Khí xì hơi có thể đi ra bằng đường mũi, miệng nếu bị nhịn quá mức
Xì hơi hay trung tiện (đánh rắm) là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường được gây ra bởi 2 nguyên nhân chính:
- Thức ăn chưa tiêu hoá hết ở dạ dày, đi xuống ruột già và được các vi khuẩn tại đây phân huỷ cho ra những chất khí “bốc mùi”.
- Không khí thông qua quá trình nhai nuốt thức ăn hoặc nói chuyện đi vào cơ thể và bị tích tụ lại. Lúc này chúng cần được giải phóng để thoát ra ngoài.
Trừ những trường hợp bất khả kháng, bạn đừng quá kiềm chế việc “xì hơi” vì lượng khí thoát ra khi đó là không khí bị mắc kẹt trong cơ thể. Thế nên, dù bạn cố nhịn đến mức nào, không sớm thì muộn, nó cũng sẽ thoát ra. Và khi đó, mùi lẫn “âm lượng” sẽ trở nên kinh khủng hơn. Ngoài ra, cố gắng kìm nén quá mức còn dẫn đến việc đầy bụng và dạ dày khó chịu. Vì thế, tốt hơn cả là bạn hãy để khí thoát ra nhẹ nhàng khi vừa có dấu hiệu. Khí thoát ra theo đường tự nhiên là cách tốt nhất cho đường tiêu hóa của bạn.
GS Clare Collins cho biết: “Nếu không thoát theo con đường tự nhiên, khí tích tụ lại ở đường ruột có thể làm căng cơ bụng, một lượng khí sẽ bị tái hấp thụ vào hệ tuần hoàn và thoát ra qua hơi thở từ mũi và miệng của bạn”.
Trung bình mỗi ngày, con người thải khí khoảng 20 lần. Đây được xem là tình trạng sức khoẻ bình thường, bạn không cần lo lắng. Tuy nhiên nếu gặp một số dấu hiệu nghiêm trọng hơn như trung tiện kèm theo tiêu chảy, giảm cân ngoài ý muốn, đau bụng, chảy máu, hoặc nôn mửa, có thể bạn đang bị viêm loét đại tràng, bệnh Celiac đường ruột, tiêu chảy cấp. Lúc này, bạn nên đến bệnh viện để khám chữa, tìm đúng nguyên nhân.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tại sao bạn xì hơi lại có mùi?