Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sự khác biệt giữa xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch

Xơ vữa động mạch xảy ra khi các động mạch này trở nên hẹp do sự tích tụ mảng bám. Điều này có thể khiến oxy khó đến được các cơ quan và tế bào của bạn. Xơ vữa động mạch là một loại xơ cứng động mạch. Sự tích tụ mảng bám trong chứng xơ vữa động mạch làm cho động mạch dày và cứng

Động mạch là các mạch máu mang máu giàu oxy ra khỏi tim và đến các cơ quan của cơ thể. Xơ vữa động mạch xảy ra khi các động mạch này trở nên hẹp do sự tích tụ mảng bám. Điều này có thể khiến oxy khó đến được các cơ quan và tế bào của bạn. Xơ vữa động mạch là một loại xơ cứng động mạch. Sự tích tụ mảng bám trong chứng xơ vữa động mạch làm cho động mạch dày và cứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách điều trị cho từng trường hợp xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là một tình trạng viêm mãn tính liên quan đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Mảng bám này được tạo thành từ các chất như cholesterol và chất béo. Khi mảng bám tích tụ, nó làm cho động mạch của bạn bị thu hẹp, dẫn đến giảm lưu lượng máu giàu oxy đến các cơ quan quan trọng của bạn.

Xơ cứng động mạch là gì?

Xơ cứng động mạch xảy ra khi thành động mạch trở nên cứng. Điều này khiến máu khó lưu thông hơn, làm tăng áp lực. Nếu không được điều trị, xơ cứng động mạch có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Triệu chứng của xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch là gì

Có thể khó xác định phân biệt giữa xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch.

Triệu chứng xơ vữa động mạch: Ở giai đoạn đầu, xơ vữa động mạch thường không gây ra triệu chứng. Nếu bạn có các triệu chứng của xơ vữa động mạch thì nó thường xuất hiện khi bạn căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Đó là vì cơ thể bạn cần nhiều oxy hơn trong thời gian này. Các triệu chứng có thể có của chứng xơ vữa động mạch bao gồm:

  • đau thắt ngực
  • đổ mồ hôi lạnh
  • chóng mặt
  • mệt mỏi
  • nhịp tim nhanh
  • hụt hơi
  • buồn nôn
  • chuột rút ở mông khi đi bộ
  • nhầm lẫn (nếu tắc nghẽn ảnh hưởng đến tuần hoàn não)
  • yếu cơ ở chân (do thiếu tuần hoàn)
  • đau ở chân hoặc cánh tay

Triệu chứng xơ cứng động mạch: Xơ cứng động mạch cũng không gây ra triệu chứng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Ngay cả khi xơ cứng động mạch tiến triển thành tăng huyết áp, bệnh sẽ không gây ra triệu chứng gì. Cách duy nhất để biết bạn có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp.

Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch

Xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch được gây ra bởi các cơ chế khác nhau.

Nguyên nhân xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch có liên quan đến tổn thương tế bào nội mô của mạch máu. Những tế bào này tạo nên lớp lót bên trong của động mạch. Khi điều này xảy ra sẽ dẫn đến viêm và thúc đẩy sự phát triển của mảng bám.

Nguyên nhân xơ cứng động mạch: Sợi Elastin là protein làm cho thành động mạch đàn hồi và linh hoạt. Khi các sợi đàn hồi tiếp xúc với các chất Oxy hóa, chúng sẽ bị đứt ra và kém đàn hồi. Điều này làm rối loạn trật tự sắp xếp của các sợi đàn hồi ở thành mạch máu, làm thành mạch trở nên cứng, gây xơ cứng động mạch.

Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch

Nhìn chung, xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch có các yếu tố nguy cơ khác nhau, nhưng có một số trùng lặp.

Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch bao gồm:

  • lão hóa
  • tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch
  • mức cholesterol trong máu cao
  • tăng huyết áp
  • hút thuốc lá
  • lượng chất béo bão hòa cao
  • bệnh tiểu đường

Yếu tố nguy cơ xơ cứng động mạch

Lão hóa là yếu tố nguy cơ chính gây xơ cứng động mạch. Theo thời gian, các sợi đàn hồi tự nhiên mất đi tính đàn hồi. Điều này làm cho động mạch của bạn trở nên cứng và có khả năng dẫn đến xơ cứng động mạch. Trên thực tế, sau 55 tuổi, độ cứng của động mạch tăng lên đáng kể. Xơ cứng động mạch làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, cuối cùng dẫn đến xơ vữa động mạch và các tình trạng sức khỏe khác.

Xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch được điều trị như thế nào?

Việc điều trị xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch là tương tự nhau. Bệnh chủ yếu liên quan đến thói quen lối sống lành mạnh để hỗ trợ sức khỏe và chức năng của động mạch. Bạn nên duy trì các thói quen:

  • Duy trì hoạt động tập luyện: Tập thể dục điều trị cả hai tình trạng bằng cách cải thiện chức năng nội mô, tình trạng viêm và độ đàn hồi của động mạch. Nên tập thể dục 90 đến 150 phút mỗi tuần.
  • Ăn thực phẩm tốt cho tim: Chế độ ăn có lợi cho tim rất giàu chất béo không bão hòa đơn, trái cây, rau và chất xơ. Chế độ ăn này cũng ít muối và chất béo bão hòa.
  • Bỏ hút thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, việc bỏ thuốc sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chức năng của động mạch. Điều quan trọng nữa là tránh hút thuốc thụ động. Việc bỏ thuốc thường khó khăn nhưng bác sĩ có thể giúp bạn lập một kế hoạch phù hợp với bạn.
  • Hạn chế uống rượu: Nếu bạn uống rượu, uống ít hơn sẽ có ích cho bạn. Khuyến nghị cho nam giới và phụ nữ lần lượt là hai và một ly mỗi ngày.
  • Quản lý căng thẳng: Thực hành quản lý căng thẳng sẽ cải thiện huyết áp và sức khỏe tim mạch của bạn.
  • Dùng thuốc theo toa: Nếu xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch dẫn đến cholesterol cao hoặc tăng huyết áp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe. Bạn nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?

Xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch thường không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kì hàng năm. Những lần kiểm tra định kỳ này sẽ cho phép bác sĩ xác định xem bạn có nguy cơ mắc một trong hai tình trạng hay không. Ngoài ra, bạn sẽ có thể bắt đầu điều trị tình trạng này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu bạn có:

  • tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch hoặc bệnh tim
  • đau thắt ngực
  • chóng mặt
  • nhịp tim nhanh
  • hụt hơi
  • mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • đổ mồ hôi lạnh
  • khó thở

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bạn không đo huyết áp hoặc lượng cholesterol trong máu trong một thời gian dài.

Chẩn đoán xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch

Để chẩn đoán xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch, bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm sau:

  • Khám thực thể: xác định các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như nhịp tim nhanh.
  • Đo Huyết áp: Huyết áp của bạn có thể cho biết liệu chứng xơ cứng động mạch đã phát triển hay bạn có nguy cơ bị xơ vữa động mạch hay không.
  • Khai thác tiền sử gia đình: Để xác định nguy cơ phát triển một trong hai tình trạng, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về tiền sử gia đình bạn.
  • Xét nghiệm máu: Điều này cho phép bác sĩ kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, bao gồm cholesterol trong máu cao, chất béo trung tính cao và bệnh tiểu đường.

Phòng ngừa xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch

Bạn có thể đẩy lùi chứng xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch trước khi chúng dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn. Trong cả hai trường hợp bệnh thì biện pháp phòng ngừa đều liên quan đến thói quen lối sống lành mạnh và thuốc men. Những phương pháp điều trị này sẽ giúp giảm mảng bám và tình trạng viêm trong động mạch. Khi được quản lý đúng cách, chứng xơ vữa động mạch có thể được phục hồi trong vòng 1 hoặc 2 năm. Nếu chứng xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch đã tiến triển thành bệnh mãn tính, nhiều người cần phải phẫu thuật. Quy trình này phụ thuộc vào bệnh và động mạch bị ảnh hưởng và bác sĩ có thể làm một số can thiệp cho bạn như

  • can thiệp mạch vành qua da
  • bắc cầu động mạch vành
  • cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh
  • nong mạch vành
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm