Triệu chứng tiêu chảy cấp do Rotavirus
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh và người lớn có thể nhiễm Rotavirus, nhưng thường không có triệu chứng tiêu chảy cấp. Nguyên nhân là do trẻ dưới 3 tháng tuổi đã có sẵn kháng thể mẹ truyền cho.
Tại miền Bắc, tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, khi tiết trời mưa lạnh, ẩm ướt. Ở miền Nam, bệnh có thể xảy ra quanh năm và không phụ thuộc vào mùa.
Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có dấu hiệu quấy khóc, mất nước do tiêu chảy
Thời gian ủ bệnh thông thường khoảng 2-3 ngày và sau đó kéo dài khoảng 5-7 ngày. Hầu hết những trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy do Rotavirus có 3 triệu chứng tiêu chảy, nôn và sốt:
– Thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-3 ngày bắt đầu có dấu hiệu tiêu chảy (có trẻ bị đi ngoài rồi mới nôn).
– Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước và không có máu.
– Trẻ có thể biểu hiện sốt, ho, chảy nước mũi, dễ nhầm với viêm đường hô hấp, cảm lạnh.
Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất các chất điện giải, thậm chí dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: Miệng lưỡi khô, khát nước, da mất độ đàn hồi, mắt trũng, quấy khóc nhưng không có nước mắt… Khi thấy trẻ có các triệu chứng tiêu chảy cấp, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Phòng ngừa Rotavirus ở trẻ nhỏ
Rotavirus có thể lây lan rất nhanh, chủ yếu lây truyền qua đường phân - miệng và đường hô hấp. Cha mẹ nên cho trẻ bị bệnh nghỉ học để tránh lây cho trẻ khác.
Vaccine Rotavirus được sử dụng qua đường uống
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho Rotavirus. Để chủ động bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy cấp, cha mẹ nên cho trẻ đi uống vaccine phòng Rotavirus tại các trung tâm dịch tễ, tiêm chủng trên cả nước.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm virus ở trẻ như:
– Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
– Ăn uống không vệ sinh: Thức ăn của trẻ không được bảo quản đúng cách, nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu), hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
– Cha mẹ, người chăm sóc không có thói quen rửa tay sau khi thay tã lót và vệ sinh cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn.
– Trẻ đang học bò, thích lăn trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi, không rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Vaccin phòng tiêu chảy do Rotavirus