Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ốm trước khi làm phẫu thuật: phải làm gì?

Đối với nhiều người, chuẩn bị cho phẫu thuật là một quá trình mất nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trước khi phẫu thuật được thực hiện.

Ốm trước khi làm phẫu thuật: phải làm gì?

Các bác sĩ cần tiến hành rất nhiều thử nghiệm, kiểm tra, phải tìm được bác sĩ phẫu thuật thích hợp hay xem xét các phương án khác, thậm chí phải mất thời gian để quyết định nơi phẫu thuật được thực hiện. Cả kế hoạch được chuẩn bị cẩn thận để phẫu thuật diễn ra theo hướng tốt nhất có thể bị đảo lộn hoàn toàn nếu bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trước khi làm phẫu thuật.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng cảm thấy không khỏe sẽ dẫn đến ca phẫu thuật phải hủy bỏ hoặc dời lại. Nếu bệnh của bạn có liên quan đến quá trình phẫu thuật và cuộc phẫu thuật có thể giúp cải thiện bệnh đó thì rất ít có khả năng là phẫu thuật sẽ bị hủy bỏ. Nó còn phụ thuộc vào thời gian để cải thiện tình trạng ốm mới xuất hiện. Ví dụ viêm họng do liên cầu khuẩn không còn bị lây nhiễm sau 24 giờ dùng thuốc kháng sinh và có thể không phải trì hoãn cuộc phẫu thuật.

Ví dụ, nếu bạn đang bị đau ngực nặng do một vấn đề ở mạch vành và bạn đang lên kế hoạch cho cuộc phẫu thuật mở tim để cải thiện bệnh thì phẫu thuật vẫn sẽ diễn ra như dự kiến.

Mặt khác, nếu bạn được xác định phải thực hiện một cuộc phẫu thuật tự chọn và bạn đã được chẩn đoán mắc cúm ngay trước khi phẫu thuật thì không chắc bạn sẽ được phẫu thuật như kế hoạch. Bản chất của phẫu thuật và mức độ nghiêm trọng của bệnh thường là yếu tố quyết định có hay không việc phẫu thuật phải dời lại.
Quyết định cuối cùng thường là của bác sĩ thực hiện phẫu thuật.

Làm gì khi bạn bị bệnh trước khi phẫu thuật?

Nếu bạn bị bệnh trong những ngày trước khi phẫu thuật, hãy báo ngay với bác sĩ phẫu thuật của bạn. Chỉ có bác sĩ làm phẫu thuật mới có thể quyết định các triệu chứng của bạn đủ nghiêm trọng để dẫn đến sự trì hoãn hoặc phải hủy bỏ phẫu thuật hay không.

Nhiều bệnh nhân có thể chờ đợi cho đến ngày phẫu thuật để nói với bác sĩ về bệnh tình của mình với hy vọng bệnh sẽ được cải thiện trong khoảng thời gian đó.  Nhưng sau đó bạn có thể phải trả một số chi phí cho ca phẫu thuật đã chuẩn bị từ trước nếu nó bị hủy bỏ vào phút chót.

Nếu bạn đang mắc một bệnh nhẹ trong khoảng 1 tuần trước khi phẫu thuật, hoặc bệnh mức độ từ vừa phải đến nặng trong 2 tuần trước khi phẫu thuật thì hãy thông báo cho bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức.

1 số vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến sự thay đổi kế hoạch phẫu thuật:
  • Nhiễm trùng: trong 1 hoặc 2 tuần trước khi phẫu thuật. Nhiễm trùng có nhiều dạng, từ nhẹ (nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da) cho đến nặng (nhiễm trùng huyết, viêm màng não). Nhiễm trùng nhỏ ít có khả năng làm thay đổi kế hoạch phẫu thuật, nhiễm trùng lớn có thể dẫn đến phẫu thuật được dời lại hoặc hủy bỏ cho đến khi có thông báo mới.
  • Cúm: 1 cơn cảm cúm có thể làm bạn khốn khổ và thường kéo dài trong vòng 1 tuần. Các biến chứng nghiêm trọng của bệnh cúm là khá hiếm, vì vậy hầu hết mọi bệnh nhân bị cúm sẽ có cuộc phẫu thuật được trì hoãn trong thời gian ngắn.
  • Khó thở: có thể dẫn đến sự chậm trễ hoặc hủy bỏ phẫu thuật. Những bệnh nhân được gây mê toàn thân có thể tăng nguy cơ bị khó thở bao gồm cả viêm phổi. Vì lý do đó, kiểm tra chức năng phổi là rất quan trọng và thường được thực hiện để đảm bảo rằng bệnh nhân vẫn thở như bình thường và giảm thiểu nguy cơ khó thở sau khi phẫu thuật. Các vấn đề hô hấp tạm thời như ho nặng, viêm phế quản, thở khò khè hoặc khó thở sẽ gây trì hoãn cuộc phẫu thuật cho đến khi vấn đề được giải quyết. 1 chẩn đoán mới về 1 bệnh hô hấp nặng có thể trì hoãn hoặc dẫn đến phải hủy bỏ cả cuộc phẫu thuật.
  • Tiểu đường: không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật. Nồng độ glucose cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm lành vết thương chậm và kéo dài thời gian phục hồi vết thương. Không kiểm soát được bệnh tiểu đường có thể gây hoãn phẫu thuật cho đến khi lượng đường huyết được kiểm soát tốt hơn.
  • Hen suyễn: không phải là một chống chỉ định cho phẫu thuật, nhưng sự gia tăng nghiêm trọng các triệu chứng hen suyễn ở những ngày hoặc tuần trước phẫu thuật có thể dẫn đến sự trì hoãn phẫu thuật cho đến khi vấn đề được cải thiện.
  • Nôn: thường gây chậm trễ phẫu thuật trừ khi phẫu thuật sẽ khắc phục được vấn đề gây ra nôn mửa. Ói mửa trong khi phẫu thuật có thể gây viêm phổi do hít phải, một biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật. Nôn sau phẫu thuật có thể làm tăng cơn đau trên cơ thể, tạo sức ép không cần thiết lên một số vết mổ và có thể làm cho sự phục hồi sức khỏe trở nên khó khăn.
  • Sốt: có thể khiến phẫu thuật bị hoãn lại, đặc biệt nếu sốt rất cao hoặc không tìm được nguyên nhân. Nhiệt độ cơ thể hơi tăng có thể không dẫn đến sự chậm trễ trong phẫu thuật, nhưng nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng sẽ phải trì hoãn phẫu thuật, đặc biệt là khi lý do sốt không xác định được.
  • Bệnh truyền nhiễm: như thủy đậu hoặc sởi, sẽ trì hoãn phẫu thuật cho đến khi bạn không còn bị nhiễm trừ khi phẫu thuật của bạn hoàn toàn không thể chờ đợi cho đến khi bệnh khỏi.

Thông tin thêm trong bài viết: Đối phó với chứng táo bón sau phẫu thuật

CTV Hồng Phúc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - theo Verywell
Bình luận
Tin mới
Xem thêm