Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Luyện tập trí óc cho người cao tuổi

Giống như cơ thể, não bộ cần luyện tập thường xuyên ngay từ khi bạn còn trẻ hoặc mới bước vào tuổi trung niên, đặc biệt là trong giai đoạn lão hóa. Khi bắt đầu bước vào độ tuổi trên 65 tuổi, nguy cơ bạn bị sa sút trí tuệ sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 5 năm tuổi thọ.

Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh, đó là một Hội chứng xảy ra do tế bào não bị tổn hại ảnh hưởng đến trí nhớ, nhân cách và khả năng đưa ra quyết định. Não hư tổn có thể xảy ra do chấn thương đầu, đột quỵ hoặc những bệnh như Alzheimer. Các bệnh khác, chẳng hạn tiểu đường tuýp 2 không được kiểm soát, có thể gây ra các thể khác của sa sút trí tuệ (vascular dementia – sa sút trí tuệ mạch máu), xảy ra do máu cung cấp cho não không đủ. 

Trong khi một số thể sa sút trí tuệ không thể chữa trị và các tổn hại của não không thể phục hồi, các nghiên cứu cho thấy duy trì hoạt động trí tuệ của não bộ cùng với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện thể lực có thể dự phòng được nguy cơ. Cũng giống tập luyện thể lực, bạn càng tập luyện cho não sớm thì càng tốt.

Làm thế nào để cải thiện sức khỏe não bộ

Nếu bạn khỏe mạnh và dưới 65 tuổi, không mắc bệnh liên quan sa sút trí tuệ hoặc đột quỵ, chấn thương đầu, thì kích thích não bộ với các hoạt động và trò chơi có thể giúp trí óc minh mẫn sau này rất hiệu quả. Nếu bạn đang có triệu chứng sa sút trí tuệ, các trò chơi não bộ và hoạt động dùng đến trí óc chỉ có thể giúp ích phần nào.

Chơi các trò chơi trí tuệ để rèn luyện trí óc
Có nhiều cách để tập luyện cho trí óc của bạn bằng các trò chơi. Bạn có thể thử vô số trò chơi trực tuyến và ứng dụng để chơi qua máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng, miễn phí hoặc trả phí. Bạn cũng đừng quên lợi ích của những trò chơi như cờ vua, cờ tướng, trò ghép hình hoặc ghép tranh. Các trò chơi trí tuệ khác, chẳng hạn Sudoku và giải ô chữ, cũng đầy tính thách thức không kém, có thể tìm thấy ở báo giấy hoặc ngay trên điện thoại, máy tính.  

Để tăng cường và rèn luyện cho trí óc, hãy tìm những trò chơi, ứng dụng có khả năng cải thiện trí nhớ ngắn hạn, khả năng nghe, tập trung, chú ý, ngôn ngữ, logic, phản xạ, phối hợp tay-mắt, xếp chữ cái, khả năng thị giác và các khả năng đặc biệt khác.

Cân nhắc đưa các hoạt động luyện trí óc vào cuộc sống thường ngày

Bạn có thể rèn luyện trí nhớ và độ linh hoạt của trí óc ngay trong khi làm các công việc, hoạt động thường ngày, ví dụ như:

  • Viết một danh sách việc cần làm và tập ghi nhớ càng nhiều càng nhớ.
  • Nghe một bài hát mới và viết lại một phần lời bài hát.
  • Vẽ một bản đồ từ nhà đến thư viện hoặc một nơi nào đó. Tập ghi nhớ đường đi và các mốc chỉ dẫn.
  • Nghiên cứu một chủ đề mới, thử học một ngôn ngữ mới hoặc viết, đọc về một chủ đề mới.

Hãy thử các phương pháp thách thức não bộ khác, bao gồm:

  • Thay đổi cách bạn thực hiện một việc gì đó. Nếu bạn hay khuấy cà phê bằng tay phải, thử thay đổi bằng tay trái.
  • Đọc sách hướng dẫn, sau đó hãy thực hành theo hướng dẫn, ví dụ nấu ăn hoặc làm vườn.
  • Học một ngoại ngữ mới.
  • Làm đồ thủ công hoặc thử một sở thích mới.
  • Học chơi một nhạc cụ.
  • Tham gia một lớp sinh hoạt hay câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích ở địa phương.

Điều chỉnh lối sống lành mạnh

Điều quan trọng nhất là bạn hãy thay đổi để có một lối sống lành mạnh vì đây là gốc rễ để hạn chế nguy cơ của sa sút trí tuệ. Dưới đây là những điều bạn nên làm:

  • Giữ cân nặng hợp lý và ăn điều độ.
  • Luôn năng động với các bài tập thể lực.
  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Cố gắng hết sức tránh các chấn thương trong cuộc sống hàng ngày như ngã, tai nạn...
  • Giảm căng thẳng nhiều nhất có thể.
  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ để kiểm soát và điều trị các bệnh tật hiện có.
  • Duy trì đời sống xã hội tích cực, thường xuyên dành thời gian với bạn bè, làm công việc tình nguyện hoặc tham gia câu lạc bộ.

Những gợi ý để thực hiện

Tập luyện não bộ và thay đổi lối sống có thể khó khăn hơn bạn nghĩ. Đừng cố gắng thay đổi thói quen đột ngột mà hãy bắt đầu từ từ bằng việc chọn một trò chơi. Nếu bạn có thể chơi thêm một trò khác thì càng tốt. Nếu bạn cảm thấy chán trò này, hãy thay đổi trò khác. Không bỏ cuộc.

Bạn cũng nên thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn luôn chải răng sau đó chải tóc, thử thay đổi ngược lại. Hãy làm tương tự với việc thay đổi lối sống lành mạnh. Thay đổi đồ ăn rán bằng đồ ăn bỏ lò, thêm 5 phút vào thời gian tập thể dục mỗi ngày, đặt lịch khám và sàng lọc bệnh, và hẹn đi chơi với bạn bè.

Không may, không thể đảm bảo rằng tập luyện trí óc và thay đổi lối sống có thể phòng ngừa tất cả các thể sa sút trí tuệ và cũng không chữa khỏi một số bệnh như Alzheimer. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ hoặc làm chậm lại quá trình này. Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ liên quan đến một bệnh nào đó (ví dụ tiểu đường tuýp 2 có thể được giảm thiểu bằng việc kiểm soát bệnh với việc dùng thuốc đúng liều, đúng chỉ định và lối sống lành mạnh.

Một số thuốc và bệnh trầm cảm có thể liên quan đến mất trí nhớ. Do vậy, nếu có biểu hiện sa sút trí tuệ và đang điều trị một bệnh nào đó, hãy thông báo những nghi ngờ, lo lắng của bạn cho bác sỹ để có những điều chỉnh phù hợp.

Thông thường, bản thân người bệnh khó để tự nhận ra chứng sa sút trí tuệ. Những người trong gia đình hoặc bạn thân sẽ nhận ra điều đó và đây chính là người trợ giúp hữu hiệu cho bạn.

Khi nào nên gặp bác sĩ

Thỉnh thoảng bị đãng trí thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, đãng trí liên quan đến sa sút trí tuệ sẽ tồi tệ dần theo thời gian và tiến triển nhanh. Các dấu hiệu một người đang bị sa sút trí tuệ có thể bao gồm:

  • Mất trí nhớ về những sự kiện hoặc thông tin gần đây. Dấu hiệu dễ nhận thấy sớm nhất là người bệnh lặp đi lặp lại một câu hỏi và không thể nhớ câu trả lời.
  • Quên cách thực hiện một công việc quen thuộc như lái xe, nấu nướng hoặc tắm, vệ sinh thân thể.
  • Có vấn đề ngôn ngữ, chẳng hạn không dùng từ đúng hoặc lúng túng khi thể hiện yêu cầu.
  • Không nhớ làm thế nào để đến một nơi quen thuộc hoặc quá trình đi tới đó.
  • Nhận thức suy giảm về những thứ đơn giản, chẳng hạn mỗi chân đi một giày khác nhau.
  • Không có khả năng nghĩ theo hướng trừu tượng, chẳng hạn hiểu về mục đích của đồng tiền.
  • Mất đồ vật và tìm thấy ở nơi khác lạ, chẳng hạn cho quần áo vào tủ lạnh.
  • Thay đổi tâm trạng và nhân cách, từ người vui tính trở nên giận dữ, thô lỗ, hoặc người tự tin trở nên sợ sệt, hoài nghi.
  • Mất hứng thú với các hoạt động, chẳng hạn các hoạt động yêu thích trước đây hay việc dành thời gian với bạn bè hoặc gia đình.
  • Khó khăn trong việc lựa chọn hay quyết định một vấn đề gì.

Khi bạn nhận ra hoặc được người thân nhận ra những dấu hiệu này, hãy đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt.

Câu hỏi đặt ra cho bác sĩ

  • Tôi nên dành thời gian chơi luyện tập não bộ bao nhiêu tiếng một ngày?
  • Tôi có nên lo lắng khi không đạt kết quả cao trong trò chơi trí não không? Đó có phải là dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ không?
  • Tôi thấy mệt mỏi sau khi chơi trò chơi, điều đó có nghĩa là gì?
  • Làm thể nào để thấy sự khác biệt sau khi chơi trò chơi trí não?
  • Chơi trò chơi trí não một mình hay với người khác thì tốt hơn?

Hãy lưu ý, bất kỳ điều gì khiến bạn băn khoăn, hãy trao đổi với bác sỹ để nhận được lời khuyên tốt nhất.

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 18/09/2024

    Mỗi phút tiếp xúc ánh sáng xanh phá hủy hàng triệu tế bào nhãn cầu

    Công nghệ xâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống khiến hầu hết trẻ em ngày nay dành hàng giờ liền trước các thiết bị số như điện thoại, tivi và máy tính bảng.

  • 18/09/2024

    Nên bắt đầu cho trẻ tập luyện thể thao như thế nào?

    Bất cứ độ tuổi nào cũng cần tập luyện thể thao vì tập luyện thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Trẻ em có thể bắt đầu tập luyện thể thao từ rất sớm để hình thành thói quen tập luyện hàng ngày cho trẻ.

  • 17/09/2024

    Ngủ 6 tiếng mỗi ngày có được coi là đủ?

    Việc cắt bớt thời gian ngủ có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

  • 17/09/2024

    Giải mã những hiểu lầm về Vitamin K2

    Vitamin K2, còn được gọi là menaquinone, là một loại vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương và tim mạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu lầm xung quanh tác dụng của vitamin này.

  • 16/09/2024

    Làm thế nào để tăng cường khả năng ghi nhớ?

    Việc mắc kẹt trong thói quen lặp đi lặp lại có thể khiến chức năng nhận thức, ghi nhớ bị suy giảm.

  • 16/09/2024

    7 cách phòng ngừa tăng huyết áp

    Huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận, cùng nhiều nguy cơ sức khỏe khác.

  • 15/09/2024

    5 thói quen làm suy yếu hệ miễn dịch

    Một số thói quen tưởng chừng lành mạnh lại có thể âm thầm làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng xấu tới sức đề kháng và sức khỏe nói chung.

  • 15/09/2024

    Bổ sung vitamin K đúng cách cho trẻ em

    Vitamin K, cùng với các vitamin A, D, E là các vitamin tan trong dầu, đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe trẻ em. Nếu như đối với các vitamin khác, hầu hết phụ huynh đều có ý thức bổ sung cho trẻ thông qua chế độ ăn và sử dụng các loại thực phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ, thì với vitamin K, đặc biệt là vitamin K2, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn về việc có nên bổ sung vitamin K cho trẻ hay không và bổ sung như thế nào cho hợp lý?

Xem thêm