Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hen phế quản ảnh hưởng lâu dài đến hệ hô hấp như thế nào ?

Hệ hô hấp bao gồm từ mũi xuống đến ngã ba hầu họng, qua thanh quản đến khí quản, phế quản và tận cùng là các phế nang. Phế nang là nơi tham gia chính trong quá trình trao đổi oxy với máu mao mạch, các bộ phận còn lại đảm nhiệm dẫn khí giúp cho quá trình hô hấp đạt hiệu quả tốt nhất

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, các bệnh lý đường hô hấp, nhất là ở trẻ em sẽ thường gặp hơn so với các bệnh lý ở các cơ quan khác.

Cơ chế bệnh sinh của hen phế quản

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở làm đường thở hẹp lại gây tắc nghẽn luồng không khí vào và ra khỏi phổi. Trên nền viêm mạn tính của đường thở, tức là trên nền bệnh hen mạn tính, khi cơ thể tiếp xúc với  một yếu tố gây kích phát cơn hen cấp từ môi trường (phấn hoa, khói – bụi, hóa chất, thay đổi thời tiết…) thì tình trạng co thắt đường thở tăng thêm và làm đường thở hẹp hơn, gây tắc nghẽn  đường hô hấp trầm trọng khiến người bệnh có các biểu hiện lâm sàng như ho, thở khò khè, tức nặng ngực và đờm dãi nhiều trong vài phút hoặc vài giờ. Đây chính là những biểu hiện điển hình của cơn hen cấp.

Hen phế quản ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp ra sao?

Đặc trưng của hen phế quản là biểu hiện ho, khò khè, khó thở, tức nặng ngực tái đi tái lại. Trong cơn hen cấp   người bệnh phải ngồi dậy để gắng sức thở.

Do tình trạng  khó thở tăng dần, kéo dài  có thể làm cho người bệnh nhanh mệt, đuối sức do phải gắng sức liên tục sẽ dẫn đến suy hô hấp và suy tuần hoàn do không đủ oxy cung cấp cho các mô, có thể làm người bệnh rơi vào tình trạng li bì, nặng hơn là hôn mê và tử vong.

Nếu bệnh hen không được kiểm soát tốt hoặc điều trị chưa đúng hướng dẫn thì bệnh dễ tái phát hoặc kéo dài cả ngày không dứt cơn, lâu dần bệnh thành mạn tính gây nên những thương tổn thực thể tại đường hô hấp.

Vậy hen phế quản có thể gây ra những tổn thương nào cho hệ hô hấp?

Nguyên nhân gây khó thở trong bệnh hen là do tình trạng co thắt phế quản, phù nề niêm mạc phế quản và tăng tiết dịch nhầy đờm quánh, dính  làm bít tắc lòng phế quản. 3 nguyên nhân này làm cho việc trao đổi khí tại các phế nang bị cản trở, ra vào khó khăn. Đây là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn dễ phát triển và gây bệnh, lâu dần làm niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, khó phục hồi.

Bên cạnh đó, do tình trạng tắc nghẽn đường thở, các phế nang thường trong tình trạng ứ khí và luôn phải căng ra do không khí khó lưu thông, lâu dần việc căng giãn quá mức có thể làm giãn phế nang khó phục hồi, đồng thời kết hợp với tình trạng bội nhiễm đường hô hấp lâu ngày làm phá hủy các cấu trúc của tổ chức liên kết đàn hồi của phổi. Khi hen phế quản kéo dài từ 10 - 30 năm sẽ gây ra giãn phế nang, hậu quả cuối cùng là suy hô hấp, tâm phế mạn, suy tim toàn bộ.

Điều trị và dự phòng  hen sớm để tránh biến chứng

Hen là bệnh mạn tính nên việc điều trị khỏi hoàn toàn là rất khó. Mục tiêu điều trị hen hiện nay là kiểm soát triệu chứng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm bệnh xấu đi trong tương lai.

- Việc kiểm soát triệu chứng được đảm bảo bằng việc duy trì các thuốc cắt cơn khi lên cơn hen và các thuốc điều trị dự phòng.

- Kiểm soát các các yếu tố nguy cơ giúp làm giảm tần suất lên cơn hen bằng cách giảm tình trạng viêm vốn có của đường thở bằng các thuốc kháng viêm.

Điều trị triệu chứng khi người bệnh đang khó thở, không thở được thì cần trả lại sự thông thoáng đường thở cho người bệnh. Trong trường hợp này điều trị tây y là tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc hen phế quản.

Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm