Đánh răng thường xuyên không chỉ mang lại cho bạn một hàm răng trắng bóng, ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng mà còn giúp cải thiện miễn dịch, phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
Để ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, nướu răng phải ôm sát lấy răng. Do đó, việc giữ vệ sinh răng miệng tốt là điều cần thiết để đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh. Vệ sinh răng miệng sẽ giúp loại bỏ thức ăn thừa, ngăn không cho mảng bám hình thành trên bề mặt răng, gây sâu răng hay viêm nướu.
Tại sao vệ sinh răng miệng kém có thể ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch?
Trên thực tế, vệ sinh răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ bị sâu răng, các bệnh về nướu. Điều này có thể khiến nướu bị tổn thương và khiến các vi khuẩn trong miệng dễ dàng thâm nhập vào máu.
Để đối phó với tình trạng nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt gan giải phóng protein phản ứng C (C - reactive protein/CRP). Thông thường, protein này sẽ được giải phóng khi có tình trạng viêm trong cơ thể. CRP được sản sinh với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Vệ sinh răng miệng kém có thể ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch
Do đó, các chuyên gia thường khuyên bạn nên đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa 1 - 2 lần/ngày để giữ vệ sinh răng miệng, giữ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Người bệnh đái tháo đường, người mắc các bệnh tự miễn có thể cần đánh răng thường xuyên hơn nữa. Bạn cũng nên đi khám răng ít nhất 2 lần/năm để đảm bảo mình đang giữ vệ sinh răng miệng tốt.
Một số sai lầm khi đánh răng, vệ sinh răng miệng có thể ảnh hưởng xấu tới nướu
Dùng bàn chải đánh răng có lông quá cứng
Sử dụng một chiếc bàn chải đánh răng với lông cứng có thể gây ra nhiều tổn thương cho nướu. Nhiều người nghĩ dùng bàn chải lông cứng mới có thể làm sạch răng. Tuy nhiên, trên thực tế, bàn chải lông mềm được đánh giá có thể làm sạch răng hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn bàn chải đánh răng có kích thước phù hợp với miệng.
Dùng quá nhiều lực khi đánh răng
Khi đánh răng, bạn không nên sử dụng lực quá mạnh để tránh làm hỏng men răng. Bạn cũng không nên cầm bàn chải ngang với miệng. Thay vào đó, hãy cầm bàn chải tạo với miệng góc 45o.
Tránh đánh răng bằng các chuyển động dài. Thay vào đó, bạn nên di chuyển bàn chải với các chuyển động ngắn để loại bỏ mảng bám trên răng.
Không thường xuyên thay bàn chải
Các nha sỹ khuyên bạn nên thay bàn chải đánh răng sau mỗi 3 - 4 tháng, khi lông bàn chải bắt đầu mòn và bị cong. Bạn cũng nên thay bàn chải mới sau mỗi khi bị ốm. Nguyên nhân là bởi vi trùng, vi khuẩn gây bệnh có thể bám vào và sinh sôi trên bàn chải cũ.
Đánh răng quá nhanh
Các nha sỹ khuyên bạn nên đánh răng trong ít nhất 2 phút để đảm bảo làm sạch răng, vệ sinh răng miệng hiệu quả.
Không làm sạch lưỡi
Vi khuẩn cũng có thể cư trú trên bề mặt lưỡi. Trên thực tế, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi khó chịu. Do đó, bên cạnh việc đánh răng thường xuyên, bạn cũng nên làm sạch lưỡi ít nhất 1 lần/ngày.
Bảo quản bàn chải đánh răng sai cách
Bạn không nên để bàn chải đánh răng ngay tại bồn rửa mặt vì các vi khuẩn có thể dễ dàng bám vào chúng. Tốt hơn hết, bạn nên giữ bàn chải đánh răng trong tủ, để nơi khô ráo.