Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dấu hiệu nhận biết chứng thoát vị ở trẻ em

Thoát vị nói chung gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị, nam giới bị gấp 7-8 lần nữ giới. Trẻ bị thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ gốc Phi.

Thoát vị là gì

Thoát vị là một khối phồng khi một cơ quan hay một số mô nào đó phát triển ra ngoài vị trí vốn có của nó trong cơ thể. Thoát vị có thể xảy ra ở vùng háng, bụng và cơ hoành. Đôi khi thoát vị xảy ra ngay sau khi trẻ được sinh ra, trong những trường hợp khác thoát vị có thể xuất hiện trong vòng một vài tháng đầu sau sinh, trong giai đoạn nhi đồng hoặc thậm chí khi trưởng thành.

Ở trẻ em, chứng thoát vị phổ biến nhất là thoát vị bẹn xảy ra ở bộ phận sinh dục và thoát vị rốn xảy ra ở vùng quanh rốn.

Bạn có thể đã từng nghe thấy thuật ngữ “thoát vị bị chẹt” và “thoát vị gián đoạn”. Đối với “thoát vị bị chẹt”, các bác sỹ không thể đưa khối thoát vị trở về vị trí bình thường bằng tay. “Thoát vị gián đoạn” là tình trạng mất nguồn cung cấp máu cho một phần của ruột, đây là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm.

Nguyên nhân gây thoát vị bẹn

Trong thai kỳ, tinh hoàn của một bé trai phát triển ở trong ổ bụng, sau đó vào thời điểm trước khi sinh, tinh hoàn sẽ được đưa qua một ống nằm trong mô giữa háng và ổ bụng (gọi là ống bẹn) và vào túi bìu.

Đối với các bé gái, buồng trứng sẽ đi xuống qua một ống và vào trong vùng chậu. Tại thời điểm đó, con đường nối vào thành bụng sẽ bị đóng lại.

Chẩn đoán trẻ em trai bị thoát vị bẹn

Bạn thấy một khối cứng, thuôn dài bằng ngón tay cái ở vùng bẹn hoặc bìu của trẻ. Cục này có thể bị lồi ra ngoài khi trẻ vận động hay khóc và thụt lại vào trong ổ bụng khi trẻ nghỉ ngơi.

Bạn nên làm gì

Nếu bạn nghĩ con mình bị thoát vị bẹn, hãy đưa trẻ tới bệnh viện. Bác sỹ sẽ đưa ra những lời khuyên và giới thiệu đến một bác sỹ phẫu thuật nhi, người sẽ đánh giá tình trạng thoát vị ở trẻ và có thể yêu cầu trẻ được phẫu thuật. Việc phẫu thuật thoát vị không phải là khẩn cấp, tuy nhiên nó cần thiết phải thực hiện bởi tại một thời điểm nào đó, nguồn cung cấp máu cho đoạn ruột hình thành khối thoát vị bị cắt đứt và gây hủy hoại mô vĩnh viễn. Nếu tình trạng này xảy ra, khối thoát vị lồi ra sẽ trở nên rộng, cứng và sẫm màu hơn đồng thời bạn không thể ấn nó lại vào thành bụng. Trẻ có thể bị đau và nôn mửa. Trong trường hợp này cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức. Bác sỹ có thể xử trí tạm thời bằng cách ấn phần thoát vị bằng tay vào ổ bụng (sau đó lên lịch phẫu thuật) hoặc phẫu thuật ngay lập tức trong nếu tình trạng của trẻ nghiêm trọng.

Các nguyên nhân khác có thể gây sưng tinh hoàn (ngoài trường hợp thoát vị bẹn)

Nếu tinh hoàn của trẻ bị sưng ngay sau khi sinh ra, nguyên nhân có thể là do dịch thừa mà trẻ chưa thải hết sau sinh hoặc do lượng hormon quá nhiều mà trẻ nhận từ mẹ. Tình trạng sưng này hoàn toàn vô hại do trẻ sẽ loại bỏ lượng dịch thừa này trong vòng vài ngày qua đường tiểu.

Một khả năng có thể khác đó là tràn dịch màng tinh hoàn (hydrocele), đó là một bao chứa đầy dịch bao quanh tinh hoàn từ một lỗ mở nhỏ trong thành bụng. Cứ 10 trẻ em trai thì có 1 trẻ bị tràn dịch màng tinh hoàn lúc mới đẻ. Tình trạng này sẽ biến mất trước năm 1 tuổi, tuy nhiên một số trường hợp cần được tiểu phẫu để dẫn lưu dịch và làm kín lỗ mở. Tràn dịch màng tinh hoàn tuy không gây đau nhưng có thể gây bất tiện cho trẻ nếu khối tràn dịch lớn dần lên, nhất là những trẻ ưa hoạt động.

Ngoài ra trong mọi trường hợp hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức nếu bìu của trẻ bị sưng đỏ và đau do triệu chứng này có thể là biểu hiện nguy hiểm của chứng xoắn tinh hoàn.

Chẩn đoán trẻ em gái bị thoát vị bẹn

Mặc dù hiếm gặp nhưng ngay cả trẻ em gái cũng có thể bị thoát vị bẹn. Trong trường hợp này, buồng trứng hay một đoạn ruột bị đẩy qua thành bụng vào phần bẹn hoặc đôi khi vào môi âm hộ.

Phần lồi ra có dạng khối chữ nhật cứng. Tình trạng thoát vị bẹn ở nữ giới có thể giải quyết được bằng tiểu phẫu.

Bình thường thì tình trạng sưng môi âm đạo ngay sau sinh là do sự tích lũy dịch hay do lượng hormon quá thừa trẻ nhận từ mẹ. Đây cũng là hiện tượng hoàn toàn bình thường và sẽ mất đi sau một vài ngày.

Chẩn đoán trẻ thoát vị rốn

Thoát vị rốn hay gặp ở trẻ sơ sinh, thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ gốc Phi. Trong đa số các trường hợp, thoát vị rốn không gây đau và thường vô hại.

Trong thời gian mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ ở cơ bụng của trẻ. Thông thường đóng ngay trước khi sinh, nếu các cơ không đóng với nhau hoàn toàn ở đường giữa của bụng, điểm yếu này trong thành bụng có thể gây ra thoát vị rốn khi sinh hoặc sau này trong đời. Khi trẻ bị thoát vị rốn, bạn có thể để ý đến khu vực xung quanh rốn trẻ bị lồi ra khi trẻ khóc hay cong người. Hiện tượng này là do áp suất khí từ trong bụng đẩy khối thoát vị ra ngoài.

Liệu có cần điều trị thoát vị rốn hay không

Mặc dù trong một số ca hiếm gặp, thoát vị rốn có thể phình to tới kích thước như một quả mận, tuy nhiên hầu như thoát vị rốn không gây vấn đề gì nghiêm trọng trừ khi khối thoát vị bị đau hay sưng phồng.

Khối thoát vị rốn thường sẽ tự biến mất khi trẻ được 2 – 3 tuổi, một số trường hợp khác khoảng 5 tuổi.

Trong một số ca hiếm, một đoạn ruột của trẻ sẽ bị tắc trong lỗ mở dẫn đến ngừng cung cấp máu cho ruột và cần phải phẫu thuật ngay lập tức. Do vậy, nếu bạn lưu ý bất kỳ dấu hiệu sưng, đau hay chuyển màu nào quanh khối thoát vị rốn, nhất là khi trẻ bị nôn mửa hay đau dữ dội, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm