Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

U tuyến yên: những điều bạn cần biết

U tuyến yên là sự phát triển bất thường của khối u tại tuyến yên. Một số khối u tuyến yên có thể sẽ dẫn đến việc sản xuất ra quá nhiều hormone kiểm soát các hoạt động chức năng của cơ thể nhưng ngược lại, một số khối u lại khiến tuyến yên sản xuất ra quá ít hormone dẫn đến cơ thể không đủ lượng hormone cần thiết.

U tuyến yên: những điều bạn cần biết

Đa số các khối u tuyến yên đều là khối u lành tính (không ung thư, hay còn gọi là u tuyến). U tuyến vẫn sẽ tồn tại hoặc phát triển ở tuyến yên của bạn hoặc các mô xung quanh nhưng sẽ không lan sang các phần khác của cơ thể.

Có rất nhiều lựa chọn trong việc điều trị u tuyến yên, bao gồm việc loại bỏ khối u, kiểm soát sự phát triển của khối u và kiểm soát lượng hormone trong cơ thể bằng việc dùng thuốc. Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn nên chờ và theo dõi khối u, và chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết.

Triệu chứng của u tuyến yên

Không phải tất cả các khối u tuyến yên đều gây ra triệu chứng. Các khối u tuyến yên tiết hormone (còn gọi là khối u hoạt động – functioning) có thể gây ra rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào tác động của loại hormone mà khối u tuyến yên sản xuất ra. Dấu hiệu của khối u tuyến yên không tiết ra hormone (còn gọi là khối u không hoạt động – nonfunctioning) có liên quan đến sự phát triển của khối u và những áp lực mà khối u này tạo ra với các phần não điều khiển các cấu trúc khác của cơ thể, chẳng hạn như mắt.

Khối u tuyến yên lớn có kích thước khoảng từ 1cm trở lên, được gọi là  macroadenomas (u tuyến lớn). Khối u nhỏ hơn được gọi là microadenomas (u tuyến nhỏ). Vì kích thước lớn của mình mà các khối u tuyến yên lớn thường sẽ gây tăng áp lực lên tuyến yên và các cấu trúc khác ở gần đó và gây nên các triệu chứng rõ rệt hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến việc tăng áp lực do khối u tuyến yên gây nên bao gồm:

  • Đau đầu, nhiều khi có thể rất nặng nề
  • Giảm thị lực, đặc biệt là giảm tầm nhìn ngoại vi
  • Các triệu chứng liên quan đến thay đổi những hormone do tuyến yên sản xuất  
  • Tăng hoạt động của tuyến yên (overfunctioning)

Khối u tăng hoạt động (overfunctioning) có thể gây ra tình trạng sản xuất ra quá nhiều 1 hoặc nhiều loại hormone của tuyến yên. Loại hormone nào do khối u tăng hoạt động sản xuất ra sẽ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng, chẳng hạn như cơ thể có thể tăng tiết sữa ở núm vú nếu khối u tuyến yên gây tăng tiết hormone prolactin. Đôi khi có thể có tình trạng phối hợp nhiều dấu hiệu và triệu chứng của các hormone khác nhau do khối u tuyến yên gây tăng tiết nhiều loại cùng 1 lúc.

Thiếu hormone

Khối u lớn có thể làm tuyến yên suy giảm hoặc mất chức năng sản xuất hormone, gây ra tình trạng thiếu hormone. Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn mửa thường xuyên
  • Suy nhược
  • Cảm thấy lạnh
  • Chu kỳ kinh nguyệt không thường xuyên hoặc không có chu kỳ kinh nguyệt
  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Tăng lượng nước tiểu
  • Sụt cân hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân.

