Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Xử trí khi bị muỗi đốt

Mùa hè là thời điểm bùng phát muỗi. Chắc hẳn bạn rất nhiều lần cảm thấy rất khó chịu và ngứa ngáy vì những nốt muỗi đốt phải không? Dưới đây là một số mẹo giúp bạn giải quyết vấn đề này:

Xử trí ra sao khi bị muỗi đốt?

Muỗi là một loài côn trùng nhỏ. Muỗi cái có vòi dài và nhọn dùng để đâm vào da và hút máu vật chủ. Máu là nguồn cũng cấp protein cho trứng của chúng. Muỗi đực không hút máu. Việc muỗi cắn không chỉ phiền phức, mà chúng còn mang nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết.

Phản ứng của cơ thể khi bị muỗi đốt

Khi muỗi cái đốt, chúng hút máu rồi bơm nước bọt của chúng vào trong da người. Nước bọt muỗi bao gồm những protein làm cho máu không đông được và hoạt hóa hệ miễn dịch của một số người. Đối với nhiều người, dấu hiệu của việc bị muỗi đốt có thể dễ dàng nhận thấy: đó là nốt sưng, tròn, đỏ và chấm đỏ ở giữa và thường gắn liền với cảm giác ngứa ngày khó chịu.

Một số dấu hiệu khác của muỗi đốt có thể bao gồm:

  • Nốt sẫm màu như bị vết thâm tím
  • Sưng phồng và mẩn đỏ
  • Có thể sưng và tạo nên cục khá cứng dưới da

Có nhiều vết muỗi đốt cũng là một hiện tượng phổ biến do bạn có thể bị muỗi đốt ở da không chỉ một chỗ hoặc bị nhiều con muỗi đốt. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch kém có thể bị phát ban, sưng các hạch hoặc sốt.

Nhìn chung, triệu chứng của những vết muỗi đốt về sau sẽ giảm nhẹ hơn vì cơ thể đã quen với việc bị muỗi đốt. Phản ứng của mỗi người là khác nhau và cũng khác nhau giữa những lần bị đốt cũng như loại muỗi đã đốt bạn.

Hiếm gặp là một vết muỗi đốt có khả năng gây ra quá mẫn. Quá mẫn là một cơ chế miễn dịch của con người phản ứng lại các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể, với các biểu hiện thường gặp là: cổ họng bị sưng, phát ban, choáng váng và thở khò khè, khó thở hoặc hạ huyết áp. Quá mẫn phải được cấp cứu y tế khẩn cấp vì trong một số trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Làm sao để tránh bị muỗi đốt?

Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Điều này đặc biệt đúng với các bệnh lây truyền qua muỗi.

Các nhà dịch tễ học khuyên rằng, muỗi cần nước để sinh sản, do vậy loại bỏ nguồn nước và các vật dụng đựng nước, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật cũ hỏng tích trữ nước mưa, nước đọng quanh nhà, trong vườn là một cách hiệu quả để giảm số muỗi trong khu vực bạn sinh sống. Ngay tại trong nhà, bạn cũng nên đổ hết các nước đọng trong các lọ hoa, bình hoa, chậu, thùng đựng nước để không có chỗ sống của bọ gậy và sẽ giảm được muỗi.

Sử dụng màn khi ngủ, kể cả ngủ trưa, mặc kín khi đi ra ngoài và tránh những nơi rậm rạp cũng là một cách để giảm nguy cơ bị muỗi đốt. Quần áo sáng màu, nước hoa và những sản phẩm làm đẹp có mùi khác cũng nên tránh.

Sử dụng thuốc diệt côn trùng có thể cũng cần thiết khi ta phải làm việc nhiều ở nơi rậm rạp hay tập thể thao ngoài trời. Những  hoạt động này khiến cơ thể ta toát ra mùi tự nhiên và thải nhiều CO2  hơn, điều này cũng sẽ thu hút muỗi.

Một số chất chống muỗi khuyên dùng:

DEET

Từ năm 1957, DEET là một trong những chất chống muỗi được dùng phổ biến nhất. DEET sẽ khiến muỗi tránh xa chúng ta từ 2-12 giờ, tùy thuộc vào hàm lượng DEET trong sản phẩm chống muỗi đó. Tuy nhiên có một vài nghiên cứu cho thấy DEET ngày càng kém hiệu quả hơn.

