Giống như nhiều loại hạt khác, lạc cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, protein, magne, phospho, calci và các dưỡng chất khác.
Do đó, không chỉ tốt cho người bệnh đái tháo đường, lạc còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao…
Lạc có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho người bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch...
Tại sao người bệnh đái tháo đường nên ăn lạc?
Người bệnh đái tháo đường thường được khuyên nên chọn thực phẩm có chỉ số chuyển hóa đường huyết thực phẩm (hay chỉ số GI) thấp để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Lạc có chỉ số GI thấp (13). Điều này có nghĩa chúng không khiến đường huyết tăng lên một cách quá nhanh chóng sau khi ăn.
Thêm vào đó, lạc có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng hiệu quả nhờ thành phần giàu chất xơ và protein. Theo một nghiên cứu năm 2013, thêm lạc vào chế độ ăn uống thường ngày có thể giúp những người phụ nữ bị thừa cân, béo phì kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn, từ đó kiểm soát nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường type 2.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Nutrition (Anh) cho thấy, ăn lạc hoặc bơ lạc (bơ đậu phộng) trong bữa sáng có thể giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt hơn trong suốt cả ngày. Nguyên nhân có thể do lạc chứa hàm lượng cao magne - một dưỡng chất giúp duy trì đường huyết ở mức ổn định.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn lạc thế nào?
Bạn có thể thêm lạc vào các món canh, salad, kết hợp cùng các loại rau củ, trái cây khác để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, do lạc có hàm lượng calorie khá cao, người bệnh đái tháo đường không nên ăn quá một nắm lạc/ngày. Ăn quá nhiều lạc có thể gây táo bón, khiến bạn tăng cân khó kiểm soát.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Bơ đậu phộng giúp phòng bệnh đái tháo đường type 2?