Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tật khúc xạ cận thị

Cận thị là một tật khúc xạ của mắt xảy ra khi bạn có thể nhìn rõ những vật ở gần nhưng những vật ở xa lại bị mờ.

Tật khúc xạ cận thị ​

Cận thị cực kì phổ biến nhưng có thể điều trị được. Theo Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ, có khoảng 30% dân số Mỹ bị cận thị.

Triệu chứng

Triệu chứng rõ ràng nhất của cận thị là nhìn mờ khi bạn quan sát những vật ở xa. Trẻ em có thể bị khó nhìn chữ viết trên bảng ở trường học. Người lớn có thể không nhìn thấy rõ tín hiệu đèn giao thông khi lái xe.

Những dấu hiệu khác của cận thị gồm:

  • Đau đầu
  • Đau mắt hoặc cảm giác mỏi mắt
  • Lác mắt

Những triệu chứng của cận thị thường khỏi sau khi được điều trị bằng đeo kính hoặc dùng kính áp tròng đúng số. Đau đầu và mỏi mắt có thể kéo dài 1-2 tuần khi bạn mới thay số kính.

Yếu tố nguy cơ

Theo Viện Mắt Hoa Kỳ, cận thị thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 8-12. Mắt của trẻ đang phát triển ở độ tuổi này nên hình dáng của nhãn cầu có thể thay đổi. Người lớn thường chỉ nhìn được gần nếu họ bị cận thị khi còn trẻ. Bạn cũng có thể chỉ nhìn được gần do một số bệnh lý như tiểu đường.

Căng thẳng thị giác là một yếu tố nguy cơ khác của cận thị. Ví dụ như mỏi mắt do những công việc cần tập trung chi tiết: đọc sách hoặc dùng máy vi tính.

Cận thị cũng có thể do di truyền. Nếu bạn có bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị cận thị, bạn sẽ có nguy cơ cận thị cao hơn.

Nguyên nhân

Cận thị là một tật khúc xạ của mắt, xảy ra khi mắt không hội tụ được ánh sáng chính xác. Nếu bạn bị cận thị, mắt của bạn sẽ hội tụ ánh sáng trước võng mạc thay vì nằm trên võng mạc và gây ra nhìn mờ.

Võng mạc là bề mặt phía sau mắt có chức năng tập trung ánh sáng và chuyển thành tín hiệu điện lên não để não phân tích và đọc hình ảnh.

Ở người cận thị, khả năng hội tụ của mắt không chính xác do sự bất thường nhẹ về hình dáng của nhãn cầu. Nhãn cầu cận thị thường quá dài và giác mạc quá tròn. (Giác mạc là lớp màng trong suốt bao phía trước nhãn cầu).

Chẩn đoán và điều trị

Bác sỹ có thể chẩn đoán tật cận thị thông qua thăm khám mắt toàn diện.

Chỉnh tật cận thị có thể bao gồm:

  • Đeo kính cận
     
  • Liệu pháp chỉnh khúc xạ giác mạc
  • Phẫu thuật

Kính gọng hoặc kính áp tròng là những ví dụ về kính cận. Những loại kính này giúp bạn giúp bù lại độ cong của giác mạc hoặc kéo dài nhãn cầu nhằm chuyển điểm hội tụ ánh sáng rơi vào võng mạc.

Số kính sẽ tùy thuộc vào khoảng cách mà bạn có thể nhìn rõ. Bạn có thể cần đeo kính mọi thời điểm hoặc chỉ khi thực hiện một số hoạt động, ví dụ như lái xe.

Kính áp tròng thường giúp bạn có thị trường chính xác rộng hơn so với kính gọng. Bạn cần đặt kính trực tiếp lên giác mạc mắt. Một số bệnh nhân không thể chịu được kính áp tròng do bị kích thích bề mặt mắt.

Phẫu thuật có thể sửa được lâu dài tật cận thị. Phẫu thuật laser được dùng để tạo hình lại giác mạc giúp cho hình ảnh hội tụ trên võng mạc. Hầu hết những người đã được phẫu thuật không còn phải đeo kính cận nữa.

Tiên lượng

Hầu hết những người bị cận thị có thể nhìn rõ sau khi được điều trị. Điều trị sớm tật cận thị có thể phòng ngừa những khó khăn về mặt xã hội và học tập do thị lực kém.

Phòng bệnh

Bạn không thể phòng ngừa được tật cận thị. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic, một số nghiên cứu cho thấy bạn có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

Để bảo vệ mắt của bạn:

  • Đi khám mắt định kì
  • Đeo kính phù hợp theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa
  • Đeo kính râm chống tia tử ngoại (tia UV)
  • Đeo kính bảo vệ mắt khi làm các hoạt động nguy hiểm như tiếp xúc với hóa chất độc hại
  • Thường xuyên giải lao khi làm các công việc nhiều chi tiết như nhìn vào màn hình máy tính
  • Kiểm soát các bệnh mạn tính như cao huyết áp và tiểu đường
  • Chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và acid béo omega-3
  • Không hút thuốc lá

Nếu bạn thấy bất kì thay đổi nào về thị lực, ví dụ như nhìn mờ hoặc quầng sáng quanh đèn, hãy liên hệ với bác sỹ nhãn khoa ngay lập tức. Chăm sóc tốt cho bắt sẽ giúp bạn có một thị lực tốt.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chăm sóc trẻ bị cận thị

Bs. Thanh Thanh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm