Chẩn mạch thuộc Thiết chẩn, là một trong bốn phương pháp chẩn đoán của y học cổ truyền (bốn phép chẩn của y học cổ truyền gồm: Vọng, Văn, Vấn, Thiết). Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các phương tiện chẩn đoán hiện đại nhìn thấu “bụng dạ” con người như CT-scan, X-quang, siêu âm... thì xưa kia các cụ nhà ta đã có thể tỏ tường qua việc xem mạch.
Xem mạch là việc người thầy thuốc bên ngoài thì đặt ba ngón tay của mình vào vị trí nhất định trên cổ tay bệnh nhân, bên trong thì dùng trí để phân tích, phán đoán bệnh tình.
Quan hệ giữa mạch và khí huyết
Mạch (kinh mạch, huyết mạch) là nơi tuần hoàn khí- huyết dịch trong cơ thể, có thể ví như hệ thống sông suối trên mặt đất, cứ chảy không ngừng, trong thì nuôi tạng phủ, ngoài thì nuôi bì phu, cơ nhục. Mạch phải có khí huyết thì mới có sự sống, mạch rỗng thì vô dụng. Khí huyết phải có mạch dẫn đường thì mới đi đúng hướng, khí huyết không có mạch thì vận hành tán loạn.
Lại nói, huyết có nguồn gốc từ tinh chất của thức ăn, rồi qua Tâm hóa ra sắc đỏ mà thành. Khí trong mạch nhận từ tiên thiên thận khí (do quá trình giao hợp mà thành) và hậu thiên tỳ khí (do ăn uống mà thành). Vì “khí hành thì huyết hành” nên khí huyết nương tựa nhau rồi đi khắp cơ thể. Cũng từ đó, bệnh tật trong người dù do thất tình (bảy loại tình cảm của con người: hỷ, nộ, ái, ố, bi, tư, khủng) hay lục dâm (sáu loại khí trong thiên nhiên: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) đều theo sự lưu hành của khí huyết mà báo hiệu ra mạch: khí huyết thịnh thì mạch thịnh, khí huyết suy thì mạch suy, khí huyết hòa thì mạch bình, khí huyết loạn thì mạch bệnh.
Xem mạch nơi cổ tay, sao lại “rõ trong lòng”?
Sở dĩ toàn thân có mười hai kinh chính, mỗi kinh lại đều có chỗ bắt được nhịp đập của mạch nhưng thầy thuốc chỉ bắt Mạch Thốn Khẩu là vì mạch ấy nằm trên kinh Thủ Thái âm Phế - là con đường chủ yếu của hô hấp, mà hô hấp lại có quan hệ mật thiết với sự lưu thông của huyết mạch, toàn bộ khí trong cơ thể đều họp nơi Phế nên có thể phản ánh được tình trạng của các kinh- chính vì thế nên “rõ trong lòng”. Và nếu chưa rõ tận tường, ta có thể nhờ sự hỗ trợ của các mạch khác, bao gồm: mạch Thái dương (mạch ngoài kinh), mạch Toản trúc (túc Thái dương Bàng quang kinh), mạch Thính cung (thủ Thái dương Tiểu trường kinh), mạch Cự liêu, mạch Nhân nghinh, mạch Xung dương (đều ở túc Dương minh Vị kinh), mạch Thái khê (túc Thiếu âm Thận kinh), mạch Thái xung (túc Quyết âm Can kinh), mạch Hợp cốc (thủ Dương minh Đại trường kinh), mạch Thần môn (thủ Thiếu âm Tâm kinh), mạch Cơ môn (túc Thái âm Tỳ kinh), ngoài ra còn có cả Tề chẩn- phúc chẩn, là xem mạch rốn và mạch bụng.
Nguyên tắc xem mạch
Thời gian xem mạch tốt nhất là buổi sáng sớm vì chúng ta đã được trải qua giấc ngủ để hồi phục cơ thể, tinh thần sảng khoái, dạ dày trống rỗng, tay chân chưa hoạt động nên khí huyết được yên tĩnh, lưu thông điều độ, xem mạch rất chính xác. Tuy nhiên, với bộn bề công việc thì việc xem mạch thời điểm ấy rất khó khăn, thế nên bệnh nhân giữ được tâm tĩnh lặng, tư thế thoải mái lúc chẩn bệnh đã là rất tốt.
Việc chẩn đoán chính xác bệnh phụ thuộc rất nhiều vào sự tinh tường, tỉ mỉ, cẩn trọng của thầy thuốc, vì vậy có nhiều nguyên tắc xem mạch được đặt ra: trước hết đó là sự tĩnh tâm, gạt bỏ các tạp ý, sự ồn ào của ngoại cảnh, rồi tập trung vào hơi thở để điều hòa cùng hơi thở của bệnh nhân, mạch phải xem ba bậc (phù, trung, trầm) ở ba bộ, lại phải so sánh trước sau, so sánh hai bên- gọi là “thất chẩn” và “cửu hậu”.
Triết học Đông phương trong việc xem mạch
Khi xem mạch, tay trái của thầy thuốc sẽ xem mạch ở tay phải của bệnh nhân và ngược lại. Điều này làm cho âm dương được giao hòa. Sách “Định Ninh - Tôi học mạch” có đoạn viết: nhiều cụ già ngoài y giới thường truyền khẩu cho con cháu: tao thấy thầy thuốc giỏi khi xem mạch thì đàn ông tay trái trước, tay mặt sau, đàn bà tay mặt trước, tay trái sau... nghĩa là nam tả nữ hữu mới đúng vậy. Điều ấy bởi đạo trời đất, nam thuộc dương, mà tay trái thuộc dương, chủ về dương thì phải mạnh hơn âm; nữ thì thuộc âm, tay trái thuộc âm, chủ về âm thì phải mạnh hơn dương. Khi xem theo trật tự như thế thì có thể phán đoán được âm dương thăng- giáng, thuận- nghịch để tìm ra bệnh. Thế nhưng khi xem về Mệnh môn (liên quan đến sự sống còn- Mệnh môn nghĩa là cánh cửa của sự sống) thì ngược lại: nam hữu nữ tả. Vì dương khí vận hành theo đạo trời, đi từ trái sang phải, còn âm khí vận hành theo đạo đất, đi từ phải sang trái.
Qua ít dòng viết trên, chúng ta có thể phần nào hình dung được việc chẩn đoán qua xem mạch. Không chỉ nói được bệnh lý thực thể như các phương tiện cân lâm sàng hiện đại mà xem mạch còn có thể biết được tâm tư, tình cảm của một người. Thế nên mới nói “Tiếng mạch nói hộ lòng tôi”- hễ xem mạch thì “biết tuốt”.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phương tây nghĩ gì về y học cổ truyền Trung Hoa?
Người bị vảy nến nên bổ sung các loại thực phẩm chống viêm, giàu vitamin đồng thời hạn chế những thực phẩm có khả năng khiến bệnh phát triển, góp phần kiểm soát tốt bệnh và giúp làn da đẹp mịn màng hơn.
Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!
Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?
Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.