Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

11 thực phẩm và đồ uống làm dịu triệu chứng cúm

Mặc dù không có phương pháp nào để chữa khỏi bệnh cúm, nhưng những gì bạn đưa vào cơ thể có thể làm dịu các triệu chứng, giúp bạn cảm thấy tốt hơn và tăng tốc độ phục hồi.

Rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine là hai cách tốt nhất bạn có thể làm để giữ an toàn cho mình khỏi bệnh cúm. Nếu bị bệnh, hãy cố gắng ở nhà và nghỉ ngơi để hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa lây lan virus sang người khác. Các triệu chứng cúm bao gồm sốt, đau họng, ho, nghẹt mũi hoặc sổ mũi và đau nhức cơ thể. Trong một số trường hợp, cúm còn có thể gây tiêu chảy và nôn mửa. Cân nhắc bổ sung những loại thực phẩm và đồ uống dưới đây vào chế độ ăn uống sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh cúm và có khả năng giúp bạn sớm trở lại cảm giác bình thường.

Nước dùng ấm (nước ninh thịt, ninh xương)

Bạn có thể đã nghe lời khuyên nên uống nhiều nước khi bị bệnh và điều này thực sự đúng. Các triệu chứng của bệnh cúm, bao gồm sốt, tiêu chảy và nôn mửa, có thể dẫn đến mất nước và chất điện giải nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, khi cơ thể bị mất nước, bạn cần uống thật nhiều nước để bù đắp cho điều đó.

Các chất lỏng ấm có tác dụng tốt hơn chất lỏng lạnh trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh cúm. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã so sánh tác dụng của cả đồ uống nóng và đồ uống ở nhiệt độ phòng với 30 bệnh nhân đang bị cúm. Kết quả cho thấy đồ uống nóng giúp giảm ngay lập tức và lâu dài các triệu chứng sổ mũi, ho, hắt hơi, đau họng, ớn lạnh và mệt mỏi, trong khi đồ uống tương tự ở nhiệt độ phòng chỉ giúp giảm các triệu chứng sổ mũi, ho và hắt hơi. Họ kết luận rằng lợi ích có thể là do chất lỏng nóng thúc đẩy tiết nước bọt và tiết chất nhầy đường thở để bôi trơn và làm dịu đường hô hấp trên.

Do đó, nước dùng là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn bị cúm vì nó vừa có chất dinh dưỡng, vừa có tính nóng để làm dịu cơn đau họng. Các loại nước dùng như nước luộc thịt, nước luộc rau hay nước ninh xương đều có lợi ích như nhau. Tuy nhiên hãy tránh bổ sung quá nhiều gia vị vào nước dùng vì hàm lượng muối cao có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

Đọc thêm bài viết: Củ tỏi – Vũ khí chống lại cảm lạnh và cảm cúm hiệu quả

Súp gà

Như đã nói ở trên, nước dùng lỏng, ấm cũng đủ giúp bạn làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm. Nhưng để bổ sung thêm dinh dưỡng, hãy cân nhắc thêm 1 số nguyên liệu tốt cho sức khỏe để nấu súp. Một nghiên cứu cho thấy các thành phần trong súp gà kết hợp với nhau có thể làm giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch vì nó chống lại nhiễm trùng cúm. Để nấu món súp gà, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu như thịt gà thái nhỏ, rau xanh, củ quả như cà rốt, khoai tây…

Kem que ít/không đường

Trong khi chất lỏng ấm giúp giảm các triệu chứng cúm nhiều hơn, một số người nhận thấy thực phẩm lạnh có thể giúp làm giảm cơn đau họng. Kem que có thể là một lựa chọn tuyệt vời, nhưng bạn cần đảm bảo rằng chúng không chứa nhiều đường. Nếu muốn, bạn có thể tự làm kem que tại nhà đơn giản bằng cách xay các loại quả mọng đông lạnh. Quả mọng là một lựa chọn tuyệt vời vì chúng ít đường, nhiều chất xơ và chứa chất chống oxy hóa.

Tỏi

Tỏi có lịch sử lâu đời được sử dụng cho mục đích y học ở các nền văn hóa trên thế giới. Ví dụ, ở Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, tỏi được sử dụng để điều trị các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa, trong khi ở thời Trung cổ, một số người coi nó như phương thuốc chữa viêm khớp, đau răng, ho mãn tính và vết côn trùng cắn. Ngày nay, một số nghiên cứu cho thấy tỏi có thể hữu ích trong việc giúp chống lại bệnh cúm. Việc bổ sung tỏi có thể tăng cường chức năng tế bào miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cúm.

Đọc thêm bài viết: Những thực phẩm nên ăn khi nhiễm cảm cúm

Trái cây và rau có nhiều vitamin C

Một số nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh cảm lạnh thông thường, căn bệnh có một số triệu chứng giống với bệnh cúm. Nhiều loại trái cây và rau quả cung cấp vitamin C, bao gồm:

  • Trái cây họ cam quýt như cam và bưởi
  • Quả kiwi
  • Khoai tây
  • Ớt
  • Bông cải xanh
  • Dâu tây
  • Cà chua
  • Dưa lưới

Rau lá xanh

Rau lá xanh cung cấp vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, chống viêm. Ví dụ bao gồm rau bina, bắp cải, cải xoăn… Ngoài vitamin C, những loại rau lá xanh còn cung cấp chất sắt. Nghiên cứu cho thấy sắt rất cần thiết cho việc sản xuất các tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Mật ong

Mật ong là một phương thuốc phổ biến tại nhà để làm dịu cơn đau họng. Chất làm ngọt tự nhiên này có thể đóng vai trò giúp chống lại nhiễm trùng đường hô hấp. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng mật ong có thể hiệu quả hơn trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cảm cúm so với các loại thuốc không kê đơn.

Tổng quan bao gồm 14 nghiên cứu phân tích gần 1.800 người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên đang được điều trị bằng mật ong hoặc các biện pháp thông thường như thuốc kháng histamine và thuốc giảm ho. Các tác giả kết luận rằng mật ong có vẻ vượt trội hơn trong việc điều trị các triệu chứng của những bệnh nhiễm trùng này. Những lợi ích này đến từ đặc tính kháng khuẩn của mật ong, ngoài ra chúng cũng bao phủ cổ họng và có thể làm dịu kích ứng.

Trà nóng

Trà có chứa một nhóm chất chống oxy hóa gọi là polyphenol, được nghiên cứu cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính. Trong các nghiên cứu, hoa cúc đã được phát hiện có đặc tính kháng khuẩn, trong khi trà bạc hà có thể giúp làm dịu các triệu chứng tiêu hóa. Trà xanh có chứa một loại polyphenol gọi là catechin, làm tăng số lượng tế bào T điều hòa, giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch.

Mặc dù có nhiều loại trà để lựa chọn, nhưng bạn nên tránh xa những loại có chứa caffeine, chẳng hạn như trà đen, vì có thể góp phần gây mất nước. Trà kết hợp với mật ong là một lựa chọn hoàn hảo.

Gia vị cay như gừng và nghệ

Chiết xuất gừng có đặc tính kháng khuẩn, trong khi chất curcumin, một hợp chất tự nhiên trong nghệ, có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Bạn không nên coi những loại gia vị này như một phương pháp chữa bệnh cúm, nhưng chúng có thể hữu ích khi thêm vào các loại trà, súp hoặc các món ăn khi bạn bị ốm.

Gừng và curcumin cũng có sẵn ở dạng bổ sung. Tuy việc bổ sung gừng được coi là an toàn nhưng nó có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm: khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy, kích ứng miệng và cổ họng nếu dùng với liều lượng lớn. Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung gừng.

Thịt nạc

Ngay cả khi chúng ta không bị bệnh, protein vẫn rất cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Protein giúp duy trì khối lượng cơ nạc, bao gồm cả cơ bắp. Đảm bảo rằng bạn nhận được đủ protein khi bị ốm để ngăn ngừa tình trạng teo cơ. Các nguồn cung cấp protein nạc bao gồm thịt gia cầm không da, cá, đậu phụ, các loại đậu.

Sữa chua Hy Lạp

Bệnh cúm có thể đi kèm với một số triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy và nôn mửa. Các chế phẩm sinh học có thể hữu ích để khôi phục hệ vi khuẩn lành mạnh sống trong đường ruột và cải thiện sức khỏe tổng thể. Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm có chứa men vi sinh tự nhiên, bao gồm sữa chua, kombucha và tempeh. Để bổ sung men vi sinh vào chế độ ăn uống khi bạn cảm thấy không khỏe, sữa chua Hy Lạp là một lựa chọn tuyệt vời.

Sữa chua Hy Lạp có hàm lượng protein gấp đôi so với sữa chua thông thường và ít đường lactose hơn, vì vậy có thể tiêu hóa dễ dàng hơn. Một hộp sữa chua Hy Lạp nguyên chất 150 g thông thường chứa 15 g protein, trong khi cùng một lượng sữa chua nguyên chất nguyên chất chứa khoảng 6 g protein.

Những thực phẩm cần tránh khi bạn đang bị bệnh cúm

Trong khi một số loại thực phẩm và đồ uống giúp giảm các triệu chứng bệnh cúm thì những loại khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Hãy cố gắng tránh xa những loại sau:

  • Đồ uống chứa caffein: Chất caffeine có tác dụng lợi tiểu, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, vì vậy bạn nên hạn chế hoặc tránh các đồ uống như cà phê, trà đen và soda khi đang bị cúm
  • Nghiên cứu về đồ uống có cồn cho thấy rượu làm suy yếu hệ thống miễn dịch, điều này có thể khiến việc chống lại nhiễm cúm trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, giống như caffeine, rượu có thể khiến bạn mất nước nhiều hơn
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa như phomai có thể làm đặc chất nhầy. Nếu bạn bị nghẹt mũi và có nhiều triệu chứng về đường hô hấp, hãy tránh xa sữa
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Những món ăn này có xu hướng chứa nhiều natri và chất béo bão hòa, có thể dẫn đến tình trạng viêm

Khi bạn cảm thấy khỏe hơn, hãy cố gắng tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh để có sức khỏe tối ưu. Các chuyên gia khuyến nghị chế độ ăn lành mạnh nên tập trung vào trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein và sữa không béo hoặc ít béo, đồng thời hạn chế đường bổ sung, chất béo bão hòa và rượu.

Chúng tôi mong rằng bài viết này đã cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe dành cho bạn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong việc chăm sóc sức khỏe, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ với cam kết hỗ trợ phát triển sức khỏe và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân, tư vấn dinh dưỡng cho tất cả các đối tượng… Hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0935.18.39.39  hoặc 0243.633.5678 để nhận tư vấn chi tiết.

Hoàng Hà Linh - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo EverydayHealth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm