1. Sự khác nhau giữa men tiêu hóa và men vi sinh
Nhiều người bị rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân sống… thường nghĩ đến việc bổ sung men tiêu hóa, men vi sinh, và họ nhầm lẫn 2 khái niệm này. Vậy loại men này khác nhau thế nào ạ?
Hai loại men này khác nhau hoàn toàn nhưng vì đều liên quan đến chức năng hệ tiêu hóa nên dễ nhầm lẫn.
Theo kiến thức hóa học, một phản ứng xảy ra phải có điều kiện nhiệt độ hoặc chất xúc tác. Men tiêu hóa (enzym) là chất xúc tác để phản ứng hóa học xảy ra. Vậy tại sao không gọi là chất xúc tác mà phải gọi là men tiêu hóa. Chúng ta ăn rất nhiều thứ như thịt, cá, trái cây, rượu bia,... Khi thức ăn đi vào dạ dày sẽ được nhào trộn, axit trong dạ dày sẽ phá hủy một số chất, những chất khác sẽ được cơ thể phản ứng thành những chất nhỏ bé (bột, đường, đạm).
Quá trình nhào trộn thức ăn trong dạ dày chỉ làm thay đổi tính chất vật lý của thức ăn mà không làm thay đổi tính chất hóa học. Do đó, phải có phản ứng hóa học để biến đổi thức ăn thành những phân tử nhỏ cho cơ thể sử dụng. Quá trình phản ứng cần có chất xúc tác, gọi là men. Mục đích của chất xúc tác này là để tiêu hóa thức ăn nên gọi là men tiêu hóa. Men tiêu hóa do tuyến tụy (lá mía) tiết ra.
Men vi sinh là thuật ngữ được gọi trong dân gian và dễ gây nhầm lẫn với men tiêu hóa, tên gọi hay nhất là lợi khuẩn. Lợi khuẩn là vi khuẩn, vi trùng có lợi. Chúng ta hay nghĩ vi trùng là loại gây bệnh, tuy nhiên, vi trùng cũng giống như cộng đồng người, vẫn có vi trùng tốt, vi trùng xấu.
Trong cơ thể chúng ta (đường sinh dục nữ, ruột non, ruột già,...) luôn có cộng đồng vi khuẩn sống cùng, giống như mỗi người sống trong cộng đồng phải có nam, nữ, nhiều người làm nhiều nghề khác nhau. Cộng đồng vi khuẩn tập trung nhiều nhất là ở ruột.
Trước đây, người ta rất ít quan tâm về vấn đề này. Nhưng hàng triệu năm trước ông bà ta đã biết dùng cộng đồng vi khuẩn có lợi để lên men làm giấm, muối dưa chua, củ kiệu, dưa giá, dưa món, nem chua để làm thức ăn ngon hơn. Chúng ta hay nói làm yaourt nhưng phải có hủ cái mới làm được. Hủ cái nghĩa là cộng đồng vi khuẩn tốt. Những nơi bán yaourt ngon là vì họ chọn lọc được những lợi khuẩn tốt, tạo năng suất lên men tốt.
Lợi khuẩn sống trong hệ tiêu hóa và giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, chống táo bón, đầy hơi và kích thích miễn dịch của cơ thể, giảm tình trạng kém hấp thu. Do đó ông bà mình ngày xưa có câu nói rất hay “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, ăn thịt mỡ nhiều quá phải có thêm dưa hành mới ngon, nhiều lợi khuẩn đi vào cơ thể giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Men vi sinh đổi thành lợi khuẩn thì hợp lý hơn.
Men tiêu hóa và men vi sinh đều có chung mục đích là giúp cho hệ tiêu hóa tốt hơn.
2. Tác hại của dùng men tiêu hóa, men vi sinh lâu dài
Men tiêu hóa, men vi sinh nếu uống lâu dài có tác hại gì, thưa BS?
Men tiêu hóa thường nằm trong thuốc kê toa, bác sĩ kê toa mới dùng được. Bởi vì chỉ có những người cắt bỏ tuyến tụy vì ung thư hay viêm mãn tính thì mới bị thiếu men trầm trọng. Nếu cơ thể bình thường nhưng bổ sung thường xuyên men tiêu hóa thì cơ thể chúng ta sẽ giống như đứa con nít. Khi chúng ta ăn thức ăn vào cơ thể sẽ kích thích tuyến tụy hoạt động. Chúng ta uống men tiêu hóa thường xuyên sẽ khiến cho tuyến tụy “lười” hoạt động, lâu dài sẽ khiến cơ thể phụ thuộc vào men tiêu hóa.
Men vi sinh là lợi khuẩn, được sử dụng mà không nhất thiết phải có sự kê toa của bác sĩ. Tuy nhiên, với người già, trẻ sơ sinh, người đang suy kiệt nặng nếu dùng men vi sinh thường xuyên và lâu dài sẽ gây ra phản ứng ngược. Tức là khi cơ thể suy yếu nhưng bổ sung lợi khuẩn quá nhiều thì sẽ gây ra nhiễm trùng nặng hơn. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý những điều này.
3. Cách cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột
Theo BS, để có được hệ vi khuẩn đường ruột hoạt động cân bằng, chúng ta nên làm gì ạ?
Nhiều quá cũng không được, ít quá cũng không xong. Giống như chuyện tình yêu, không yêu thì mệt, còn yêu say đắm, đau khổ vì tình thì cũng không xong.
Men tiêu hóa là thuốc kê toa, cho nên chúng ta không nên tự ý mua về uống mà phải có chỉ định của bác sĩ. Men vi sinh thì được dùng mà không cần theo toa của bác sĩ.
Để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, chúng ta ăn uống đa dạng gồm đạm, bột đường, chất béo, chất xơ. Chúng ta nên ăn đa dạng món ăn, ăn uống điều độ, đúng giờ sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh.
Thói quen dùng thuốc kháng sinh bừa bãi là một trong những yếu tố làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột. Do đó, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi cần thiết. Tôi rất hạn chế và cẩn thận khi chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh. Ngoài việc gây rối loạn vi khuẩn đường ruột, kháng sinh còn làm mất sức đề kháng của cơ thể.
Tránh thức khuya, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, và không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sự thật thú vị về các vi sinh vật đường ruột.