Theo bác sĩ Alexander Kenneth Doo - chuyên gia về sản phụ khoa tại Hồng Kông, “Sức đề kháng của phụ nữ mang thai giảm hơn bình thường. Nếu nhiễm bện trong thời kỳ mang thai, căn bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi. Vì thế, tiêm vaccine có thể giúp bảo vệ mẹ và tăng khả năng miễn dịch cho bé”.
Phụ nữ mang thai có thể được chủng ngừa cúm bất cứ lúc nào trong thời kỳ mang thai, trong đó nên tiêm phòng sớm vào mùa cúm (tháng 10). Ngoài lợi ích ngăn ngừa mẹ bị cảm cúm khi mang thai, vaccine cúm còn có những lợi ích tích cực cho thai nhi. Các tác dụng phụ của phụ nữ mang thai cũng giống như những người khác gặp phải, bao gồm đau nhức, đỏ hoặc sưng quanh chỗ tiêm, nhức đầu, sốt, đau cơ, buồn nôn và mệt mỏi. Nhưng những điều này thường kéo dài chỉ một hoặc hai ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ Doo cũng cảnh báo phụ nữ mang thai chỉ nên phòng ngừa bệnh bằng vaccine cúm bất hoạt, tránh xa vaccine xịt mũi vì nó có chứa chủng virus sống gây nhiễm trùng và các biến chứng ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác.
Phụ nữ mang thai không nên dùng vaccine xịt mũi
Theo GS. Susanna Esposito - Đại học Milan (Ý), “Thành phần của thuốc tiêm phòng cúm được làm từ một loại virus bất hoạt, vì vậy nó an toàn cho cả mẹ và bé trong bất kỳ giai đoạn nào của thai. Nó bảo vệ người mẹ khỏi bệnh cúm mùa, làm giảm nguy cơ bị biến chứng liên quan đến cúm”.
Vaccine bất hoạt không đi vào hệ thống máu của thai nhi. Các kháng thể phát triển trong máu của người mẹ đi qua nhau thai, do đó tạo ra khả năng miễn dịch thứ cấp kéo dài trong vài tháng đầu đời.
Theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông, tiêm phòng cúm mùa ở phụ nữ mang thai đã cho thấy lợi ích cho cả mẹ và bé về việc giảm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Lợi ích của việc tiêm vaccine cho trẻ thông qua mẹ là đặc biệt quan trọng, vì cho đến nay vẫn chưa có vaccine cúm nào được chấp nhận sử dụng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Lịch khám, tiêm phòng trước và trong khi mang thai cho bà bầu