981 đến năm 2017, virus đậu mùa khỉ đã gây ra một số đợt bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo, với tỷ lệ tử vong cao (1-12%). Tuy nhiên đến năm 2017, Nigeria đã báo cáo một đợt bùng phát lớn với 122 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh thông qua phương pháp chẩn đoán bằng PCR. Sự gia tăng dần dần các ca nhiễm bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo và sự tái xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria vào năm 2017 được cho là do việc ngừng tiêm phòng bệnh đậu mùa vào năm 1980, khi khả năng miễn dịch của người dân trở nên suy yếu, cùng với việc thường xuyên săn bắn hoặc giết mổ thịt thú rừng và quá trình đô thị hóa lan rộng xâm lấn vào các khu vực rừng và đầm lầy.
Sự chú ý của quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu nổi lên vào năm 2003, khi 71 trường hợp ở người được báo cáo ở Mỹ. Từ năm 2003 đến năm 2022, một số trường hợp liên quan đến du lịch đã được báo cáo ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á. Tuy nhiên, từ ngày 13/5/2022, một đợt bùng phát toàn cầu ở các quốc gia mới bị ảnh hưởng đã dẫn đến việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải tuyên bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Trải qua gần 1 năm đối phó với căn bệnh, đến ngày 11/05/2023, WHO đã gỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2022, hơn 78.000 trường hợp mắc bệnh tại hơn 100 quốc gia đã được báo cáo.
Theo báo cáo của WHO năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ được coi là bệnh đặc hữu ở một số quốc gia châu Phi, bao gồm Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana (chỉ được xác định ở động vật), Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Từ tháng 1 đến tháng 5/2022, Cộng hòa Dân chủ Congo là quốc gia báo cáo số ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ nhiều nhất, với 1284 trường hợp mắc và 58 trường hợp tử vong.
Trong đợt bùng phát toàn cầu năm 2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã được báo cáo cho WHO vào tháng 5. Ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 63% trường hợp đang nhiễm HIV, 01 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 7 tỉnh, thành, gồm TP. Hồ Chí Minh 46 ca, Lâm Đồng, Long An mỗi nơi hai ca, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Cần Thơ mỗi nơi một ca. Trường hợp tử vong ở TP HCM. Ngoài ra, còn hai ca lây nhiễm từ nước ngoài về, phát hiện vào giữa năm ngoái.
Các trường hợp mắc bệnh có đội tuổi trung bình là 32 (18-49 tuổi), hầu hết là nam giới (chiếm gần 93%). Trong số đó, gần 79% có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM – nam quan hệ tình dục với nam), còn dị tính chiếm tỉ lệ 9%. Ngoài những bệnh nhân đang nhiễm HIV, có 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Virus đậu mùa khỉ
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ là một virus cùng chi với Variola virus (tác nhân gây bệnh đậu mùa), Vaccinia virus (virus được sử dụng trong vaccine đậu mùa) và virus gây bệnh đậu bò. Là một loại virus có DNA sợi kép, virus gây bệnh đậu mùa khỉ có kích thước từ 200-250nanomet, do vậy khó phân biệt với các virus khác cùng chi.
Đường lây truyền
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận có khả năng lây truyền từ người sang người. Ổ chứa trên động vật chính xác của virus vẫn chưa được biết đến, tuy nhiên các gợi ý cho rằng con người là vật chủ ngẫu nhiên của nhiễm trùng.
Sự lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra do phơi nhiễm không xâm lấn (chạm vào động vật, dọn dẹp chuồng trại, săn bắn hoặc chế biến thịt) hoặc xâm lấn từ vết cắn hay vết trầy xước từ động vật bị nhiễm bệnh. Sự lây truyền virus đậu mùa khỉ từ người sang người có thể xảy ra qua dịch tiết đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, lây truyền dọc, lây truyền qua da hoặc tiếp xúc gián tiếp qua vật thể trung gian. Với lây truyền qua đường hô hấp, tình trạng này xảy ra khi các giọt dịch hô hấp kích thước lớn từ vật chủ truyền bệnh xâm nhập vào cơ thể. Với tiếp xúc trực tiếp qua các vết loét hoặc tổn thương nhiễm trùng, đây là phương thức lây truyền chính trong đợt bùng phát năm 2022. Virus đậu mùa khỉ có thể lây lan trong các hoạt động bao gồm tiếp xúc gần gũi, thân mật với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như trầy xước siêu nhỏ xảy ra trong hoạt động tình dục.
