Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Quyên sinh: Giả thiết và sự thật trên góc nhìn y học

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quyên sinh là yếu tố thứ 13 gây ra tử vong trên toàn thế giới. Nguyên nhân rất đa dạng và bí ẩn, khoa học chưa hiểu hết, thậm chí còn có những giả thiết không đúng khiến cho việc khắc phục còn gặp nhiều khó khăn.

Quyên sinh: Giả thiết và sự thật trên góc nhìn y học

Vài nét tổng quan về quyên sinh

Theo Bách khoa thư mở (WP) quyên sinh (suicide), hay tự sát, tự giết, tự tử, tự vẫn..., thuật ngữ tiếng Anh này có nguồn gốc từ tiếng Latin Suicidium, có nghĩa giết chính mình hay hành động cố ý gây ra cái chết cho bản thân. Thuật ngữ này được gọi chính xác tùy thuộc vào hoàn cảnh quyên sinh cụ thể và thường có liên quan đến trạng thái tuyệt vọng, hoặc do mắc phải một số căn bệnh nan y, mà người trong cuộc không tìm được ra lối thoát. Đặc biệt, rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện ngập rượu và ma túy. Chịu áp lực hoặc gặp phải những tình cảnh bất hạnh như khó khăn về tài chính hoặc rắc rối với các mối quan hệ giữa các cá nhân (thất tình, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, áp lực công việc, dính vào vòng lao lý...) cũng được xem là có vai trò quan trọng làm tăng quyên sinh. Theo WHO, trung bình, mỗi năm trên thế giới có trên 1 triệu người chết do quyên sinh, và khoảng 10 - 20 triệu vụ tự sát không thành. Riêng tại Mỹ, theo Hội đồng An toàn quốc gia (NSC), tự sát là nguyên nhân thứ 6 gây tử vong, tỉ lệ tự sát ở nam giới cao hơn nhiều so với phụ nữ. Tỉ lệ tự sát ở một số nước năm 2005, tiêu biểu có Lithuania với 38,6 ca/100.000 dân, còn ở Hàn Quốc, tỉ lệ này là 21,9 (2006).

Quyên sinh

Quyên sinh bị ảnh hưởng lớn bởi những quan niệm văn hóa và bệnh tâm thần

Quyên sinh bị ảnh hưởng lớn bởi những quan niệm văn hóa nhiều hơn là các khía cạnh tôn giáo, danh dự, và ý nghĩa cuộc sống. Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (tới từ Tây Á cổ xưa) xem tự sát như là một hành vi phạm tội. Còn ở phương Tây, tự sát bị coi như là một tội ác nghiêm trọng. Ngược lại, trong thời kỳ samurai Nhật Bản, mổ bụng tự sát (hay  Seppuku) được tôn vinh như một phương tiện để chuộc tội lỗi cho sự thất bại hoặc phản đối. Trong thế kỷ 20, tự sát bằng hình thức tự thiêu đã được sử dụng như là một cách để bày tỏ sự phản đối, trong phương thức cảm tử của thần phong và đánh bom tự sát được xem như là chiến thuật quân sự hoặc khủng bố. Sati là một nghi thức tang lễ của đạo Hindu, trong nghi thức này người góa phụ hoặc là tự nguyện, hoặc bị áp lực từ gia đình và luật lệ sẽ phải cùng chịu thiêu chung với xác chồng.

Gần đây, trên thế giới còn xuất hiện một dạng quyên sinh mới với sự hỗ trợ của y tế. Dạng quyên sinh này có nhiều cách gọi khác nhau như chết tự nguyện, chết êm thấm, hay quyền được chết, giải thoát khỏi nỗi đau bệnh tật..., hình thức này hiện đang tranh cãi cả về khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật. Kiểu quyên sinh này thường liên quan đến nhóm người bị bệnh nan y, phải chịu đau đớn cùng cực về thể xác, hoặc đôi khi do chất lượng cuộc sống cực tệ vì thương tật hoặc bệnh tật. Tự hy sinh mình để không gây phiền hà đến những người khác hoặc vì mục đích không phải là để giết mình mà là để cứu những người khác nên có người gọi đây là hành động “tự sát vị tha”. Về yếu tố nguy cơ rối loạn tâm thần chiếm từ 87 - 98%, 18% lạm dụng chất gây nghiện, 14% bị tâm thần phân liệt, và 13% bị rối loạn nhân cách. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến và là yếu tố thúc giục người trong cuộc tự sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 50% các cá nhân bị bệnh tâm thần nghiêm trọng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bế tắc quyên sinh.

Tỉ lệ quyên sinh tại Mỹ thường rơi vào nhóm người cao tuổi với tỉ lệ 31,1ca /100.000 người

Giả thiết & sự thật về quyên sinh trên góc nhìn y học

Quyên sinh phần lớn tập trung nhóm tuổi thanh thiếu niên?

Giả thiết: tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên Mỹ, nhiều người cho rằng nhóm tuổi này thường có những suy nghĩ bồng bột, không hợp lý, bế tắc và muốn tìm đến quyên sinh để tự giải thoát.

Sự thật: tại Mỹ, số người cao tuổi quyên sinh còn lớn hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Cụ thể, tỉ lệ quyên sinh ở nam giới da trắng trên 65 tuổi là 31,1/100.000 người, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình quốc gia. Chưa hết, phần lớn nhóm người già tự tử thường đạt tỉ lệ thành công cao hơn so với nhóm người trẻ tuổi. Thanh thiếu niên thường tạo ra những tình huống mà họ có thể được giải cứu, còn người già thì không. Không chỉ ở Mỹ mà ở Trung Quốc, tỉ lệ tự sát ở nhóm người già cũng tăng mạnh trong những năm gần đây. Tỉ lệ tự tử ở khu vực nông thôn thường cao hơn ở thành phố, vì nơi đây các giá trị truyền thống được đề cao. Ví dụ, ở Wyoming, một trong những tiểu bang nông thôn và truyền thống nhất nước Mỹ, tỉ lệ quyên sinh cao tới ba lần so với mức trung bình quốc gia. Còn ở nông thôn Trung Quốc, tỉ lệ này cao hơn năm lần so với khu vực thành thị, đặc biệt là ở phụ nữ.

Quyên sinh

Tỉ lệ tự sát ở châu Phi giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch AIDS và không có thống kê chính xác

Giả thiết: nhiều đồn thổi cho rằng tỉ lệ tự sát ở châu Phi thấp nhất thế giới hiện nay, kể cả ở các nước đang phát triển lẫn đã phát triển. Nhiều người lập luận, sống ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới người dân thường lạc quan hơn, không bị bế tắc nên tỉ lệ quyên sinh giảm.

Sự thật: qua các số liệu thống kê cho thấy không có bằng chứng cho thấy tỉ lệ tự tử ở lục địa đen châu Phi thấp hơn so với các nước khác. Một yếu tố được xem là có tác động đến quyên sinh ở châu Phi thấp là do tự sát được xem là một điều cấm kỵ hơn so với ở phương Tây, ngoài ra, con số không được thống kê đầy đủ. Theo các chuyên gia nhân khẩu học, hoàn cảnh ở một số quốc gia châu Phi không phù hợp với xu hướng tự sát, đặc biệt là ở vùng nông thôn do nạn dịch AIDS lại hoành hành mạnh nên tỉ lệ tự tử ít hơn cả những ca tử vong do AIDS gây ra.

Quyên sinh là việc riêng của mỗi người ?

Giả thiết: do quan điểm không đồng cảm với tự sát, nên có hiện tượng khinh miệt hành vi này. Thậm chí, số người còn cho rằng quyên sinh là việc riêng của mỗi cá nhân, rằng đây là hành động ích kỷ, thế giới sẽ tốt hơn nếu không có những người này.

Sự thật: bất cứ ai đã gần gũi với một người có ý định quyên sinh đều thấy rằng họ rất đau khổ, chính sự đau khổ mà họ không vượt qua là động lực thúc giục họ quyên sinh. Mọi người đều biết, giúp những người này quay trở lại cuộc sống sẽ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Rất đa dạng như tâm sự, tìm hiểu nguyện vọng, hoặc giúp họ tìm một lựa chọn khác. Đôi khi, các vụ tự tử còn để lại những hậu quả khó lường, nhất là những gì họ để lại. Chẳng hạn như cha mẹ, con cái, và cả những công việc họ đang làm dở dang.... Bất kể lý do quyên sinh là gì, nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh và cộng đồng chung.

Quyên sinhQuyên sinh là nguyên nhân thứ 13 gây ra tử vong trên toàn thế giới

Về mặt kinh tế, tự sát là nguyên nhân tử vong  thứ 10 ở Mỹ khiến cho quốc gia này bị thiệt hại lớn về mặt kinh tế. Ví dụ, trong năm 2010, cứ một vụ quyên sinh cướp đi 1.061.170 USD, đưa tổng số tiền mà Mỹ bị mất do tựu sát gây ra lên tới 38 tỉ USD. Để so sánh, tờ New York Times cho hay, vào năm 2012, chính phủ Mỹ đã chi 25 tỉ USD cho cuộc chiến chống ma túy, trong khi đó chi phí cho việc ngăn ngừa quyên sinh lại không có, trong khi đó xu hướng này lại ngày càng tăng. Tại New Zealand, Bộ Y tế nước này cho hay, năm 2005, tại quốc gia châu đại dương này có tới  460 vụ tự tử thành công trong tổng số 5.095 vụ tự sát chung, khiến New Zealand mất trắng hơn một tỉ USD, trung bình mỗi vụ tự tử, nhà nước mất khoảng 2,5 triệu USD. Vì vậy, ở góc độ nào quyên sinh cũng không thể coi là việc riêng của mỗi người được mà của chung tất cả nhân loại. Chung tay giúp những người này tìm ra sự lựa chọn tốt hơn, không chỉ tốt cho người trong cuộc mà còn lợi cho cả cộng đồng chung.

Quyên sinh thường gia tăng vào những ngày nghỉ?

Giả thiết: trong một bộ phim hoạt hình nổi tiếng có tên Futurama chiếu nhân dịp lễ Giáng sinh, người ta đã đề cập đến một căn phòng dùng riêng cho quyên sinh. Ý tưởng này cho có vẻ hợp lý, nhưng là để đề cập tới tình trạng quyên sinh thường diễn ra vào những ngày nghỉ, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.

Sự thật: trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy tỉ lệ quyên sinh ở Mỹ thấp hơn trong các ngày nghỉ lễ (như Lễ Tạ Ơn hay Giáng sinh). Thời kỳ có nguy cơ quyên sinh cao nhất ở Mỹ là tháng Tư và tháng Năm. Thật thú vị, nó trùng với thời kỳ cao điểm của hội chứng có tên Trầm cảm theo mùa hay Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder hay SAD), một dạng rối loạn khí sắc thường xảy ra vào mùa đông và thu hàng năm.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đối phó với suy nghĩ tự tử

 

 

BS. Bích Kim - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm