Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, tồn tại ở hai dạng chính là vitamin D3 (cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol). Đặc biệt, vitamin D3 là dạng dễ hấp thu và sử dụng hơn so với vitamin D2.
Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Vitamin D cần thiết cho sự phát triển của xương thông qua giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả và xây dựng hệ xương chắc khỏe. Tình trạng thiếu vitamin D làm giảm quá trình khoáng hóa hoặc khử khoáng hóa canxi từ xương, dẫn tới còi xương ở trẻ nhỏ.
Vitamin D cũng thúc đẩy sự phát triển của tế bào, chức năng thần kinh cơ và chức năng hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, thiếu vitamin D còn có liên quan tới các bệnh ung thư.
Thực tế hiện nay, tình trạng thiếu vitamin D3 cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Đối với trẻ sơ sinh, hàm lượng vitamin D3 của cơ thể trong giai đoạn này là rất thấp, và điều này làm gia tăng nguy cơ bị yếu xương hay dẫn đến các vấn đề như còi xương, dễ gãy xương... Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trẻ bú sữa mẹ có nguy cơ thiếu hụt cao hơn trẻ sử dụng sữa công thức, vì sữa mẹ không chứa đủ lượng vitamin D3 để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé.
Hiện tại, nhiều cha mẹ vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vitamin D3, hơn nữa dấu hiệu thiếu D3 tiềm ẩn ngay từ tháng đầu sau khi sinh, khó nhận biết và dễ bỏ qua, để lại nhiều di chứng cho trẻ. Đây là lý do vì sao các chuyên gia y tế khuyên cần bổ sung vitamin D3 cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh.
Trẻ sơ sinh cần bổ sung bao nhiêu vitamin D là đủ?
Tổ chức Y tế Thế giới và y tế các nước đều khuyến nghị bổ sung vitamin D cho trẻ. Tại Việt Nam, trẻ từ 0-12 tháng tuổi được khuyến nghị bổ sung 400IU vitamin D mỗi ngày, sau đó nâng lên mức 600IU mỗi ngày ở các lứa tuổi từ 1 tuổi trở lên. Đây là khuyến nghị chung cho cộng đồng, tuy nhiên rất nhiều trẻ được bổ sung với liều khuyến nghị này vẫn bị bệnh còi xương do thiếu vitamin D, vì một số lý do trẻ sinh non tháng, bệnh lý rối loạn hấp thu, chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin D từ khi có bầu... trong những trường hợp này bác sỹ sẽ khám và cho bổ sung liều cao hơn.
Tương tự như các vitamin tan trong dầu khác, vitamin D có khả năng gây độc nếu bổ sung quá mức quy định, tuy nhiên tình trạng này ít gặp và thường chỉ xuất hiện ở các trường hợp sử dụng sản phẩm bổ sung liều quá cao và kéo dài. Tình trạng ngộ độc vitamin D có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, mất phương hướng, tăng nồng độ canxi trong máu và nước tiểu, chán ăn, khát nước quá mức, đau cơ và khớp, và có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Đọc thêm: Dấu hiệu và phản ứng phụ của việc sử dụng quá nhiều vitamin D
Bổ sung vitamin D ở nguồn nào?
Việc bổ sung vitamin D cho trẻ cần được căn cứ vào tình trạng của từng trẻ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú sữa mẹ, nên bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ dựa trên tháng tuổi và tình trạng sức khỏe. Đối với các trẻ sử dụng sữa công thức, nếu sử dụng sữa công thức không bổ sung vitamin D hoặc uống dưới 1 lít sữa công thức bổ sung vitamin D một ngày thì sẽ cần bổ sung vitamin D từ nguồn thực phẩm bổ sung.
Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có chứa vitamin D bao gồm một số loại dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo động vật có vú ở biển, trứng gà nuôi có bổ sung vitamin D, các loại dầu ăn tăng cường vitamin D hay bột ngũ cốc bổ sung vitamin D... Đối với các loại cá béo, hàm lượng vitamin D có thể từ 200-600IU/100g, thậm chí là 1600IU/100g ở cá trích.