Cũng trong đợt bùng phát năm 2022, các xét nghiệm cho thấy DNA của virus đậu mùa khỉ gần như luôn được tìm thấy trong các mẫu da, và được phát hiện (dù ít hơn và tải lượng virus thấp hơn) ở các bộ phận cơ thể khác
Thời kỳ lây nhiễm kéo dài từ khi bắt đầu các biểu hiện lâm sàng cho đến khi tất cả các tổn thương da đã đóng vảy và tái biểu mô hóa. Ở những bệnh nhân có sức đề kháng bình thường mắc bệnh đậu mùa khỉ nhẹ, DNA virus có thể được phát hiện bằng định lượng PCR trong thời gian trung bình là 25 ngày ở da, 16 ngày ở hầu họng, 16 ngày ở trực tràng, 13 ngày trong tinh dịch và 1 ngày trong máu; và phải đến ngày 39 và ngày 41, 90% trường hợp mới có nồng độ DNA virus không thể phát hiện được trong tinh dịch và trong tổn thương da. Tinh dịch không có khả năng là nguồn lây truyền tiềm năng chính trong quá trình bệnh hoặc sau khi hồi phục hoàn toàn, vì tải lượng virus trong tinh dịch thường thấp và độ thanh thải virus nhanh.
Sự lây truyền dọc sang thai nhi có thể xảy ra, đôi khi dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh, mặc dù nguy cơ ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ chưa được xác định. Từ năm 2007 đến năm 2011, có 4 phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó có một trẻ sơ sinh khỏe mạnh, hai người bị sẩy thai và một người bị thai nhi tử vong với tổn thương da dát sần lan tỏa – phù hợp với lây truyền dọc của bệnh. Ít nhất 12 phụ nữ mang thai đã bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát năm 2022, nhưng sự lây truyền dọc không được quan sát thấy trong bất kỳ trường hợp nào. Sự khác biệt này có thể một phần liên quan đến sự xâm lấn lớn của nhánh 1 cao hơn so với nhánh 2.
Sự lây truyền qua da đã được báo cáo sau khi bị thương do kim tiêm từ các vật tư được sử dụng để thu thập các mẫu tổn thương da. Các tổn thương đậu mùa khỉ xuất hiện tại vị trí kim tiêm, do đó khuyến cáo là tránh sử dụng các dụng cụ sắc nhọn để mở hoặc hút các tổn thương đậu mùa khỉ và lấy lại kim đã sử dụng.
Một yếu tố nữa là ô nhiễm môi trường với DNA virus đậu mùa khỉ trong môi trường gia đình và môi trường chăm sóc người bệnh đã được báo cáo, bao gồm cả việc phát hiện các mẫu virus có khả năng sao chép. Điều tra trong phòng cách ly hô hấp của bệnh viện đã tìm thấy DNA virus trong phòng tắm, sảnh, thiết bị bảo vệ cá nhân của nhân viên y tế và các bề mặt không chạm (ví dụ: cách giường trên 1,5m). Không rõ liệu tiếp xúc gián tiếp có phải là con đường lây truyền thường xuyên hay không, tuy nhiên sự ô nhiễm bề mặt lan rộng của môi trường chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi một cách tiếp cận có hệ thống để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh ở các nước châu Phi bao gồm: (1) sống tại các khu vực có rừng (đặc biệt là gần các địa điểm có thể sinh sống của sóc), (2) sống trong nhà có người mắc bệnh đậu mùa khỉ, (3) là nam giới và (4) dưới 15 tuổi. Trong năm 2022, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (98% bệnh nhân trong báo cáo 528 trường hợp từ 16 quốc gia) và nhiều trường hợp khác báo cáo hành vi tình dục là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Một số bệnh nhân cũng đã báo cáo có phát sinh quan hệ tình dục đối với nhiều bạn tình trong 2 tuần trước khi xác định nhiễm bệnh, hoặc quan hệ tình dục tại các địa điểm đặc biệt (ví dụ: phòng tắm hơi chung hoặc nhà tắm chung) hoặc các buổi quan hệ tình dục nhóm và có sử dụng các thuốc kích thích trong khi quan hệ tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng đã được báo cáo ở 16-29% số người được xét nghiệm trong các nghiên cứu khác trong khoảng thời gian này, trong đó có bệnh lậu, chlamydia và giang mai là những bệnh phổ biến nhất. Một tỷ lệ đáng kể (33-42%) bệnh nhân nhiễm virus đậu mùa khỉ đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm để ngăn ngừa nhiễm HIV và tỷ lệ cao là người nhiễm HIV (36-42%). Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu nhiễm HIV có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ của một người hay không, và các nghiên cứu trong tương lai sẽ nhắm đến mục tiêu xác định sự góp phần của hành vi tình dục, hành vi tiếp cận chăm sóc sức khỏe tình dục và nguy cơ sinh học của tình trạng này.
Các nhóm có đối tượng có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh nặng ở các nước châu Phi bao gồm: trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả những người nhiễm HIV không kiểm soát).
Biến chứng
Cho đến nay, các biến chứng nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng mắt và các biểu hiện thần kinh. Theo đó:
Tỷ lệ tử vong được báo cáo trong lịch sử liên quan đến nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cho đến thời điểm hiện tại là không đồng nhất và dao động từ 1% đến 12% ở các trường hợp nhiễm virus ở Trung Phi và 0-1% trong hầu hết các đợt bùng phát khác.
Vaccine
Vaccine đậu mùa đã trải qua ba thế hệ về công nghệ phát triển, nhưng hiện chỉ có vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba được cấp phép: ACAM2000 và IMVANEX. Các loại vaccine này có thể được sử dụng trong hai tình huống: (1) tiêm trước để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật ở những người có nguy cơ cao hoặc (2) tiêm sau phơi nhiễm (lý tưởng nhất là trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc) để hỗ trợ cải thiện tình trạng nhiễm trùng và điều trị bệnh.
Tại thời điểm hiện tại, các loại vaccine này được công bố với hồ sơ an toàn và có thể được dùng cho những người bị suy giảm miễn dịch. Đối với thế hệ thứ vaccine thứ 3, vaccine được tiêm dưới da thành hai liều, cách nhau 4 tuần. Tuy vậy, việc thiếu nguồn cung cấp vaccine ở một số quốc gia đã cho phép đường tiêm thay đổi, từ dưới da thành tiêm trong da, và việc tiêm trong da sẽ chỉ cần 20% thể tích của đường tiêm dưới da đối với những người trên 18 tuổi. Hiệu quả của việc sử dụng đường tiêm trong da được ngoại suy từ các bệnh nhiễm trùng tương đương, trong đó đường tiêm trong da giúp tăng cường tính sinh miễn dịch và các nghiên cứu ở giai đoạn 2 cho thấy đáp ứng kháng thể tương đương với cả đường dưới da.
Kiểm soát và phòng ngừa
Ở các quốc gia lưu hành bệnh chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo và Nigeria, các cơ quan y tế tại các quốc gia này đã thực hiện các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh một cách toàn diện. Điều này bao gồm điều tra dịch tễ học có mục tiêu ở các khu vực có nguy cơ cao, cải thiện năng lực giám sát dựa trên năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, nâng cao năng lực phản ứng hiệu quả ở cấp địa phương và tăng cường các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, việc không được tiếp cận với vaccine là một rào cản khiến các quốc gia này phát triển một chiến lược rõ ràng đối với tiêm chủng. Để có hiệu quả, tiêm chủng cần nhắm mục tiêu cụ thể vào các nhóm nguy cơ ở các khu vực rừng nhiệt đới ở Tây và Trung Phi, nơi sự lây lan từ động vật sang người theo truyền thống gây ra dịch bệnh. Ngoài ra, hiểu được sự lây truyền qua đường tình dục mới nổi ảnh hưởng đến dịch bệnh địa phương như thế nào là rất quan trọng.
Hiện tại, hướng dẫn về kiểm soát dịch bệnh năm 2022 không đưa ra việc tiêm chủng hàng loạt cho toàn dân nếu dựa vào giám sát, truy vết tiếp xúc mà chỉ tiêm chủng cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao để kiểm soát đợt bùng phát bệnh. Do đó, các quốc gia mới bị ảnh hưởng sẽ cần ưu tiên can thiệp vào các quần thể đích. Mối quan tâm ban đầu được xác định ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, trong đó các lưu ý đặc biệt nằm ở các môi trường đặc biệt như: các môi trường tập trung (nhà tù, ký túc xá, trường học), các mạng lưới tình dục của các cá nhân dị tính... Dù vẫn có sự khác biệt rất lớn trong việc tiếp cận vaccine tại nhiều quốc gia, song WHO đã cam kết rõ ràng về một hành động thống nhất đối với tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ năm 2022, bao gồm cả việc ngừng phân biệt giữa các quốc gia lưu hành và không lưu hành bệnh.
Tài liệu tham khảo
https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/356120/WHO-MPX-Immunization-2022.1-eng.pdf
https://www.washingtonpost.com/world/2022/05/24/monkeypox-vaccine-smallpox-cdc-who/
https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/clinicians/smallpox-vaccine.html
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35866746/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35952705/
https://doi.org/10.1016/S2666-5247(22)00257-9
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35931095/
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3018091/
https://doi.org/10.1016/S1473-3099(22)00612-0
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34158533/
https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/monkeypox-cases-reported-uk-and-portugal
https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON388
https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/response/2022/world-map.html
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.