Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn và cung cấp cho trẻ tất cả các dưỡng chất cần thiết giúp trẻ phát triển toàn diện. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ vẫn nên cho con bú trong đại dịch COVID-19. Cho trẻ bú mẹ sớm và kéo dài đến 6 tháng tuổi sẽ giúp bé phát triển toàn diện.
Có an toàn cho trẻ bú trong mùa dịch?
Sữa mẹ cung cấp các kháng thể giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng. Các kháng thể và các yếu tố hoạt tính sinh học trong sữa mẹ có thể chống lại sự lây nhiễm COVID-19, nếu em bé bị phơi nhiễm.
Nếu trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống thì nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Khi trẻ được hơn 6 tháng, hãy tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và ăn kèm các thực phẩm bổ sung an toàn và lành mạnh. Các loại thức ăn giúp bổ sung thêm cho sữa mẹ, chứ không hoàn toàn thay thế được sữa mẹ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng, do đó vẫn phải duy trì cho trẻ bú.
Trẻ có thể bị lây nhiễm COVID-19 khi bú sữa mẹ?
Mặc dù các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm việc lây nhiễm COVID-19 qua sữa mẹ ở nhiều quốc gia khác nhau từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19. Nhưng cho đến nay sự lây truyền của virus COVID-19 qua sữa mẹ và việc cho con bú vẫn chưa được xác định, do đó sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp trẻ tránh khỏi bệnh tật và tử vong.
Mẹ có nên cho trẻ bú nếu nghi ngờ bị COVID-19?
Mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú với những biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Mẹ vẫn tiếp tục cho con bú với các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và sát khuẩn tay bằng cồn trước và sau khi chạm vào em bé. Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bạn đã chạm vào. Khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy, khăn vải hoặc bằng khuỷu tay và rửa ngay sau đó.
Mẹ nên làm gì để cho trẻ bú nếu không khỏe?
Trong trường hợp mẹ cảm thấy mệt mỏi, hãy cung cấp sữa mẹ cho trẻ một cách an toàn bằng những cách khác. Nếu không thể cho trẻ bú trực tiếp thì có thể vắt sữa để cho trẻ uống. Lưu ý, trước khi vắt cũng phải rửa tay đúng cách. Vắt sữa mẹ cũng rất quan trọng để duy trì sản xuất sữa, vì vậy mẹ có thể cho con bú trở lại khi cảm thấy khỏe hơn. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp cải thiện sức khỏe của các bà mẹ.
Mẹ có nên cho con bú nếu trẻ bị ốm?
Nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ nếu trẻ bị ốm. Cho dù trẻ nhiễm COVID-19 hay mắc các vấn đề sức khỏe khác, mẹ vẫn nên tiếp tục Nuôi con bằng sữa mẹ. Điều này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ và các kháng thể trong sữa mẹ được truyền cho trẻ, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Mẹ nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa nào khi cho trẻ bú?
Mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình cho trẻ bú. Đeo khẩu trang khi cho trẻ bú, rửa tay đủ 6 bước bằng nước sạch và xà phòng trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ có thể chạm vào. Lau chùi thường xuyên các bề mặt mà bà mẹ và trẻ thường tiếp xúc quanh mình. Rửa sạch máy hút sữa, bình trữ sữa và dụng cụ cho con bú sau mỗi lần sử dụng.
Tham khảo thông tin tại bài viết: 16 lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.