Nhìn chung, trẻ sơ sinh nên bổ sung vitamin D dưới dạng các thực phẩm bổ sung với liều khuyến nghị thích hợp. Đối với dạng vitamin D, vitamin D3 (cholecalciferol) là dạng vitamin D thích hợp để bổ sung cho trẻ trong giai đoạn này. Đối với các trẻ lớn hơn và bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm/ăn bổ sung, có thể bổ sung vitamin D cho trẻ từ các nguồn thực phẩm khác.
Trẻ sơ sinh nên được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn
Theo các chuyên gia, việc trẻ sơ sinh được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cho trẻ sơ sinh tắm nắng giúp trẻ có đủ lượng vitamin D thiết yếu cho cơ thể. Tắm nắng giúp trẻ sơ sinh hấp thu được nguồn ánh nắng mặt trời, giúp sản sinh đủ vitamin D cơ thể cần, hạn chế tình trạng còi xương, chữa chứng bệnh vàng da sơ sinh. Hơn nữa, việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh còn giúp con tránh chứng hăm tã, vì ánh nắng mặt trời mang lại tác dụng kháng khuẩn.
Với vị trí, thời tiết khi hậu của Việt Nam, các chuyên gia khuyên nên cho trẻ tắm nắng vào lúc 8-10 giờ sáng, 16-17 giờ chiều, 15-20 phút mỗi lần và khoảng 3 buổi trong 1 tuần. Khi tắm chỉ cần đội mũ cho trẻ, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào phần lưng, bụng, chân của trẻ, Ngoài ra, nên bổ sung vitamin D qua đường ăn/uống của trẻ để có thể đảm bảo đủ mức vitamin D khuyến nghị hàng ngày.
Khuyến cáo của Chuyên gia dinh dưỡng
Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết, trong đó vitamin D3 là dạng vitamin D thích hợp để bổ sung cho trẻ. Các chuyên gia y tế khuyến nghị nên bổ sung vitamin D cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh, đặc biệt là các trẻ bú mẹ. Bên cạnh đó, tắm nắng và sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin D3 là những phương pháp phù hợp để giúp trẻ ngăn ngừa các tình trạng bệnh lý có thể gặp phải do thiếu hụt vitamin D.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.whattoexpect.com/first-year/health-and-safety/vitamin-d-for-babies/
2. Viện Dinh dưỡng (2016). Nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
HIV tấn công hệ thống miễn dịch của bạn, khiến bạn khó chống lại những yếu tố có thể khiến bạn bị bệnh. Khi virus làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên của bạn, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu trên khắp cơ thể.
Sốt là biểu hiện thường gặp khi cơ thể trẻ bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân gây bệnh nào. Cha mẹ nên bình tĩnh theo dõi thân nhiệt của con để đưa ra hướng xử trí phù hợp.
Nhiều người đã nghe nói ăn sushi tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, liệu điều này có đúng không dưới góc nhìn của các chuyên gia dinh dưỡng?.
Trẻ bị viêm họng sốt cao thường do thay đổi thời tiết, độ ẩm cao, môi trường nhiều vi khuẩn, virus. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vậy, cha mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị sốt cao do viêm họng?
Nhiều phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Nhưng đối với một số ít, tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều. Ít hơn 3% phụ nữ mang thai bị chứng nôn nghén. Không có cách chữa trị, nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời và có nhiều cách để kiểm soát.
Bài viết này là những cách giúp bạn vượt qua một số lời biện hộ phổ biến có thể cản trở cuộc sống mà bạn mong muốn.
Chế độ ăn chay, thuần chay được lên kế hoạch khoa học có thể đáp ứng gần hết nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Dù vậy, người ăn chay nên cân nhắc bổ sung một số vitamin và dưỡng chất mà thực vật không thể cung cấp đủ.
Ngày 06/11/2024, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “VAI TRÒ CỦA VITAMIN D3 VÀ K2 TRONG VIỆC CẢI THIỆN MẬT ĐỘ XƯƠNG VÀ TĂNG TRƯỞNG CHIỀU CAO Ở TRẺ EM” với sự tham gia của các nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ đầu ngành chuyên khoa dinh dưỡng, nhi khoa và xương khớp.