Để tối ưu hóa lợi ích của cà phê, bạn nên chú ý tới thời điểm uống cà phê trong ngày:
Nên uống cà phê vào giữa buổi sáng
Nhiều người có thói quen uống một vài cốc cà phê ngay sau khi thức dậy. Tuy nhiên điều này lại có thể làm giảm tác dụng tăng năng lượng của cà phê. Nguyên nhân là bởi ngay sau khi thức dậy, nồng độ hormone cortisol trong cơ thể sẽ đạt mức cao nhất.
Hormone cortisol có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo, tập trung, đồng thời chúng cũng tham gia vào điều hòa quá trình trao đổi chất, phản ứng miễn dịch và điều hòa huyết áp.
Nồng độ hormone cortisol có thể thay đổi theo chu kỳ thức - ngủ của bạn. Theo đó, chúng sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 30 - 45 phút sau khi thức dậy và giảm dần trong ngày.
Do đó, thời điểm uống cà phê tốt nhất là khoảng giữa buổi sáng tới gần trưa, khi nồng độ cortisol trong cơ thể giảm dần. Nếu thức dậy vào lúc 6:30 sáng, bạn có thể uống cà phê trong khoảng 9:30 - 11.30 sáng để tăng năng lượng, cải thiện khả năng tập trung.
Thời điểm uống cà phê buổi sáng tốt nhất là từ khoảng giữa buổi sáng tới gần trưa
Không nên uống cà phê ngay khi thức dậy
Việc uống cà phê ngay khi thức dậy có thể làm tăng đáng kể nồng độ cortisol trong cơ thể. Nồng độ cortisol tăng cao trong khoảng thời gian dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm chậm trao đổi chất, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khó chịu như ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản.
Nên uống cà phê trước khi tập thể dục
Cà phê có chứa nhiều caffeine, do đó chúng có thể làm tăng sự tỉnh táo, tăng hiệu quả tập thể dục. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung caffeine có thể trì hoãn cảm giác mệt mỏi khi tập luyện, đồng thời giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp.
Tác dụng của caffeine tới hiệu quả tập luyện phụ thuộc nhiều vào thời điểm uống cà phê. Theo đó, bạn nên uống cà phê trong vòng 30 - 60 phút trước khi tập thể dục.
Để cải thiện hiệu quả tập luyện tốt nhất, các chuyên gia cho rằng một người trưởng thành có thể cần bổ sung 3 - 6mg caffeine/kg trọng lượng cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc một người nặng 68kg có thể cần bổ sung 200 - 400mg caffeine (tương đương với lượng caffeine trong 2 - 4 cốc cà phê).
Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc vì uống quá 4 cốc cà phê/ngày có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn (như lo lắng, bồn chồn, dễ kích động, nhịp tim nhanh), làm tăng nguy cơ “nghiện” caffeine.
Không nên uống cà phê quá gần giờ đi ngủ
Tác dụng kích thích của caffeine trong cà phê thường kéo dài 3 - 5 giờ, tùy thuộc vào từng người. Thêm vào đó, khoảng một nửa lượng caffeine bạn bổ sung sẽ vẫn còn lại trong cơ thể sau 5 giờ.
Do đó, uống cà phê quá gần giờ đi ngủ có thể khiến một số người thấy khó ngủ, làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn lo âu.
Để tránh nguy cơ bị mất ngủ, thiếu ngủ, bạn không nên uống cà phê trong vòng 6 giờ trước khi đi ngủ. Những người thường xuyên bị mất ngủ, rối loạn lo âu cũng nên cắt giảm lượng caffeine bằng cách tránh uống cà phê hoặc chuyển sang uống trà xanh với lượng caffeine ít hơn nhiều so với cà phê. Trà xanh cũng chứa nhiều L-theanine, một chất có khả năng giúp bạn thấy thư giãn, giảm căng thẳng tự nhiên.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Những ảnh hưởng của cà phê đến thận