Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc ảnh hưởng đến khả năng thụ thai như thế nào?

Các nghiên cứu đã chứng minh sử dụng một số loại thuốc có thể ngăn cản khả năng thụ thai của bạn. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc nếu đang có ý định mang thai.

Thuốc ảnh hưởng đến khả năng thụ thai như thế nào?

Những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai chắc hẳn đều biết được rằng các bệnh lây qua đường tình dục, u xơ tử cung, thừa cân và các bệnh tuyến giáp… có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Tuy nhiên, ít người biết được rằng một số loại thuốc không kê đơn và kê đơn cũng có thể cản trở đến khả năng làm mẹ của bạn.

Theo bác sỹ Alan Copperman thuộc Đại học y Icahn ở New York (Mỹ), “do chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ bị kiểm soát khá chặt chẽ bởi tương tác giữa não bộ, buồng trứng và tử cung nên bất cứ vấn đề về sức khỏe nào hay một loại thuốc nào làm phá vỡ mối liên quan này đều có thể tác động tiêu cực đến quá trình rụng trứng và cản trở việc mang thai của người phụ nữ.”

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc để điều trị một số bệnh là hết sức cần thiết, thế nên nhiều phụ nữ sẽ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều do khi sử dụng thuốc họ sẽ không thể mang thai, đồng thời kéo theo những cảm xúc bất thường như đau buồn, cô đơn, chán nản và tức giận. Theo tiến sỹ Alice Domar – giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần Domar, những phụ nữ gặp phải vấn đề về khả năng thụ thai sẽ có những mức độ lo lắng và trầm cảm thương đương với những bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV hay mắc bệnh tim mạch.

Tham khảo ý kiến bác sỹ là việc làm vô cùng quan trọng để biết được các loại thuốc đang sử dụng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn như thế nào. Trong một số trường hợp, một số phương pháp điều trị thay thế cũng có hiệu quả tương tự như các loại thuốc kê đơn và không kê đơn.

Các loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng thụ thai như thế nào

Theo bác sỹ Jason Griffith – chuyên gia sản khoa tại Trung tâm sinh sản Houston, các loại thuốc có thể gây cản trở khả năng thụ thai theo 3 cách khác nhau, và 2 trong số đó có tác động trực tiếp đến người phụ nữ. Thuốc có thể làm thay đổi quá trình rụng trứng, sự tiếp nhận của nội mạc tử cung và tử cung đối với trứng thụ tinh. (Cách thứ ba là thuốc có thể làm thay đổi sự sản xuất tinh trùng ở nam giới.)

Thời gian tác động

Khi bạn đã ngừng sử dụng thuốc, cơ thể sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để phục hồi, thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào tùy từng loại thuốc. Bác sỹ Copperman nói: “Hầu hết các loại thuốc sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng vài ngày, tuy nhiên một số thuốc lại có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trứng bình thường tới hàng tháng.” Ví dụ như những phụ nữ đang trong giai đoạn sử dụng hóa trị liệu bằng methotrexat nên đợi ít nhất là 3 tháng sau khi ngừng thuốc rồi mới nên có thai. Thường bạn sẽ mất từ 1-2 tháng để cơ thể hồi phục lại khả năng thụ thai sau khi ngừng thuốc tránh thai.

Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường bởi lớp niêm mạc tử cung cần thời gian để hồi phục sau một thời gian dài bị ức chế. Depo-provera (một loại thuốc tránh thai dạng tiêm) cần rất nhiều thời gian để có thể được đào thải khỏi cơ thể, nó có thể kéo dài tác dụng tới gần 10 tháng sau khi tiêm mũi cuối cùng.

Các loại thuốc không kê đơn

Theo bác sỹ Baker, ngoài hiệu thuốc có tới hàng ngàn các loại thuốc, và ảnh hưởng lên quá trình thụ thai của một số thuốc trong số đó vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Ngoài ra, cũng có rất nhiều loại thuốc không kê đơn chưa được kiểm chứng được bán với mục đích tăng cường khả năng thụ thai, nhưng lại thiếu những bằng chứng khoa học. May mắn là hầu hết thuốc không kê đơn đều không ảnh hưởng đến khả năng mang thai, tuy nhiên tốt nhất là bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sỹ và vẫn nên thận trọng đối với một số loại thuốc dưới đây:

NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid): Một số báo cáo cho biết các thuốc nhóm NSAIDs như ibuprofen có thể có tác động nhỏ đối với quá trình rụng trứng, đặc biệt là khả năng giải phóng trứng của buồng trứng.

Các thảo dược từ thiên nhiên: Vấn đề của nhóm thuốc này là hiện nay có rất ít các số liệu nghiên cứu cũng như các điều luật để quản lý việc sử dụng chúng. Một số thảo mộc được cho là có nguồn gốc tự nhiên đôi khi lại chứa những chất có tác dụng như những hormon như estrogen, progestin, bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc động vật từ tuyến thượng thận, tinh hoàn hay buồng trứng.

Các loại thuốc kê đơn

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại nào trong những thuốc sau đây, hãy thảo luận với bác sỹ về tác động của chúng đối với khả năng thụ thai của bạn.

Các thuốc hướng thần: như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống rối loạn thần kinh có thể tác động đến quá trình điều hòa hormon khi rụng trứng và đồng thời làm tăng nồng độ của một số hormon liên quan như prolactin. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những phụ nữ đang sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm SSRIs (các chất ức chế tái hấp thu serotonin) sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể mang thai; những thuốc này cũng làm giảm hiệu quả của các liệu pháp điều trị vô sinh và có liên quan đến hiện tượng sảy thai và sinh non.

Các NSAIDs kê đơn: nguy cơ cũng tương tự như các NSAIDs không kê đơn.

Các steroid: Nhóm này, bao gồm các steroid tăng đồng hóa (anabolic steroids) và corticosteroid (cortisone, prednisone) thường được sử dụng trong điều trị hen phế quản và lupus, được bào chế từ testosterone và có thể ảnh hưởng nghiêm  trọng đến khả năng thụ thai. Đặc biệt, steroid có thể ngăn cản sự giải phóng các hormon cần thiết cho quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Thuốc chống động kinh (phenytoin, carbamazepin, valproate): đều có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Thuốc chống loạn thần như risperidone có thể làm tăng nồng độ hormon prolactin và ức chế rụng trứng.

Các hormon tuyến giáp: Nếu liều lượng không được điều chỉnh hợp lý (quá cao hoặc quá thấp), nồng độ hormon prolactin sẽ bị ảnh hưởng.

Các sản phẩm điều trị các bệnh về da chứa hormon: Nên tránh những thuốc chứa estrogen và progesterone do có thể làm thay đổi quá trình rụng trứng.

Hóa trị: đặc biệt là nhóm chất alkyl hóa, có thể gây độc cho buồng trứng và gây vô sinh vĩnh viễn.

Các liệu pháp điều trị thay thế

Trong một số căn bệnh như hen phế quản, việc dùng thuốc là bắt buộc. Tuy nhiên, một số bệnh có thể lựa chọn những phương pháp điều trị thay thế mà vẫn an toàn, hiệu quả trong giai đoạn thụ thai. Bác sỹ Domar khuyên rằng những phụ nữ đang sử dụng các thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ và cân nhắc đến các lựa chọn thay thế khác như liệu pháp nhận thức hành vi, có thể khá hiệu quả trong hầu hết các trường hợp và không gây ra tác dụng phụ nào. Châm cứu, một biện pháp cổ truyền trong điều trị các chứng đau, cũng có thể là một lựa chọn thay thế phù hợp.

Hầu hết các bác sỹ đều mong muốn giảm tới mức tối thiểu số lượng thuốc mà một người phụ nữ phải sử dụng nếu họ đang có ý định mang thai hoặc đang mang thai. Các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn nên trao đổi thẳng thắn với bác sỹ trước khi muốn mang thai để có thể hiểu được về độ an toàn của các loại thuốc sử dụng cũng như lựa chọn một phương pháp điều trì khác an toàn hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phụ nữ nên sử dụng vitamin như thế nào?

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp từ Parents)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm