Sự thành công của cuộc mổ tùy thuộc một phần lớn vào chăm sóc sau mổ. Giai đoạn sau mổ là giai đoạn có nhiều rối loạn về sinh lý bao gồm các biến chứng về hô hấp, tuần hoàn, kích thích, đau, rối loạn chức năng thận, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ…gây ra do gây mê hoặc do phẫu thuật. Điều quan trọng trong giai đoạn này là không bao giờ được để bệnh nhân chưa tỉnh thuốc mê nằm một mình.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và gia đình người bệnh. Nhân viên y tế phải có trình độ và được đào tạo chuyên sâu, bên cạnh đó gia đình bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn một số theo dõi cần thiết để phòng và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân.
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ trải qua các giai đoạn sau :
1.Tại phòng hồi tỉnh: Thời gian kéo dài khoảng từ 2-4h sau mổ. Thời gian này bệnh nhi trong giai đoạn thoát mê, vì vậy các chức năng sống đang ở giai đoạn hồi phục dần cả về ý thức, tinh thần, vận động, cảm giác cho tới chức năng hô hấp và tuần hoàn.
- Thần kinh : Bệnh nhi có thể đang ngủ sâu, hoặc chưa tỉnh còn lơ mơ thời gian có thể từ 15-30p, có một số bệnh nhi thoát mê sớm hơn thì thường ở trạng thái kích thích, quấy khóc, chưa ý thức được hành động của mình, chân tay tê và khó cử động đặc biệt là hai chi dưới.
- Hô hấp: Hoạt động của cơ hô hấp được khôi phục tuy nhiên còn yếu hoặc một số do tác dụng phụ của thuốc gây mê dẫn đến tình trạng bệnh nhân thở khó, có thể có hiện tượng thở chậm hoặc nhanh nông, các cơ hô hấp co kéo mạnh, thở có tiếng rít hoặc rên, môi bệnh nhân tím tái hoặc nhợt.
- Tuần hoàn: Thường bệnh nhi bị mất máu, dịch trong mổ dẫn đến tình trạng giảm thể tích tuần hoàn, một phần do tác dụng của thuốc gây mê dẫn đến tình trạng rối loạn vận mạch. Trên lâm sàng thường thấy da xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt, đầu chi kém hồng. Mạch thường tăng và huyết áp giảm.
- Thân nhiệt: Thường có dấu hiệu hạ thân nhiệt trong giai đoạn hồi tỉnh, nhiệt độ dao động thường trong khoảng 36 ± 0.2 độ, sau đó có tăng dần lên nhiệt độ bình thường, có một số bệnh nhân sốt ngay sau mổ.
- Một số dấu hiệu cần lưu ý khác là trẻ có thể có dấu hiệu run cơ: toàn thân trẻ run lên như khi trẻ nhiễm lạnh, khi trẻ tỉnh dậy trẻ ngứa quanh mắt, mũi nên hay cho tay lên dụi mắt, mũi.Cảm giác đau của trẻ cũng bắt đầu xuất hiện tùy vào ngưỡng đau của từng trẻ.Đối với trường hợp gây tê tủy sống trẻ thường bị nôn trớ và bí tiểu.
Các vấn đề người nhà bệnh nhi cần chú ý trong giai đoạn này bao gồm :
- Theo dõi sát dấu hiệu chức năng sống của trẻ: cần theo dõi màu sắc da, môi, nếu thấy nhợt nhạt hoặc tím đó là dấu hiệu thiếu oxy máu. Nhìn di động của lồng ngực xem lồng ngực có di động không, có hiện tượng thở mạnh gây co kéo các cơ vùng ngực cổ,hoặc nghe có tiếng thở rên, rít đều là biểu hiện của trường thở gắng sức cần báo ngay với nhân viên y tế. Chú ý tư thế của trẻ ở thời điểm này cần nằm ngửa đầu (kê gối dưới vai), đầu nghiêng sang một bên tránh hiện tượng nôn trào ngược vào đường hô hấp.
