Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tìm hiểu về cơn thiếu máu não thoáng qua - mối nguy hiểm tiềm tàng của đột quỵ

Cơn thiếu máu não thoáng qua là một trạng thái gián đoạn tạm thời với các triệu chứng tương tự như đột quỵ, thường chỉ kéo dài trong vài phút. Tình trạng này có thể cảnh báo khả năng xuất hiện đột quỵ trong tương lai, và cần phải có những can thiệp để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua

Cơn thiếu máu não thoáng qua có nguồn gốc xuất hiện tương tự như đột quỵ do thiếu máu cục bộ - loại đột quỵ phổ biến nhất hiện nay. Trong một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ điển hình, một cục máu đông sẽ chặn ở mạch máu, gây tắc nghẽn mạch máu và làm gián đoạn khả năng cung cấp máu đến một phần của não bộ. Đối với cơn thiếu máu não thoáng qua, tình trạng này không giống như đột quỵ khi thời gian tắc nghẽn mạch máu là ngắn hơn và không gây tổn thương vĩnh viễn.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được cho là sự tích tụ mảng bám – xơ vữa động mạch (do các chất béo chứa cholesterol) trong động mạch hoặc trong một/nhiều nhánh mạch cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho não. Mảng bám cũng có thể khiến giảm lưu lượng máu qua mạch, hoặc dẫn đến sự phát triển của cục máu đông. Một cục máu đông di chuyển từ một nơi khác đến não (phổ biến nhất là cục máu đông hình thành từ tim) cũng có thể gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua.

Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua

Các cơn thiếu máu não thoáng qua thường kéo dài trong vòng vài phút. Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng sẽ biến mất trong một vài giờ, và hiếm khi kéo dài đến 24 giờ. Các dấu hiệu của tình trạng này có đặc điểm giống như những dấu hiệu xuất hiện sớm của cơn đột quỵ, bao gồm cả sự khởi phát đột ngột của:

  • Yếu, tê hoặc liệt ở mặt, cánh tay, chân (thường là 1 bên cơ thể)
  • Nói ngọng, nói méo chữ hoặc nói không đủ chữ khiến người khác không hiểu
  • Mất thị giác hoặc xuất hiện tình trạng nhìn đôi ở cả 2 mắt
  • Chóng mặt, mất khả năng thăng bằng hay phối hợp

Một số triệu chứng có thể xuất hiện kèm theo tùy thuộc vào vùng não bộ bị tổn thương, và các triệu chứng cũng có thể tái phát. Vì những dấu hiệu này thường xảy ra sớm trước vài giờ hoặc vài ngày trước 1 cơn đột quỵ, do vậy cần đặc biệt lưu ý và cần hỗ trợ y tế khẩn cấp để có thể ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Yếu tố nguy cơ nào dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua?

Có những yếu tố có thể dẫn đến xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua, bao gồm cả những yếu tố mà bản thân chúng ta có thể thay đổi được và những yếu tố không thể thay đổi được. Một số yếu tố trở thành nguy cơ đối với đột quỵ và không thể can thiệp được bao gồm:

  • Tiền sử gia đình (tỉ lệ mắc cao hơn nếu trong gia đình có người người từng gặp phải tình trạng này hoặc từng đột quỵ)
  • Tuổi tác (tuổi càng cao nguy cơ càng cao, đặc biệt là từ 55 tuổi trở đi)
  • Giới tính (nam giới có nguy cơ mắc phải cao hơn so với nữ giới)
  • Nếu đã từng gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua, khả năng bị đột quỵ sẽ cao hơn
  • Bệnh hồng cầu hình liềm. Đột quỵ là một biến chứng thường gặp của bệnh hồng cầu hình liềm – một rối loạn di truyền còn có tên khác là thiếu máu hồng cầu hình liềm. Các tế bào máu hình liềm mang ít oxy hơn và cũng có xu hướng bị mắc kẹt trong thành động mạch, cản trở lưu lượng máu đến não.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được sẽ bao gồm lối sống, các tình trạng sức khỏe hiện tại và sự lựa chọn của bản thân. Tất nhiên, chúng ảnh hưởng ít hơn nhưng không có nghĩa là không thể, và cũng không khẳng định rằng chúng có thể dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ.

  • Huyết áp cao. Nguy cơ đột quỵ tăng lên khi huyết áp cao hơn 140/90mmHg. Điều trị tình trạng tăng huyết áp sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác đi kèm, chẳng hạn như có kèm theo bệnh đái tháo đường…
  • Tăng Cholesterol. Sử dụng ít thực phẩm nhiều cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo no có thể làm giảm các mảng bám trong động mạch. Nếu không thể kiểm soát mức cholesterol cơ thể thông qua thay đổi chế độ ăn uống, thuốc statin hoặc một số loại thuốc giảm cholesterol khác sẽ cần được sử dụng.
  • Bệnh tim mạch: bao gồm suy tim, khuyết tật tại tim, nhiễm trùng tim…
  • Bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
  • Đái tháo đường. Đái tháo đường làm tăng mức độ nghiêm trọng của xơ vữa động mạch – gây hẹp các động mạch do tích tụ chất béo
  • Nồng độ homocysteine cao có thể khiến các động mạch dày lên và hình thành sẹo, khiến cục máu đông dễ xuất hiện hơn.
  • Thừa cân, béo phì đặc biệt là béo bụng làm tăng nguy cơ đột quỵ ở cả nam và nữ.
  • COVID-19. Hiện có các bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Hút thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ cục máu đông, tăng huyết áp và góp phần vào sự phát triển xơ vữa động mạch.
  • Không hoạt động thể chất. Các nghiên cứu đã chứng minh việc tập thể dụng 30 phút với cường độ vừa phải mỗi ngày giúp giảm nguy cơ.
  • Tình trạng dinh dưỡng kém. Việc chế độ ăn giảm lượng chất béo và giảm muối giúp giảm nguy cơ thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ.
  • Uống nhiều rượu
  • Sử dụng ma túy

Chẩn đoán

Đánh giá kịp thời các triệu chứng là vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua và đưa ra quyết định phương pháp điều trị. Để giúp xác định nguyên nhân của tình trạng này và để đánh giá nguy cơ đột quỵ, một số phương pháp có thể được sử dụng như:

  • Kiểm tra thể chất. Một bài kiểm tra thể chất và kiểm tra thần kinh sẽ được triển khai. Các bài kiểm tra về tầm nhìn, chuyển động mắt, lời nói và ngôn ngữ, sức mạnh cơ bắp, phản xạ và hệ thống cảm giác của cơ thể sẽ được thực hiện. Đôi khi, bác sỹ có thể kiểm tra động mạch cảnh ở cổ để đánh giá tổn thương, nếu xuất hiện âm thanh đặc trưng của xơ vữa động mạch. Soi để tìm kiếm các mảnh cholesterol hoặc mảnh tiểu cầu (gây thuyên tắc) trong các mạch máu nhỏ của võng mạc ở phía sau mắt cũng có thể được đánh giá.
  • Kiểm tra các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, bao gồm huyết áp cao, mức cholesterol cao, bệnh đái tháo đường và trong một số trường hợp, nồng độ axit amin homocysteine cao.
  • Siêu âm động mạch cảnh. Nếu nghi ngờ động mạch cảnh có thể là nguyên nhân, siêu âm động mạch cảnh có thể được áp dụng. Siêu âm đầu dò phân tích hình ảnh để tìm các động mạch bị thu hẹp hoặc đông máu trong động mạch cảnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT đầu sử dụng chùm tia X để tái tạo góc nhìn 3D tổng hợp xung quanh khu vực não hoặc đánh giá các động mạch ở cổ và não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp động mạch cộng hưởng từ (MRA). Phương pháp này sử dụng từ trường, tạo ra góc nhìn 3D tổng hợp của não bộ.
  • Siêu âm tim. Siêu âm tim theo nhiều phương pháp cho phép một cái nhìn tốt hơn về một số thứ cụ thể trong tim và mạch máu, chẳng hạn như cục máu đông.
  • Chụp động mạch. Phương pháp này cho hình ảnh tổng quát về các động mạch trong não thường không được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang.

Phòng ngừa tình trạng thiếu máu não thoáng qua

Quản lý các yếu tố nguy cơ của bản thân và có một lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ.

  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế cholesterol và chất béo
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả. Trái cây và quả chín chứa các chất dinh dưỡng như kali, folate và chất chống oxy hóa, tốt cho cơ thể và ngăn ngừa thiếu máu não
  • Hạn chế natri (hạn chế muối). Nếu gặp phải tình trạng huyết áp cao, hãy tránh thức ăn mặn và hạn chế muối trong thức ăn.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế uống rượu, bia. Rượu bia ở mức độ vừa phải là tốt nhất. Giới hạn khuyến nghị là không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, bằng cách cân bằng chế độ ăn uống và tập thể dục
  • Không sử dụng ma túy dưới bất cứ hình thức nào
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Tham khảo thêm thông tin tại: Bài tập giúp tăng cường máu não, ngăn ngừa chóng mặt

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Mayoclinic) -
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm