Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lần đầu làm cha mẹ - Phần 2

Những người lần đầu làm cha mẹ không thể tránh khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp và lo lắng. Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp các ông bố bà mẹ cảm thấy tự tin hơn khi chăm sóc em bé sơ sinh.

Vệ sinh cơ thể cho bé

Khi vệ sinh cho bé bạn cần chú ý:

  • Vùng rốn của bé: cuống rốn đã rụng chưa? rốn có bị nhiễm trùng hoặc sưng đỏ, chảy nước hay không?
  • Vùng kín của bé gái có bị sưng, chảy dịch hay không? Bộ phận sinh dục và bao quy đầu của bé trai có đỏ, sưng hay có gì bất thường không?

Trong 1 -4 tuần sau khi sinh, tùy điều kiện thời tiết và sức khỏe của bé, nên vệ sinh cho bé khoảng 3 lần mỗi tuần hoặc hàng ngày. Khi bé mới sinh nên sử dụng khăn mềm, thấm ướt bằng nước ấm để vệ sinh người cho bé trước khi tắm bé trong bồn tắm hoặc chậu tắm.

Khi bé đã sẵn sàng tắm trong bồn hoặc chậu tắm riêng, hãy chuẩn bị những thứ dưới đây để tắm cho bé:

  • Bồn tắm hoặc chậu tắm riêng cho em bé, được vệ sinh sạch sẽ, an toàn
  • Xà phòng hoặc sữa tắm nhẹ không mùi dành riêng cho trẻ sơ sinh
  • Nếu bạn dùng thảo dược để tắm cho bé, hãy lưu ý thảo dược phải đảm bảo an toàn, sạch, nên nấu thảo dược trước và để nguội bằng nhiệt độ khoảng 37 độ C 
  • Khăn tắm mềm và sạch để dùng khi tắm bé. 
  • Khăn lau mềm, khô và sạch, tăm bông, bông gòn sạch...
  • Bỉm, tã sạch
  • Quần áo khô, sạch

Hãy lưu ý cách tắm cho bé như sau:

  • Đặt chậu tắm trên bề mặt bằng phẳng chắc chắn, ở trong phòng ấm và kín gió.
  • Mực nước trong bồn hoặc chậu tắm bé chỉ nên cao khoảng 5-7 cm. Kiểmtra trước nhiệt độ của nước đảm bảo nước không quá nóng hoặc quá lạnh. Luôn sử dụng mặt trong khuỷu tay hoặc cổ tay của chính bạn hoặc sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ để kiểm tra nhiệt độ của nước tắm. Thông thường, nhiệt độ khoảng 37 độ C là phù hợp cho các bé sơ sinh.
  • Cởi quần áo, tã, bỉm và cuốn bé trong khăn.
  • Đầu tiên, sử dụng một khăn mềm sạch nhúng nước ấm (không có xà phòng) để vệ sinh một mắt của bé, lau nhẹ nhàng từ trong ra ngoài khóe mắt. Sử dụng một khăn sạch khác để vệ sinh mắt còn lại. Sau đó dùng khăn ẩm hoặc bông gòn hoặc tăm bông để vệ sinh mũi và tai. Làm ẩm khăn với nước có xà phòng hoặc sữa tắm để lau các phần còn lại trên mặt bé một cách nhẹ nhàng.
  • Lần lượt bộc lộ từng phần cơ thể của bé như 2 cánh tay, ngực, lưng mông, chân. Dùng khăn mềm, thấm nước với dầu tắm hoặc nước tắm để lau nhẹ nhàng từng phần cơ thể của bé. Nhẹ nhàng và từ từ cho từng phàn cơ thể bé tiếp xúc với nước trong chậu tắm.
  • Sau khi tắm xong hãy quấn bé ngay trong chiếc khăn khô sạch để bé không bị lạnh.

Chăm sóc rốn

Chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh cũng rất quan trọng. Cuống rốn thường khô và rụng trong vòng 7 – 20 ngày sau sinh. Bạn không nên ngâm khu vực rốn trong nước khi mà rốn chưa rụng và lành vết thương.

Bạn cần giữ vệ sinh khu vực rốn của bé để tránh nhiễm trùng. vệ sinh sạch sẽ rốn bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát trùng theo chỉ định của bác sỹ. Lưu ý chỉ lau, rửa cùng xung quanh rốn.

Cuống rốn sẽ thay đổi màu từ vàng – nâu – đen trước khi rụng, hãy theo dõi quá trình này, nếu bạn thấy khu vực này sưng đỏ, chảy dịch hay có gì bất thường hãy báo ngay cho bác sĩ.

Ngủ

Lần đầu làm cha mẹ có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bé ngủ hơn 16 giờ mỗi ngày. Bé thường ngủ theo các chu kì ngắn từ 2-4 giờ suốt cả ngày lẫn đêm. Đừng kì vọng trẻ sẽ ngủ suốt đêm bởi vì hệ thống tiêu hóa của bé còn nhỏ và cần được ăn mỗi vài giờ. Bạn nên đánh thức bé dậy ăn nếu bé đã ngủ liên tục được 4 giờ.

Thông thường trẻ sẽ ngủ suốt đêm (6 - 8 giờ) khi được 3 tháng tuổi. Cũng giống như người lớn trẻ cần thời gian để hoàn thiện chu kì ngủ, nếu bé vẫn khỏe mạnh và tăng cân đều thì bạn không cần quá lo lắng khi trẻ không ngủ suốt đêm dù đã được 3 tháng tuổi.

Một điều quan trọng bạn cần nhớ là giữ cho trẻ nằm ngửa trong khi ngủ để giảm nguy cơ mắc hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS). Qui tắc an toàn giấc ngủ khác cho trẻ là không sử dụng chăn, gối, đệm mềm… để kê chỗ trẻ nằm vì làm tăng nguy cơ ngạt thở. Bạn cũng có thể thay đổi tư thế đầu của bé khi ngủ để tránh đầu của bé bị méo.

Rất nhiều trẻ sơ sinh có thời gian ngày và đêm đảo lộn. Bé thường thức và quấy vào ban đêm trong khi ngủ ngon suốt cả ngày. Hãy hạn chế các kích thích vào ban đêm khiến bé khó ngủ: ví dụ như sử dụng đèn ngủ hay giữ cường độ sáng ở mức thấp. Khi bé thức dậy vào ban ngày, hãy chơi và nói chuyện cùng bé nhiều hơn để giúp bé ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Cho bé ăn

Cho dù bé bú sữa mẹ hay sử dụng sữa công thức thì khuyến nghị chung là trẻ cần được bú theo nhu cầu bất cứ khi nào cảm thấy đói. Bé cần bú sau mỗi 2-3 giờ. Bé thường quấy khóc, đưa tay lên miệng khi đói.

Nếu cho con bú sữa mẹ, hãy đảm bảo bé bú từ 10-15 phút mỗi bầu vú. Nếu sử dụng sữa công thức, bé sẽ bú khoảng 60-90 ml mỗi lần ăn. Dạ dày của trẻ sơ sinh sẽ lớn dần và số lượng sữa đủ với mỗi bé và trong từng khoảng thời gian khác nhau sẽ rất khác nhau.

Một số trẻ cần được ba mẹ đánh thức sau mỗi vài giờ để ăn. Hãy báo cho bác sĩ khi bạn thường xuyên phải đánh thức bé dậy ăn hay khi trẻ không có phản xạ bú hay đòi ăn.