DEET được tích hợp ở rất nhiều dạng: dạng lỏng, dạng xịt, dạng bôi, hay chứa cả trong băng đô đeo tay. Khi sử dụng những sản phẩm này, cần chú ý làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn.

Picaridin

Picaridin là một loại thuốc chống muỗi mới hơn. Với cơ chế như DEET, nó khiến muỗi không nhận ra vật chủ. Nhưng khác với DEET, Picaridin không có mùi nặng và gần như không gây kích ứng da. Picaridin có thể giúp ta chống muỗi từ 8-14 giờ.

Tinh dầu bạch đàn

Tinh dầu bạch đàn có thể là lựa chọn tốt nhất cho những người thích những sản phẩm từ thiên nhiên.

Xử trí ra sao khi bị muỗi đốt?

Mặc dù nốt muỗi đốt sẽ tự khỏi, nhưng cơn ngứa và sưng phồng thật khó chịu. Khi bị muỗi đốt bạn hãy làm theo một số bước sau đây để giảm bớt chúng:

  • Cố gắng không gãi, sẽ dễ bị cào xước và nhiễm trùng
  • Rửa chỗ sưng bằng nước sạch và xà phòng
  • Sử dụng túi chườm lạnh để giảm bớt sự sưng và đau, hoặc tắm nước lạnh không xà phòng
  • Có thể bôi kem hydrocortisone để giảm sưng và ngứa. Tuy nhiên không nên sử dụng thường xuyên loại kem này, nhất là cho trẻ em
  • Sử dụng thuốc kháng histamin nếu triệu chứng ngứa quá dai dẳng
  • Sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn tại nốt muỗi đốt

Trong một số trường hợp, nếu kết hợp với các biểu hiện khác như sốt cao, nổi nốt xuất huyết, mệt mỏi... bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bởi vì có thể muỗi đã truyền cho bạn một vài bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết hay ZIka chẳng hạn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 6 mẹo làm giảm ngứa khi bị muỗi đốt

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 09/07/2025

    Đau đầu do thời tiết nóng bức: Nguy cơ tiềm ẩn và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

    Mùa hè mang theo những ngày nắng kéo dài, không khí oi bức và nền nhiệt độ cao, tạo nên nhiều thách thức đối với sức khỏe con người. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhưng ít được chú ý là tình trạng đau đầu do nóng.

  • 08/07/2025

    Các nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể

    Chất béo là một trong ba nhóm dưỡng chất thiết yếu, cùng với carbohydrate và protein, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể con người.

  • 08/07/2025

    Đột quỵ nhiệt: Nguy hiểm tiềm ẩn trong mùa nắng nóng

    Mùa hè đến, cái nắng gay gắt không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường đối với sức khỏe, trong đó đột quỵ nhiệt là một trong những tình trạng đáng lo ngại nhất.

  • 08/07/2025

    Loại cá nhỏ bé có nhiều lợi ích với sức khỏe

    Cá cơm là một nguồn dinh dưỡng ấn tượng, mang lại những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên.

  • 08/07/2025

    Kháng sinh và những điều cần biết cho người trưởng thành

    Kháng sinh (hay thuốc kháng sinh) đóng vai trò then chốt trong y học hiện đại, giúp điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

  • 08/07/2025

    Điểm danh 5 loại dầu thực vật mang lại lợi ích sức khỏe tuyệt vời

    Chất béo thường bị hiểu lầm là “kẻ thù” của sức khỏe, đặc biệt là đối với tim mạch và cân nặng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy không phải tất cả chất béo đều có hại. Ngược lại, một số loại chất béo tốt lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì năng lượng, hấp thụ vitamin và bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm. Trong đó, dầu ăn có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu bơ, dầu mè... không chỉ mang lại hương vị phong phú cho món ăn mà còn cung cấp các acid béo có lợi cho tim mạch, não bộ và hệ miễn dịch.

  • 07/07/2025

    Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý cảm nắng nhanh chóng

    Mùa hè với những ngày nắng gay gắt không chỉ mang đến niềm vui của những chuyến đi chơi mà còn ẩn chứa nguy cơ sức khỏe mà ít ai để ý: cảm nắng. Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi cơ thể không thể tự điều hòa nhiệt độ trong môi trường nóng bức, dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

  • 07/07/2025

    8 thực phẩm nên tránh để bảo vệ gan khỏe mạnh

    Gan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Lựa chọn đúng loại thực phẩm cũng như tránh những chất có hại góp phần bảo vệ chức năng gan khỏe mạnh.

Xem thêm