Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, bên tả là huyện Đông Anh và Gia Lâm, bên hữu là các quận nội thành.
Trong lịch sử, dòng sông chia tách sự khác biệt giữa hai bên bờ, cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, sự khác biệt ấy đã bị xóa mờ, chất lượng cuộc sống ở hai bên bờ sông là tương tự nhau, ngoại trừ không khí để con người hít thở.
Tôi không tìm thấy số liệu thống kê tuổi thọ trung bình của huyện Đông Anh và Gia Lâm, cũng không tìm thấy số liệu như vậy ở các quận nội thành, nên không thể so sánh có hay không sự chênh lệch tuổi thọ giữa bên tả với bên hữu.
Nhưng bằng quan sát cá nhân tôi nhận thấy, các cụ già cùng độ tuổi, thì ở ngoại thành nhanh nhẹn và khỏe hơn ở trong nội thành. Nếu điều đó đúng, thì đâu là nguyên nhân, có phải do người dân nội thành tiếp xúc nhiều hơn với ô nhiễm không khí?
Lần đầu tiên tôi hiểu về ô nhiễm không khí, đó là thời điểm tôi đang học năm thứ 4 Đại học Y Hà Nội, qua các bài giảng về môi trường của môn Vệ sinh Dịch tễ. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm đến vấn đề này, bởi ngày đó đối chiếu lí thuyết tôi học, với những hiện tượng ô nhiễm không khí, nó không phải là vấn đề thực tế nghiêm trọng.
Cho đến năm 2008, tôi theo dõi Thế vận hội Olympic tổ chức ở Bắc Kinh, mới biết rằng thành phố của quốc gia lớn nhất thế giới này đang ô nhiễm không khí trầm trọng, bầu trời nơi đây đã từ lâu chẳng có màu trong xanh.
Thời điểm đó, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự vô cùng quan ngại, vì vậy họ yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải cải thiện không khí ở những nơi diễn ra Thế vận hội Olympic.
Trong khoảng một thời gian ngắn, chưa đầy một năm, rất nhiều những quy định được ban ra và thực hiện triệt để, chất lượng không khí đã cải thiện đến 30% so với năm 2007, được cộng đồng quốc tế tán dương ca ngợi.
Những biện pháp khắc phục ô nhiễm chưa bao giờ có trong lịch sử Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chi 17,3 tỉ đô la cho chiến dịch hoạt động cải thiện chất lượng không khí. Khoảng 300 ngàn phương tiện giao thông cơ giới không đạt tiêu chuẩn khí thải đã bị cấm. Các phương tiện có biển số chẵn đi vào ngày chẵn, biển số lẻ tiếp theo, giảm một nửa số phương tiện có chiều dài trên 3,3m.
Các công trình xây dựng lớn cũng bị tạm dừng. Hơn 100 nhà máy ở Bắc Kinh và 56 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy đốt than, đã dừng hoạt động trước và trong Thế vận hội Olympic.
Thủ đô Bắc Kinh đã trong xanh trở lại.
Tôi tiếp tục theo dõi và nhận thấy, sau Thế vận hội từ năm 2010 đến 2013, chất lượng không khí ở Bắc Kinh lại xấu hẳn đi. Nhưng bắt đầu từ cuối năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm, ngay lập tức tình trạng ô nhiễm cải thiện 35%, đến nay không khí ở Bắc Kinh còn tốt hơn so với năm 2008.
Cũng thời điểm từ sau năm 2010 đến nay, ở Hà Nội tôi chẳng còn thấy bầu trời trong xanh, đặc biệt là mùa thu và mùa đông lúc nào cũng u ám vẩn đục. Những bức ảnh mà tôi chụp, dù góc chụp có đẹp mấy đi chăng nữa, thì nó cũng vẫn xấu xí bởi sự mờ đục của không khí bị ô nhiễm.
Mỗi buổi sáng đi làm, tôi qua 1 cổng trường mẫu giáo, 1 cổng trường tiểu học, 1 cổng trường PTTH và 3 cổng trường đại học; ở những cổng trường ấy tôi đều thấy những cô nhân viên vệ sinh dùng chổi quét rác, bụi bay mịt mù.
Trên đường tôi đi, có rất nhiều những công trình xây dựng dang dở, công trình nào cũng đang thi công với tốc độ hối hả ngày đêm. Tôi đã vài lần dừng lại quan sát và thấy, mỗi công trình rất lớn nhưng chỉ lác đác vài công nhân, họ chủ yếu ngồi hút thuốc lào vặt, người nằm ngửa cổ ngắm trời, người uống nước chè chén bàn chuyện chính trị xã hội, vài nhóm công nhân đang thi công một cách chậm rãi và chẳng có những biện pháp che chắn bụi.
Ban đêm, tôi thấy những chiếc xe tải chở đất cát, chở nguyên vật liệu, được che đậy một cách chống đối bằng tấm bạt chằng dây 4 góc, bạt phấp phới theo gió càng tạo thêm những hạt bụi bay mịt mù, chưa kể đất cát rơi vãi đầy đường.
Tôi cũng tìm đọc hơn chục đề tài nghiên cứu công phu của các tác giả nước ngoài, thấy thực trạng đốt rơm ở ngoại thành Hà Nội tại thời điểm những năm 2010 là vô cùng nghiêm trọng, nó ảnh hưởng đến chất lượng không khí của toàn thành phố.
Rồi khói và khí thải từ xe cộ, đốt than tổ ong, đốt vàng mã, thắp hương, hút thuốc lá, thậm chí là quét nhà và thói quen nấu nướng; đều là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trầm trọng, nhưng chẳng được cơ quan nào cảnh báo, nhắc nhở và có biện pháp khắc phục.
Tôi đến Thụy Điển vào mùa thu năm 2012.
Ấn tượng đầu tiên với tôi, là bầu trời Thụy Điển lúc nào cũng xanh ngăn ngắt, tôi giơ máy ảnh lên chỉ việc bấm là có ngay tấm ảnh rất đẹp, bởi không khí nơi đây trong một cách lạ kì, không có những hạt bụi bay lơ lửng làm bẩn những bức ảnh tôi chụp.
Các phương tiện giao thông nơi đây, tôi thấy đều thong thả chậm rãi, nhưng tốc độ trung bình vẫn vào khoảng 60km/h trong thành phố. Điều này trái ngược với Hà Nội, ngày nào tôi cũng hối hả cùng đoàn người lao vùn vụt trên đường, với tốc độ chóng mặt nhưng trung bình vẫn chỉ 6km/h.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người đánh giày ở Thụy Điển.
Bởi vì đường phố ở đó quá sạch, không có bụi, đến mức ai cũng sẵn sàng ngồi bệt xuống đất không lo bị bẩn quần áo, thậm chí mặc áo trắng mà nằm hẳn xuống cũng chẳng sao.
Ban đêm tôi ra đường, thấy có xe chuyên dụng đi hút sạch bụi ở mọi ngóc ngách, rồi sau đó là xe chuyên dụng đi bơm nước cọ rửa đường sạch sẽ, việc cọ rửa được làm đi làm lại chứ không phải chỉ phun nước rồi rửa qua loa.
Chưa bao giờ tôi thấy công nhân dùng chổi quét đường ở Thụy Điển.
Những công trình xây dựng từ nhỏ đến lớn, chỉ được phép thi công từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, ngày làm 2 tiếng. Công trình nào tôi cũng thấy họ làm nhàn nhã, bọc chắn kín không hề để bụi bẩn thoát ra, vậy nhưng tốc độ hoàn thành rất nhanh.
Các thành phố châu Âu khác cũng đều ngược với Hà Nội như vậy.
===========
Ô nhiễm không khí mà chúng ta đang hít thở là hỗn hợp các chất ô nhiễm khác nhau được phát ra từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo.
Nguồn ô nhiễm tự nhiên, là do các hiện tượng như gió bụi, núi lửa phun trào, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, thậm chí là muối trong nước biển. Do tính ổn định, nên nguồn ô nhiễm tự nhiên ít gây hại đến chất lượng không khí.
Vấn đề thực sự nghiêm trọng là nguồn ô nhiễm nhân tạo.
Trong các nguồn ô nhiễm nhân tạo thì giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất ở các thành phố (khí thải từ các phương tiện), các hộ gia đình (đun nấu than tổ ong, bếp ga, bếp củi, rác thải sinh hoạt,v.v.), nông nghiệp (sử dụng thuốc trừ sâu, đốt rơm rạ hoặc các sinh phẩm khác), công nghiệp (các nhà máy, xưởng sản xuất).
Các chất ô nhiễm chính bao gồm:
- Sulfur Dioxide (SO2): Là sản phẩm chính của quá trình đốt nhiên liệu như đun nấu củi, đốt than. SO2 góp phần hình thành mưa acid gây thiệt hại cho hệ sinh thái. Tác dụng SO2 có liên quan đến kích ứng mắt, tổn thương phổi và viêm đường hô hấp.
- Nitrogen oxides (NOx): Là sản phẩm đốt nhiên liệu của phương tiện giao thông, đun nấu. NOx có liên quan đến hiện tượng phú dưỡng (bón phân vô cơ cho đất) và với sự lắng đọng acid. Nó có thể ảnh hưởng đến phổi, gan, lách, máu và cơ quan tạo máu ở người.
- Carbon monoxide (CO): Là sản phẩm của sự đốt cháy Carbon không hoàn toàn, từ các phương tiện giao thông đường bộ, các hộ gia đình và các ngành công nghiệp. CO gây đau đầu vì nó chiếm chỗ của Oxygen trong hồng cầu gây cản trở khả năng vận chuyển Oxygen của máu, nó cũng có thể dẫn đến bệnh tim và tổn thương hệ thần kinh.
Chất ô nhiễm thứ cấp gồm các hạt bụi (Particulate matter - PM), Ozone (O3), các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không Metan (Non Methane Volatile Organic Compounds - NMVOCs).
Ozone (O3) được hình thành trong khí quyển bằng cách oxy hóa các hợp chất hữu cơ không bay hơi, với CO và NOx; gây độc hại cho con người và thảm thực vật.
NMVOCs được tạo ra từ các chất oxy hóa quang hóa phản ứng với NOx. Giặt khô, vận chuyển đường bộ và dung môi là những nguồn chính; nó cực kỳ có hại cho sức khỏe con người do nhiều loại hóa chất trong đó như thành phần của Benzen.
Nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là ô nhiễm không khí hạt, nghĩa là những hạt bụi (PM) bay lơ lửng trong không khí, có đường kính trung bình khác nhau.
- PM 10 có đường kính < 10 µm
- PM 2.5 có đường kính < 2.5 µm
- PM 0.1 có đường kính < 0.1 µm
PM 2.5 gọi là hạt mịn, PM 0.1 gọi là hạt siêu mịn; cả hai loại này mắt thường đều không thể nhìn thấy, nhưng lại cực kì nguy hiểm cho sức khỏe con người.
PM có nhiều nguồn gốc khác nhau – một đánh giá toàn cầu gần đây về hạt PM 2.5 cho thấy, 25% hạt này có nguồn gốc từ giao thông, 22% từ các hoạt động hàng ngày của con người, 20% từ đốt nhiên liệu sinh hoạt, 18% từ bụi tự nhiên, 15% từ các hoạt động công nghiệp.
==============
Điều tôi lo lắng nhất là các hạt bụi bay lơ lửng trong không khí.
Bởi vì các hạt bụi này rất nhỏ, khi hít vào phổi, chúng không chỉ dừng lại và gây tổn thương tại đó, mà còn có thể xâm nhập đến các nơi khác của cơ thể và gây bệnh; theo một đánh giá của Diễn đàn Ủy ban môi trường của các tổ chức hô hấp quốc tế “Ô nhiễm không khí và các hệ thống cơ quan - Air Pollution and Organ Systems”.
Khi chúng ta hít thở không khí ô nhiễm vào phổi, các hạt bụi có đường kính dưới 10 µm có thể hấp thụ, đi vào máu, rồi lang thang khắp cơ thể đến các cơ quan.
Các tế bào miễn dịch có thể “nghĩ rằng” các hạt bụi là một loại vi khuẩn, thực hiện các phản ứng bắt và diệt bằng cách giải phóng các Enzyme, tạo nên các phức hợp kháng nguyên kháng thể có bản chất là Protein. Những hạt Protein ấy đi đến các cơ quan và gây tổn thương, mức độ sẽ nghiêm trọng hơn so với nhiễm khuẩn, bởi về mặt logic thì cơ chế tiến hóa của con người là miễn dịch với vi khuẩn chứ không thiên về miễn dịch với các hạt bụi.
- Tim: phản ứng của hệ thống miễn dịch với các hạt viêm, có thể là nguyên nhân gây hẹp mạch vành, tim dễ bị thiếu máu và đột quỵ.
- Phổi: Tác động của những hạt bụi mịn đã được nghiên cứu rất nhiều, nó ảnh hưởng đến toàn bộ đường hô hấp, nhẹ thì là viêm đường hô hấp trên, nặng hơn gây viêm đường hô hấp dưới, khó thở, hen suyền, viêm thanh phế quản mãn tính, cuối cùng là ung thư phổi.
- Xương: Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ ở 9 triệu bệnh nhân hưởng chế độ Medicare cho thấy, loãng xương phổ biến hơn ở những nơi có hạt mịn nồng độ cao.
- Da: Từ vết chàm ở trẻ em, cho đến mụn trứng cá, hay nếp nhăn sớm đều có thể liên quan đến ô nhiễm không khí, bởi da là bộ phận nhạy cảm nhất với ô nhiễm tác động lên cơ thể.
- Mắt: Phơi nhiễm với Ozone (O3) và nitơ dioxide (NO2) có liên quan đến viêm kết mạc, khô mắt, khó chịu, chảy nước mắt. Những phản ứng cũng khá phổ biến đối với khói bụi ô nhiễm, đặc biệt đối với những người đeo kính áp tròng.
- Não: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể làm giảm khả năng nhận thức của trẻ em, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ ở người lớn tuổi.
==================
Đầu tư cho việc giảm ô nhiễm không khí, chi phí sẽ rất cao, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất.
Về lâu dài, chính phủ cần có những giải pháp toàn diện, như cắt giảm dần các nguồn gây ô nhiễm không khí (từ phương tiện giao thông, các nhà máy, đốt rơm rạ và các sinh phẩm nông nghiệp khác…). Ví dụ, chính phủ hướng dẫn nông dân tái chế rơm rạ, thay vì đốt, trợ cấp cho nông dân để khuyến khích họ tái chế.
Các công trình xây dựng, cần phải hoàn thiện đúng tiến độ, tránh thi công đối phó kéo dài thời gian, khi thi công phải đảm bảo che chắn kín; những thời điểm ô nhiễm không khí nặng chính quyền có thể yêu cầu tạm dừng thi công.
Không dùng chổi quét đường mà phải dùng máy hút bụi.
Ở các nút giao thông chờ đèn đỏ, nếu thời gian dừng trên 15 giây, các phương tiện cần tắt động cơ. Hãy nhớ ô nhiễm không khí tại những vị trí này gấp 30 lần so với đoạn đường cùng cấp.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là mỗi cá nhân, chúng ta phải có ý thức bảo vệ nguồn không khí trong lành, muốn vậy phải hiểu sâu sắc về ô nhiễm không khí. Ví dụ thói quen hút thuốc lá, thắp hương, đốt vàng mã, đốt rác là cần thiết phải loại bỏ. Ngay trong chính ngôi nhà của mình hàng ngày, thay vì dùng chổi quét, thì hãy sử dụng máy hút bụi để bảo vệ bản thân và gia đình.
Ngay ở các bệnh viện cấm không dùng chổi quét!
Hiện tại, có rất nhiều NGO cung cấp dữ liệu ô nhiễm không khí trực tuyến từng ngày từng giờ, người dân cần cập nhật thường xuyên để có những hình thức tự bảo vệ. Nếu không khí ô nhiễm ở mức báo động, hạn chế đi ra ngoài đường, không khí trong nhà sẽ tốt hơn và an toàn hơn so với ngoài trời. Trường hợp phải tham gia giao thông hay làm việc bên ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn, dùng bảo hộ lao động theo đúng quy định.
===========
Chúng ta ai cũng biết, mỗi ngày uống khoảng 8 li nước, tương đương với 2 lít. Nhưng không mấy người biết mỗi ngày chúng ta hít thở bao nhiêu lít không khí. Người lớn khi nghỉ ngơi, hít thở trung bình 7-8 lít không khí mỗi phút, tối thiểu 11 ngàn lít khí mỗi ngày. Bởi vậy mà mỗi người hãy góp phần bảo vệ không khí trong lành không bị các hạt bụi và các chất gây ô nhiễm.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tác động của ô nhiễm không khí tới cơ thể của bạn
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.
Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.