Thoát vị bẹn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bố mẹ cần phải biết những kiến thức cơ bản về bệnh để có thể chẩn đoán và điều trị bệnh cho bé.
Thoát vị bẹn là tình trạng phình lên một cách bất thường, hoặc dạng lồi, có thể nhìn thấy được và cảm thấy được ở khu vực háng (khu vực giữa vùng bụng và đùi). Nội dung bên trong là các tạng trong ổ bụng, ngoài ra còn có thể có hay không dịch ổ bụng.
Cũng như vậy, thoát vị bẹn trẻ em có nguyên nhân là một điểm yếu của thành bụng, mà đáng nhẽ ra vị trí này phải đóng kín trước khi sinh ra. Khối phồng ở vùng háng có thể được nhận thấy khi đứa trẻ khóc, ho, hoặc do tăng nhu động ruột (táo bón, rặn), hoặc cũng có thể nó đã xuất hiện ngay từ khi sinh ra, lên lên xuống xuống một cách dễ dàng. 90 phần trăm trong số trẻ thoát vị bẹn là trẻ trai.
Cứ khoảng 100 trẻ sinh đủ tháng thì có 2 trẻ bị thoát vị bẹn hay các bệnh lý còn ống phúc tinh mạc nói chung. Tỉ lệ này tăng cao hơn ở những trẻ đẻ non.
Thoát vị bẹn nghẹt là gì?
Nếu điểm khiếm khuyết của thành bụng có kích thước lớn, ruột có khả năng di chuyển tự do trong và ngoài thành bụng, lên lên xuống xuống và thường không gây đau. Tuy nhiên nếu lỗ thoát vị này có kích thước nhỏ hoặc trung bình, một phần của ruột thoát ra ngoài và bị mắc kẹt lại không thể trở lại vị trí cũ. Đây chính là trường hợp được gọi là thoát vị nghẹt và có thể gây ra tình trạng đau liên tục tăng dần, buồn nôn, nôn, và các triệu chứng của tắc ruột cơ học. Nguyên nhân là khi nếu ruột bị mắc kẹt trong một không gian hẹp, các mạch máu bị chèn ép, lưu lượng máu đến ruột bị tắc nghẽn, càng kéo dài, thời gian thiếu máu ruột càng lâu, càng tăng nguy cơ hoại tử ruột và thủng ruột – biến chứng nặng nhất của thoát vị bẹn.
Hình ảnh thoát vị bẹn nghẹt - ruột bị nghẹt kéo dài trở nên tím tái
Các triệu chứng của thoát vị bẹn?
Gia đình phát hiện một bên bẹn hoặc bìu bé to lên so với bên kia, hoặc cả 2 bên đều phình to bất thường; tình trạng này có thể hình thành trong một khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng;
Có thể tình trạng phình to lên này lúc có lúc không, thường xuất hiện sau khi trẻ chạy nhảy, ho, hoặc khi trẻ rặn đi vệ sinh;
thường không đau, nhưng có thể gây đau đớn – dấu hiệu của thoát vị bẹn nghẹt, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện;
bất ngờ đau, buồn nôn và nôn mửa, đó là dấu hiệu cho thấy một phần của ruột có thể đã bị mắc kẹt trong thoát vị.
Thoát vị bẹn - ruột thừa bị nghẹt trong bao thoát vị
Thoát vịbẹn cầnđượcđiều trịnhư thế nào?
Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa. Phẫu thuật mất khoảng một giờ và thông thường bệnh nhân có thể về nhà trong ngày.
Thoát vị bẹn trẻ em có thể điều trị bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở
Trước khi phẫu thuật
Trẻ không được ăn thức ăn đặc 6 (sáu) giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê. Tuy nhiên, có thể uống sữa trước mổ 4 (bốn) giờ và uống nước trắng hoặc nước pha đường trước mổ 2 (hai) giờ.
Trong phẫu thuật (đối với phẫu thuật mổ mở)
Đường mổ thoát vị bẹn
Bác sĩ gây mê sẽ giúp cho bé đi vào giấc ngủ, và thư giãn cơ bắp. Bé sẽ không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật.
Phẫu thuật viên sẽ rạch rất nhỏ (từ 1 đến 2cm) ngay tại các nếp gấp da của bụng.
Bao thoát vị phồng lên được xác định.
Bác sĩ phẫu thuật đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong túi thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp của nó.
Bao thoát vị được phẫu tích lên cao và thắt tại vị trí cao nhất.
Ở những trẻ dưới 1 tuổi, khả năng thoát vị bẹn cả 2 bên là rất cao, mặc dù 1 bên được phát hiện, bên kia vẫn có khả năng xuất hiện thoát vị bẹn trong tương lai. Nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở cả 2 bên. Vì thế, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có tư vấn về việc phẫu thuật 1 bên hoặc cả 2 bên.
Sau phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân có thể về nhà một vài giờ sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non và những trường hợp đặc biệt, có thể sẽ phải ở lại thêm 1 ngày tại bệnh viện để theo dõi..
Chăm sóc cho trẻ sau khi phẫu thuật
Thông thường, bé sẽ trở lại như bình thường vào buổi tối sau khi phẫu thuật hoặc sáng hôm sau. Sau phẫu thuật khoảng 2h, trẻ có thể được ăn uống nhẹ, tuy nhiên vẫn cần phải xin ý kiến trực tiếp của nhân viên y tế.
Có thể tắm rửa bình thường vào ngày hôm sau. Tuy nhiên tắm bồn tắm thì nên chờ sau mổ 2 ngày.
Băng vết mổ có thể thay sau khi tắm ở ngày thứ 1 sau mổ, sau đó 2 ngày thay băng 1 lần. Sau 3 ngày không cần phải băng lại bởi vì vết mổ đã dính liền và khá nhỏ. Chỉ khâu trong da nên không cần phải cắt chỉ.
Những dấu hiệu bất thường sau mổ
Bố mẹ có thể nhận thấy vùng xung quanh vết rạch hoặc bìu sưng nhẹ sau mổ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu sau cần lưu ý và xin ý kiến bác sĩ ngay:
Trẻ không thể đi tiểu
Sốt
Sưng to vị trí vết mổ
Vùng vết mổ tấy đỏ
Chảy máu
Đau ngày càng tăng
Theo dõisau mổ
Nếu trẻ ở gần bệnh viện, nên đến khám lại sau mổ 7 – 10 ngày. Phẫu thuật viên sẽ đánh giá tình trạng vết mổ và liền da.
Nếu ở xa, có thể đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, nhớ mang theo biên bản ghi lại phẫu thuât.
Khám lại ngay khi phát hiện tình trạng phình to vùng bẹn bìu chưa được cải thiện hoặc xuất hiện bên đối diện, hoặc bất cứ bất thường nào mà bố mẹ bệnh nhân lo lắng
Nhiễm ký sinh trùng có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như các triệu chứng về tiêu hóa không rõ nguyên nhân, ngứa, thiếu máu, đau cơ và khớp, ăn không thấy no,… Cùng tìm hiểu về 10 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang nhiễm ký sinh trùng qua bài viết sau đây!
Nước dừa có thành phần dinh dưỡng đặc biệt và nhiều lợi ích cho sức khỏe như cung cấp chất điện giải, giúp hạ huyết áp... Đây là lý do nước dừa ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người.
Dù là trà đen, trà xanh, trà trắng hay trà ô long, trà nóng hay trà đá đều có nguồn gốc từ cây trà, Camellia sinensis. Nhưng trà thảo mộc thì khác. Trà thảo mộc bắt nguồn từ việc ngâm nhiều loại hoa, lá hoặc gia vị trong nước nóng. Hầu hết các loại trà này đều không có caffeine. Bạn có thể bắt đầu bằng những túi trà làm sẵn hoặc ngâm các nguyên liệu rời và sau đó lọc bỏ bã.
Nhiều người thực hiện thải độc cơ thể theo hướng dẫn truyền miệng và trên các nền tảng xã hội... và hiện nay đang dấy lên trào lưu thải độc bằng nước cốt chanh. Vậy sự thật về phương pháp thải độc này như thế nào?
Chất béo thường bị mang tiếng xấu mỗi khi nói về chế độ dinh dưỡng vì cho rằng đó là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì. Quan niệm cắt bỏ hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn đã từng phổ biến trong một số khuyến nghị dinh dưỡng. Thực tế, không phải tất cả các chất béo đều có hại.