Các bà mẹ sử dụng sữa công thức có thể dễ dàng trong việc kiểm soát lượng sữa trẻ ăn, tuy nhiên điều này khó khăn hơn với các bà mẹ cho con bú. Làm thế nào để biết trẻ đã nhận đủ sữa mẹ? Thông thường bé sẽ cần thay 6 lần tã bỉm một ngày, bé ngủ tốt và tăng cân đều đó là những dấu hiệu chứng tỏ bé đã ăn đủ. Một cách khác là chú ý đến kích thước bầu vú trước và sau khi cho bé bú xem bầu vú đã nhỏ đi sau khi bé bú chưa.

Bé thường nuốt không khí trong khi bú, điều này có thể làm bé bị nấc. Ngoài ra do cấu trúc dạ dày nằm ngang nên bé dễ bị trớ. Sau khi bé ăn, hãy giữ đầu của bé cao hơn ngực, lưng thẳng và vuốt nhẹ lưng để bé ợ hơi. Không nên rung lắc hoặc bế trẻ nằm ngàng sau ăn khoảng 10-15 phút.

Mặc dù chăm sóc một em bé sơ sinh không dễ dàng nhưng trong một vài tuần bạn sẽ quen dần và trở thành những ông bố bà mẹ ‘’pro’’. Nếu có bất kì thắc mắc nào đừng ngần ngại xin ý kiến của bác sĩ để bé yêu được phát triển tốt nhất.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Lần đầu làm cha mẹ - Phần 1

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Kidshealth
Bình luận
Tin mới
  • 18/07/2025

    5 loại thực phẩm giúp ngăn ngừa loãng xương

    Để hạn chế tình trạng loãng xương cơ thể cần cung cấp đủ vitamin D và canxi theo nhu cầu của từng lứa tuổi qua chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng và giàu canxi.

  • 18/07/2025

    Ô nhiễm không khí và nguy cơ với sức khỏe, những giải pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

    Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ nhỏ đang ở giai đoạn phát triển thể chất và thần kinh lại là nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất.

  • 17/07/2025

    3 tác dụng phụ của quả vải và lưu ý khi ăn vải

    Quả vải tuy ngon miệng và bổ dưỡng nhưng cũng cần đi lưu ý một số điều khi ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là với một số đối tượng.

  • 17/07/2025

    Nhiệt độ thời tiết ảnh hưởng thế nào tới tâm trạng của bạn?

    Thời tiết thất thường có khiến bạn cảm thấy khó chịu. Trời mưa bạn sẽ cảm thấy buồn chán còn trời nắng bạn sẽ cảm thấy vui tươi hơn. Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao cảm xúc của bạn luôn thay đổi khi thời tiết thay đổi hay chưa? Đặc biệt là vào lúc giao mùa? Vậy hãy cùng Viện Y học ứng dụng tìm hiểu thêm với bài viết dưới đây

  • 16/07/2025

    Ăn rau quả nhiều màu sắc có lợi gì cho sức khỏe?

    Ăn rau quả nhiều màu sắc hay còn gọi là 'ăn cầu vồng' không chỉ đơn giản là cách trang trí món ăn hấp dẫn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

  • 16/07/2025

    Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ: Những dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua

    Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dengue gây ra, lây lan chủ yếu qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti. Mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trẻ nhỏ lại là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch còn non yếu.

  • 15/07/2025

    Các hoạt động thể thao dưới nước phù hợp cho người cao tuổi trong mùa hè

    Mùa hè với những ngày nắng nóng kéo dài không chỉ là thời điểm để thư giãn mà còn là cơ hội tuyệt vời để người cao tuổi tham gia các hoạt động thể thao dưới nước. Đây là hình thức vận động nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên cơ thể, đồng thời mang lại nhiều lợi ích sức khỏe vượt trội.

  • 14/07/2025

    Bài tập tốt nhất cho chứng đau thắt lưng

    Đau thắt lưng là một trải nghiệm phổ biến đối với nhiều người. Nó thường có thể dẫn đến đau, ngứa ran hoặc tê ở phần thân dưới. Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng, phổ biến nhất bao gồm căng cơ, tư thế xấu và tuổi tác.

Xem thêm