Khối u gây tăng tiết hormone vỏ tuyến thượng thận ACTH

Khối u tăng tiết ACTH sẽ sản xuất ra nhiều hơn hormone vỏ thượng thận ACTH. Đây là hormone sẽ kích thích tuyến thượng thận sản xuất ra hormone cortisol. Hội chứng Cushing chính là hậu quả của việc tuyến thượng thận giải phóng ra quá nhiều cortisol. Các dấu hiệu và triệu chứng chính của hội chứng Cushing bao gồm:

  • Mỡ tích tụ tại vùng bụng và phía trên của lưng
  • Gương mặt tròn như trăng rằm
  • Cánh tay và cẳng chân trở nên mảnh khảnh
  • Tăng huyết áp
  • Tăng đường huyết
  • Nổi mụn
  • Yếu xương
  • Dễ bầm tím
  • Rạn da
  • Lo âu, dễ bị kích động hoặc trầm cảm

Khối u gây tăng tiết hormone tăng trưởng

Những khối u dạng này sẽ khiến cơ thể sản xuất ra quá nhiều hormone tăng trưởng (GH), và có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Các đặc điểm khuôn mặt thô (Coarsened facial features)
  • Cánh tay và bàn tay bị phì đại
  • Vã nhiều mồ hôi
  • Tăng huyết áp
  • Các vấn đề về tim mạch
  • Đau khớp
  • Răng không thẳng hàng
  • Mọc nhiều lông
  • Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể phát triển quá nhanh hoặc quá cao.
     

Khối u gây tiết hormone prolactin

Sản xuất ra quá nhiều prolactin do khối u tuyến yên có thể dẫn đến tình trạng giảm lượng hormone sinh dục (estrogen ở nữ và testosterone ở nam). Quá nhiều prolactin trong máu sẽ ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới theo nhiều cách khác nhau.

Với phụ nữ, khối u tiết prolactin có thể gây ra:

  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
  • Thiếu hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt
  • Tiết dịch màu trắng sữa từ vú

Với nam giới, khối u tiết prolactin có thể gây ra tình trạng thiểu năng sinh dục nam. Dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Rối loạn cương dương
  • Giảm số lượng tinh trùng
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Vú to

Khối u gây tiết hormone tuyến giáp

Khi khối u tại tuyến yên gây ra việc sản xuất quá nhiều hormone kích thích tuyến giáp, thì tuyến giáp của bạn sẽ sản xuất ra quá nhiều thyroxine. Khối u tại tuyến yên là một nguyên nhân hiếm gặp của bệnh cường giáp. Cường giáp có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của cơ thể, gây ra:

  • Sụt cân
  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim bất thường
  • Lo lắng hoặc dễ bị kích động
  • Thường xuyên có nhu động ruột
  • Vã mồ hôi

Khi nào cần đến gặp bác sỹ?

Nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng có liên quan đến khối u tuyến yên, hãy đến gặp bác sỹ ngay. Khối u tuyến yên thường có thể điều trị được và sẽ giúp đưa lượng hormone trong cơ thể trở về mức bình thường, làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân khiến các tế bào phát triển không kiểm soát được tại tuyến yên và tạo ra khối u hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuyến yên là một tuyến nhỏ, hình hạt đậu, nằm ở nền não, khoảng phía sau mũi và giữa 2 tai. Mặc dù có kích thước nhỏ như vậy, nhưng tuyến yên lại có thể tác động đến gần như tất cả mọi phần của cơ thể. Các hormone do tuyến yên sản xuất ra sẽ giúp điều chỉnh rất nhiều hoạt động chức năng của cơ thể, ví dụ như quá trình phát triển, điều hòa huyết áp và chức năng sinh sản.

Có một số lượng nhỏ các trường hợp có khối u tuyến yên là do di truyền, nhưng đa số các trường hợp u tuyến yên đều không có yếu tố liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ việc biến đổi gen sẽ đóng một vai trò nhất định trong việc phát triển khối u tuyến yên.

Các yếu tố nguy cơ

Những người có tiền sử gia đình mắc phải một số tình trạng bệnh nhất định, ví dụ như đa u tuyến nội tiết typ 1 sẽ có nguy cơ có khối u tuyến yên cao hơn. Trong bệnh đa u tuyến nội tiết typ 1, rất nhiều khối u sẽ xuất hiện tại nhiều tuyến của hệ nội tiết. Hiện tại, xét nghiệm di truyền đã có thể phát hiện được rối loạn này.

Biến chứng

Khối u tuyến yên thường sẽ không ác tính hoặc lan rộng sang các phần khác của cơ thể. Tuy nhiên, do tuyến yên có vị trí nằm giữa nền não và có chức năng đặc biệt quan trọng trong sản xuất hormone điều hòa rất nhiều hoạt động của cơ thể, nên khối u tuyến yên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, và có thể gây ra:

Giảm thị lực: Khối u tuyến yên có thể gây tăng áp lực lên các dây thần kinh thị giác, gây suy giảm thị lực hoặc mất thị lực ở 1 hoặc cả 2 bên mắt.

Thiếu hormone vĩnh viễn: Sự có mặt của khối u tuyến yên hoặc việc phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến việc sản xuất ra hormone, và có thể sẽ khiến bạn cần phải sử dụng các loại thuốc thay thế hormone suốt đời.

Một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm của khối u tuyến yên là tình trạng khối u bỗng nhiên xuất huyết, chảy máu. Bạn sẽ nhận thấy mình có một cơn đau đầu đau nhất từ trước đến giờ. Đây là một tình trạng cấp cứu có thể đe dọa đến tính mạng, cần phải được điều trị bằng corticosteroid và có thể là cả phẫu thuật.

Chẩn đoán khối u tuyến yên

Khối u tuyến yên thường không được chẩn đoán sớm do triệu chứng rất giống với nhiều tình trạng bệnh khác. Một số khối u tuyến yên được phát hiện là do xét nghiệm hoặc khám các tình trạng bệnh lý khác.

Để chẩn đoán khối u tuyến yên, bác sỹ có thể sẽ xem xét kỹ lưỡng tiền sử bệnh tật của bạn, thăm khám lâm sàng và tiến hành một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu: để xác định xem liệu bạn có bị thiếu hoặc thừa hormone hay không
  • Chẩn đoán hình ảnh não: chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ não có thể giúp bác sỹ biết được vị trí và kích thước khối u tuyến yên
  • Kiểm tra thị lực: có thể giúp xác định xem liệu khối u tuyến yên đã ảnh hưởng đến thị lực hoặc tầm nhìn ngoại biên hay chưa.

Ngoài ra, bác sỹ chuyên khoa về nội tiết sẽ khám và tiến hành thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán tình trạng khối u tuyến yên và phương pháp điều trị cho bạn.

Điều trị

Điều trị khối u tuyến yên sẽ phụ thuộc vào loại khối u, kích thước khối u và sự phát triển của khối u trong não. Tuổi và tình trạng sức khỏe chung của bạn cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị.

Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc, có thể là đơn thuần hoặc phối hợp các biện pháp để điều trị khối u tuyến yên và đưa việc sản xuất hormone về mức bình thường.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên thường sẽ cần thiết trong trường hợp khối u gây tăng áp lực lên các dây thần kinh thị giác hoặc nếu khối u gây tăng sản xuất một số loại hormone nhất định. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào loại khối u, vị trí khối u, kích thước khối u và liệu khối u đã xâm lấn sang các mô bên cạnh hay chưa.

Có 2 kỹ thuật phẫu thuật chính trong điều trị khối u tuyến yên, bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u qua xoang mũi: kỹ thuật này sẽ cho phép bác sỹ loại bỏ khối u thông qua mũi và xoang mũi mà không cần tạo ra thêm vết cắt ngoài xương sọ. Cũng không có phần nào khác tại não bị ảnh hưởng và cũng sẽ không có sẹo để lại. Tuy nhiên, khối u lớn có thể sẽ khó loại bỏ bằng cách này, đặc biệt là nếu khối u đã xâm lấn sang các dây thần kinh hoặc các mô não gần đó.
  • Phãu thuật thông qua tiếp cận xuyên sọ: khối u sẽ được loại bỏ thông qua phần trên của sọ, qua một vết cắt mổ tại da đầu và xương sọ. Kỹ thuật này sẽ giúp tiếp cận các khối u lớn và phức tạp một cách dễ dàng hơn.

Xạ trị

Xạ trị sẽ sử dụng tia X quang năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật hoặc nếu bạn không phù hợp để phẫu thuật. Xạ trị có thể sẽ có ích nếu khối u tồn tại lâu dài hoặc khối u phát triển trở lại sau khi phẫu thuật, gây ra các triệu chứng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Các phương pháp xạ trị bao gồm:

  • Xạ phẫu thuật đích sử dụng Gamma Knife (Gamma Knife stereotactic radiosurgery): Thường sẽ được sử dụng một liều cao duy nhất, loại xạ trị này sẽ tập trung các chùm bức xạ vào khối u mà không cần tạo ra vết cắt. Kỹ thuật này sẽ chuyển các chùm bức xạ tương đương với kích thước và hình dạng khối u vào tới khối u với sự hỗ trợ của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh não. Phương pháp này thường cố gắng hạn chế tối đa lượng tia xạ có thể tiếp xúc với các mô khỏe mạnh xung quanh khối u, làm giảm nguy cơ tổn thương các mô bình thường ở xung quanh khối u. 
  • Sử dụng bức xạ bên ngoài: Kỹ thuật này sẽ đưa các tia bức xạ vào đến khối u với một lượng nhỏ, theo thời gian. Một liệu trình xạ trị thường mất khoảng 5 ngày/tuần trong vòng 4-6 tuần. Mặc dù kỹ thuật này thường có hiệu quả, nhưng sẽ phải mất hàng năm trời mới có thể kiểm soát hoàn toàn được sự phát triển của khối u và kiểm soát được việc sản xuất hormone. Xạ trị cũng có thể gây tổn thương đến các tế bào tuyến yên bình thường và các tế bào não bình thường, đặc biệt là các tế bào nằm gần tuyến yên.
  • Sử dụng chùm tia proton: Một lựa chọn khác đó là sử dụng các ion tích điện dương (proton) thay vì sử dụng tia X. Không giống như tia X, sử dụng chùm proton sẽ ngừng lại ngay sau khi chùm tia này giải phóng năng lượng bên trong vật đích. Chùm tia proton có thể được kiểm soát và sử dụng trên các khối u mà gây ra rất ít ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh. Phương pháp này thường cần các trang thiết bị đặc biệt và hiện tại vẫn ít phổ biến.

Xạ trị thường sẽ không có hiệu quả ngay lập tức mà có thể mất tới hàng tháng hoặc hàng năm mới có thể có hiệu quả hoàn toàn được. Một chuyên gia về ung thư sẽ lượng giá tình trạng của bạn và trao đổi về lợi ích cũng như nguy cơ của từng loại lựa chọn điều trị.

Dùng thuốc

Điều trị bằng thuốc có thể giúp ngăn chặn việc tiết ra quá nhiều hormone và đôi khi có thể sẽ làm giảm kích thước một số loại khối u tuyến yên

Khối u tiết prolactin: thuốc cabergoline và bromocriptine (Parlodel) có thể sẽ làm giảm tình trạng tiết prolactin và thường sẽ giúp giảm kích thước khối u. Các phản ứng phụ có thể bao gồm chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón, lú lẫn và trầm cảm. Một số người còn xuất hiện các hành vi bị điều khiển, cưỡng chế, ví dụ như chơi cờ bạc, trong khi sử dụng các thuốc này.

Khối u tiết hormone tăng trưởng: có 2 loại thuốc phù hợp để điều trị loại khối u tuyến yên này và đặc biệt hữu ích nếu phẫu thuật không thành công trong việc đưa việc tiết hormone về mức bình thường.

  • Một loại thuốc được gọi là thuốc tương tự somatostatin, có thể làm giảm tiết hormone tăng trưởng và làm nhỏ khối u. Đây là một loại thuốc tiêm, sử dụng 4 tuần/lần. Phản ứng phụ có thể bao gồm bồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu và đau tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, các dấu hiệu này sẽ cải thiện dần hoặc thậm chí biến mất theo thời gian. Loại thuốc này thậm chí có thể có phản ứng phụ là gây sỏi thận và có thể làm nặng thêm bệnh tiểu đường.
  • Loại thuốc thứ 2 là pegvisomant sẽ ngăn chặn ảnh hưởng của việc tiết ra quá nhiều hormone tăng trưởng lên cơ thể. Đây là loại thuốc tiêm hàng ngày và có thể gây tổn thương gan ở một số người.

Thay thế hormone tuyến yên

Nếu khối u tuyến yên hoặc việc phẫu thuật khối u làm giảm sự sản xuất hormone, thì bạn sẽ cần phải được điều trị bằng iệu pháp thay thế hormone để duy trì lượng hormone bình thường trong cơ thể. Một số người đã xạ trị cũng sẽ cần phải sử dụng thuốc thay thế hormone.

Việc điều trị thay thế hormone sẽ phải sử dụng suốt đời và dưới sự giám sát nghiêm ngặt của bác sỹ chuyên khoa nội tiết.

Theo dõi

Điều trị theo dõi có thể sẽ là một lựa chọn nếu khối u không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Trong phương pháp này, bạn sẽ cần được theo dõi chặt chẽ bằng các xét nghiệm thường xuyên để xác định sự phát triển của khối u.

Rất nhiều người có khối u tuyến yên có thể có cuộc sống bình thường mà không cần điều trị, nếu khối u không gây ra vấn đề gì. Nếu bạn là một người trẻ tuổi, thì việc theo dõi có thể là một lựa chọn tốt và bạn nên chấp nhận khả năng khối u có thể sẽ phát triển lớn hơn. Hãy tuân theo chỉ định của bác sỹ về việc khám định kỳ để theo dõi, và việc cần phải được điều trị ngay khi cần thiết. Bác sỹ sẽ là người cân nhắc đến các lợi ích và nguy cơ của việc điều trị, so với việc sống chung với khối u.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bạn sẽ làm gì sau khi điều trị khối u tuyến yên?

Ths. Bs Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ MayoClinic
Bình luận
Tin mới
  • 14/11/2024

    Thời điểm tốt nhất để ăn tối

    Thời điểm chúng ta ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy, ăn đúng thời điểm sẽ có lợi cho sức khỏe và cải thiện quá trình trao đổi chất.

  • 14/11/2024

    Hiểu đúng về bổ sung vitamin K2 và D3 cho trẻ nhỏ

    Vitamin D3 và K2 là hai loại vitamin quan trọng, thường được nhắc đến cùng nhau trong việc hỗ trợ sức khỏe xương, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu lầm xoay quanh bộ đôi vi chất này.

  • 14/11/2024

    Cơn nín thở ở trẻ có nguy hiểm không?

    Một số trẻ em gặp phải các cơn nín thở và khiến phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ lo lắng. Vậy cơn nín thở là gì, nó có nguy hiểm không và làm thế nào khi con bạn gặp phải cơn nín thở. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

  • 14/11/2024

    Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

    Việc ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp hỗ trợ não bộ, tim mạch, hệ miễn dịch, làn da khỏe mạnh... Và tư thế bạn ngủ cũng rất quan trọng. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe?

  • 13/11/2024

    Giải mã những thắc mắc, hiểu lầm về vitamin D3 và vitamin K2

    Vitamin D3 và vitamin K2 được coi là cặp đôi kết vitamin có tác dụng hiệp đồng tốt nhất trong số các cặp đôi vitamin. Vitamin D3 và vitamin K2 cùng nhau giúp vận chuyển canxi tới đúng vị trí trong cơ thể, từ đó hỗ trợ sức khỏe xương và sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên gần đây xuất hiện những hiểu lầm về bộ đôi vitamin này, vậy như thế nào là hiểu đúng? Hãy cùng tìm hiểu trong bộ infographic này.

  • 13/11/2024

    Ngày Đái tháo đường Thế giới: Chung tay phòng chống bệnh tiểu đường

    Hàng năm, Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức vào ngày 14/11, là dịp để chúng ta cùng nhau nâng cao nhận thức về căn bệnh mạn tính này.

  • 13/11/2024

    Sự gia tăng ung thư đại tràng ở người trẻ tuổi

    Trong suốt 30 năm qua, tỷ lệ ung thư đại tràng nói chung tại Mỹ đã giảm đều đặn. Tuy nhiên, một xu hướng đáng lo ngại đã xuất hiện là tỷ lệ ung thư đại tràng ở người trưởng thành trẻ tuổi đã tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian này mà không có nguyên nhân rõ rang.

  • 12/11/2024

    Liệu bạn có đang bổ sung quá liều Magie?

    Hầu hết mọi người có thể đáp ứng nhu cầu magie từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên, một số người cần bổ sung thêm magie thông qua thực phẩm bổ sung hoặc thuốc để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Xem thêm