Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hội chứng ống cổ tay, cần phát hiện sớm

Điều trị hội chứng ống cổ tay giai đoạn sớm thường kết hợp dùng thuốc với phục hồi chức năng.

Hội chứng bệnh lý ống cổ tay là một tập hợp của nhiều triệu chứng do thần kinh giữa bị chèn ép ở trong ống cổ tay bởi nhiều nguyên nhân gây nên.Bệnh thường gặp với tỷ lệ hiện mắc khoảng 3 trường hợp/ 1.000 dân.

Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới khá nhiều vào khoảng  3-10  nữ/1 nam và thường gặp nhất trong độ tuổi 45-60 tuổi.

Dấu hiệu mắc bệnh

Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu bằng rối loạn cảm giác hoặc tê bì vùng chi phối của thần kinh giữa, bao gồm mặt gan của các ngón tay cái, trỏ, giữa và nửa ngón nhẫn. Đến giai đoạn muộn, triệu chứng rối loạn cảm giác thường nặng nề kèm theo biểu hiện yếu cơ, teo cơ ô mô cái và mất các động tác do thần kinh giữa chi phối.

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay thường khá dễ dàng với các triệu chứng điển hình, các nghiệm pháp thăm khám phát hiện chèn ép thần kinh giữa trong ống cổ tay, điện chẩn thần kinh cơ và siêu âm đo kích thước thần kinh giữa.

Điều trị cách nào?

Điều trị hội chứng ống cổ tay giai đoạn sớm thường kết hợp dùng thuốc với phục hồi chức năng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm cortisol vào ống cổ tay, tuy nhiên, cần phải đảm bảo vô trùng và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay khi người bệnh có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn muộn hoặc người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay cấp tính cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm giải phóng thần kinh giữa và các thành phần nằm trong ống cổ tay. Thông thường, phẫu thuật đem lại kết quả chức năng tốt cho người bệnh.

hoi-chung-ong-co-tay-can-phat-hien-som-1

Hội chứng ống cổ tay thường gặp nhất ở nữ độ tuổi 45-60 tuổi.

Phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay đã có những bước tiến dài khi mà từ phẫu thuật mổ mở kinh điển chuyển sang phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật nội soi với 2 đường rạch da và phẫu thuật nội soi với một đường rạch da. Gần đây, kỹ thuật mổ mới hơn nữa đã được triển khai tại những nước có nền y tế phát triển - đó là kỹ thuật mổ giải phóng thần kinh giữa xâm lấn vi thể (micro - invasive) dưới hướng dẫn của siêu âm.

Tại nhiều trung tâm phẫu thuật trên thế giới, phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay còn có thể được thực hiện cho bệnh nhân ngoại trú, nghĩa là người bệnh không cần nhập viện với kỹ thuật mổ nội soi một đường rạch da. Ưu điểm của phẫu thuật này là sẹo mổ nhỏ, ít đau, phục hồi sau mổ nhanh, đường rạch da nằm ở gan cổ tay chứ không nằm ở gan bàn tay nên tránh được những khó chịu do sẹo mổ nằm ở vùng cầm nắm của gan bàn tay gây nên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Quá trình hồi phục của thần kinh giữa sau mổ phụ thuộc rất nhiều vào biểu hiện triệu chứng trước mổ. Triệu chứng trước mổ càng nặng thì thời gian hồi phục càng dài và khả năng hồi phục hoàn toàn càng kém.

Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay - Đừng để tàn phế vì thiếu hiểu biết. Nếu có triệu chứng nghi ngờ hội chứng ống cổ tay, bạn cần đến thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá một cách toàn diện và có được tư vấn hợp lý, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi trung niên.
 
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Biến chứng của hội chứng ống cổ tay
BS. Đỗ Văn Minh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm