Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm mi mắt, phòng bệnh như thế nào?

Viêm mi mắt được chia làm 4 nhóm chính: lẹo, chắp, viêm phần trước mi (viêm bờ mi), viêm phần sau mi (viêm và loạn năng tuyến Meibomius).

Mắt là cơ quan chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài như: khói bụi, đến những thủ thuật thẩm mỹ, nhất là ở mi mắt, khiến cho mi mắt dễ bị viêm nhiễm. Vậy cần làm gì để phòng bệnh cho mi mắt?

Mỗi người trong chúng ta đều hai mắt với bốn mi, hai mi trên và hai mi dưới. Mỗi mi đều có chung một đặc tính là chúng tiếp giáp với da mặt, trên bờ tự do đều có lông mi, chúng tạo nên các phần giới hạn của khe mi.

Cấu trúc của mỗi mi, từ nông vào sâu, bao gồm da mi, tổ chức chun giãn dưới da, cơ vòng mi và cơ nâng mi, tổ chức mô bào, diện sợi trắng, đậm đặc hay còn gọi là diện sụn, nó được ví như là khung xương cho mi, sau cùng và sâu nhất là kết mạc mi, kết mạc mi liên tiếp với kết mạc nhãn cầu. Trong sụn mi có tuyến Meibomius, là những tuyến tiết bã nhờn đổ ra bờ tự do của mi, các lỗ ra của tuyến này nằm ngay sau chân lông mi.

Các chất tiết của tuyến này có vai trò quan trọng tới sự bình ổn và chất lượng của lớp thật mỏng nước mắt, trong y học gọi là phim nước mắt. Theo các tác giả Anh, Mỹ bệnh viêm nhiễm tại mi được chia làm 4 nhóm chính: lẹo, chắp, viêm phần trước mi (viêm bờ mi), viêm phần sau mi (viêm và loạn năng tuyến Meibomius).

Về nguyên nhân gây bệnh: đa dạng, có thể sinh bệnh từ thói quen vệ sinh mắt không sạch sẽ, dùng nước bẩn để rửa mặt, khăn bẩn để lau mặt, tác nhân gây bệnh thường gặp là các vi khuẩn như: liên cầu, tụ cầu, do nấm, do ký sinh trùng thường là Demodex.Ngoài ra cũng phải kể đến vai trò của các yếu tố khác cũng thuận lợi gây nên bệnh như: gió, bụi, ánh sáng, khói, hóa chất, mỹ phẩm, thủ thuật thẩm mỹ…

Về triệu chứng: các biểu hiện thường thấy là viêm đỏ bờ mi, người bệnh có cảm giác ngứa kèm theo cộm như có bụi trong mắt, thường phải chớp mắt liên tục và có chất tiết màu trắng ở 2 góc trong và ngoài mắt. Viêm bờ mi có vảy, người bệnh ngứa nhiều và thường xuyên, khiến phải day dụi chà xát nhiều lên mi mắt, nhất là sau khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, ánh sáng…

Viêm loét bờ mi, đây là hình thái này nặng và kéo dài dai dẳng, người bệnh ngứa mắt rất nhiều, khiến phải day dụi mắt nhiều làm trợt cả da mi, thường sợ phải tiếp xúc với gió, bụi, ánh sáng…

Bên cạnh các thể bệnh trên thì chắp và lẹo là hai thể cũng thường gặp. Chắp là một dạng khối khối u lành tính trên mi, sưng phồng xuất hiện ngay trên vùng bị tắc nghẽn các ống tuyến Meibomius. Nếu điều trị không kịp thời chắp trở thành nang hóa, gây khó chịu cho mắt và bắt buộc phải chích tháo mủ, hóa mủ và áp-xe hóa, tự vỡ mủ hoặc rò mủ ra ngoài da và tự khỏi.

Còn lẹo là hiện tượng viêm cấp của tuyến bã quanh chân lông mi - tuyến Zeiss, tuyến lệ phụ ở chân các lông mi hướng ra phía bờ mi - tuyến Moll, biểu hiện lúc đầu chỉ là phù mi sau xuất hiện một ổ sưng, đỏ và rất đau khi chạm vào, sau vài ngày cảm giác đau sẽ trở thành cảm giác nhức buốt kèm theo sự hoá mủ vàng tại chân lông mi.

Về điều trị: giải pháp tự chăm sóc là cách điều trị duy nhất và cần thiết cho hầu hết các trường hợp. Điều trị viêm bờ mi chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, dùng khăn lau loại một lần, massage nhiều lần trong ngày lên bờ mi có dùng găng tay và gạc chườm nóng, nhỏ thuốc nhỏ mắt thông thường. Nếu bệnh chưa khỏi cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, để có chỉ định dùng kháng sinh hợp lý hay dẫn lưu tuyến Meibomius khi cần thiết.

Về phòng bệnh: trước hết ta cần tạo một thói quen luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho mắt, chỉ dùng nước sạch, khăn sạch để rửa mặt, đeo kính để bảo vệ tránh các yếu tố kích thích như: gió, bụi, ánh sáng, dị vật; tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, khăn tay, khăn tắm với người khác, nhất là người đang bị bệnh; tuyệt đối không lạm dụng nhỏ corticoid, thuốc nhỏ - uống hay tiêm từ các chế phẩm của kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ các phản ứng có hại, gây bệnh nặng, dai dẳng, gây biến chứng nguy hiểm.

Khi chăm sóc bằng các giải pháp thông thường mà bệnh chưa khỏi, thấy khó chịu hơn thì cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Cần có chế độ kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ, tốt nhất là 6 tháng một lần. Bệnh viêm bờ mi sau khi chữa khỏi vẫn có thể tái phát nên cần nâng cao sức đề kháng thật tốt, bằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tập thể dục, làm việc nghỉ ngơi hợp lý và chỉ làm thẩm mỹ trên bờ mi khi thật cần thiết.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
Xem thêm