- Kiểm tra đầu chi hoặc gan bàn tay xem có nhợt nhạt không, nếu trẻ có dẫn lưu cần xem màu sắc dẫn lưu thông thường màu hồng nhạt, nếu có máu đỏ tươi hoặc chảy với tốc độ mạnh hoặc số lượng nhiều là hiện tượng chảy máu trong rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi do giảm khối lượng tuần hoàn, cần báo ngay.Chú ý giữ chân tay trẻ, tránh để hiện tượng trẻ đang ở trạng thái kích thích hoặc lơ mơ dùng tay co kéo dẫn lưu hoặc vận động quá mạnh gây chảy máu hoặc tuột dẫn lưu.
- Bên cạnh đó cũng cần chủ động phục hồi ý thức, cảm giác và vận động của trẻ: khoảng 15-30 p sau khi ra phòng hồi tỉnh cần gọi hỏi kích thích nhẹ để trẻ sớm phục hồi ý thức, xoa bóp nhẹ hai chi dưới để giảm sự tê bì sau cuộc phẫu thuật.
- Giữ ấm cho trẻ bằng cách đắp chăn hoặc dùng chai nước ấm vặn chặt nút để cạnh bệnh nhi trong thời tiết mùa đông.
- Chủ động thay đổi tư thế bệnh nhi ngay khi trẻ tỉnh, một cách nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu, có thể xoa bóp chân tay bệnh nhân, giảm tê mỏi cho trẻ.
- Cần chú ý biểu hiện trẻ hoặc hỏi trẻ nếu trẻ đã nói và hiểu được để xem tình trạng đau của trẻ bắt đầu xuất hiện khi nào để báo lại cho nhân viên y tế dùng thuốc giảm đau theo y lệnh cũng như đáp ứng với thuốc.
- Giai đoạn hậu phẫu
- Thời gian này bệnh nhân đã tỉnh, các chức năng sống không còn đe dọa như giai đoạn hồi tỉnh tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi ý thức, tinh thần vận động, cho trẻ nằm tư thế đầu cao khoảng 30 độ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tư thế trung gian đầu hơi ngửa và nghiêng sang một bên, thời điểm sau thoát mê bệnh nhi bắt đầu có cảm giác đau vì vậy cần luôn bên cạnh động viên an ủi trẻ cũng như báo nhân viên y tế dùng thuốc giảm đau kịp thời cho trẻ.Thông thường mức độ đau giảm dần trong khoảng 3 ngày đầu sau mổ.
- Vấn đề chảy máu tại vết mổ đặc biệt chảy máu trong qua dẫn lưu cần được hết sức lưu tâm trong 24h đầu, thường xuyên chú ý để trẻ không vận động quá mạnh, cũng như đảm bảo ống dẫn lưu không bị gập, tắc ống, vị trí dẫn lưu phải thấp hơn vị trí bệnh nhân ít nhất 60cm. Cùng nhân viên y tế theo dõi màu sắc, số lượng dịch dẫn lưu. Nếu thấy có máu đỏ tươi cần báo ngay.
- Thân nhiệt của bệnh nhân bắt đầu tăng lên và có thể xuất hiện sốt nhẹ sau mổ do liên quan đến cuộc mổ, thậm chí sốt cao liên tục trong một số bệnh: viêm phúc mạc, lồng ruột, viêm ruột hoại tử …Vì thế người chăm cần biết một số kiến thức cơ bản giảm sốt cho trẻ: bỏ chăn, nới lỏng quần áo, cởi bỉm hoặc quần nhưng vẫn phải mặc cho trẻ một chiếc áo mỏng tránh viêm phổi, chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cặp nách ≥ 38.5 độ, khi trẻ dùng thuốc hạ sốt cần kết hợp chườm bằng nước mát hoặc nước ấm cho trẻ tại một số vị trí : nách, bẹn, trán, gan bàn tay, chân.Cần chú ý rằng sốt liên quan đến cuộc mổ đơn thuần thường sốt khoảng 2 ngày sau đó sẽ giảm dần, còn nếu thấy thân nhiệt tăng cao dần sau phẫu thuật khoảng 3 ngày cần chú ý trẻ có thể mắc các nhiễm trùng khác: vết mổ, viêm họng cấp…
- Sau mổ bệnh nhân thường hạn chế vận động do đau vì thế người chăm sóc cần biết cách thay đổi tư thế thu động trong 6h đầu, sau đó cho bệnh nhân ngồi dựa vào mình hoặc nằm cao đầu trước khi cho bệnh nhân đứng dậy tập đi (sau phẫu thuật khoảng 12h) tránh choáng do thay đổi tư thế đột ngột. Vận động sớm rất tốt cho bệnh nhi sau mổ đặc biệt trong các phẫu thuật đường tiêu hóa sẽ kích thích được nhu động ruột sớm trở lại từ đó giảm nguy cơ dính tắc ruột sau mổ. Vận động cũng giúp hạn chế ứ đọng đờm dãi, tránh xẹp phổi, tăng cường lưu thông máu. Với bệnh nhi nhỏ chưa đi được thì thay đổi thụ động với sự giúp đỡ của người nhà và cán bộ y tế.
- Trong ngày đầu sau phẫu thuật tùy từng bệnh trẻ có thể được ăn hoặc phải nhịn theo y lệnh của bác sỹ. Thông thường tất cả các phẫu thuật liên quan tới vùng bụng, hệ thống tiêu hóa bệnh nhi sẽ nhịn ăn tới khi có nhu động ruột trở lại (trung tiện được). Bệnh nhân sẽ được truyền dịch hoặc đạm thay thế dinh dưỡng qua đường miệng. Người nhà bệnh nhân cần biết khi bắt đầu cho ăn thường ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều, thông thường cho bệnh nhân uống nước hoặc nước đường trước khi ăn các thức ăn đặc hơn. Sau khi cho uống thử nếu bệnh nhân có nôn thì ngừng lại khoảng 30phút – 1giờ sau mới cho ăn thử lại.
- Công tác vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân cũng hết sức quan trọng để hạn chế nhiễm khuẩn sau mổ. Cần lau người bằng nước ấm (tránh vùng mổ và dẫn lưu),vệ sinh răng miệng hàng ngày.
- Người chăm sóc cần chú ý thực hiện nội quy về vị trí để đồ, giữ vệ sinh chung, đặc biệt rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân …
Bệnh nhân khi ra viện cần lưu tâm
- Uống thuốc theo đơn và hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Chế độ dinh dưỡng cần tăng cường về chất: ăn chế độ ăn lỏng tăng dần độ đặc, giàu đạm, vitamin và khoáng chất.
- Một số lưu tâm khi bệnh nhi mổ đường ruột cần hạn chế ăn, uống : nước cam, chanh, đồ ăn không để qua đêm, ăn ít đồ tanh, trứng trong thời gian khoảng 1 tháng.
- Vết mổ thường sẽ liền và có thể cắt chỉ sau khoảng 10 ngày, tuy nhiên không bắt buộc vì hiện nay chỉ khâu đa số là dùng chỉ tiêu sau khoảng 1-2 tháng tùy theo cơ địa của từng trẻ.
- Với các phẫu thuật thông thường trẻ có thể tham gia hoạt động nhẹ nhàng và đến trường sau khoảng 1 tuần sau khi ra viện.
- Cần đưa trẻ đi khám lại khi có các dấu hiệu bất thường: trẻ sốt, đau vùng mổ, vết mổ sưng nề đỏ hoặc có mủ. Một số lưu ý thời gian đi khám lại khác nhau tùy từng chuyên khoa, thông thường sẽ có hẹn trong giấy ra viện của bác sỹ.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Làm thế nào để hồi phục nhanh hơn trong khi đang nằm viện?
Chu Thị Hoa - Theo Bệnh viện Nhi TW