Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc hen phế quản

Hiện chưa có bằng chứng về một chế độ ăn uống đặc biệt nào có hiệu quả trong việc kiểm soát tần suất và mức độ nặng của các cơn hen phế quản. Tuy nhiên, cung cấp cho cơ thể những thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng có thể giúp tăng cường sức khỏe nói chung cũng như cải thiện phần nào đó các triệu chứng của hen phế quản.

Những người bị mắc bệnh hen phế quản thường có mối bận tâm về chế độ dinh dưỡng của mình: nên ăn gì, không nên ăn gì để giúp kiểm soát tốt triệu chứng. 

Bệnh hen phế quản gây nên viêm nhiễm các phế quản tại phổi. Trong cơn hen phế quản, phế quản sưng lên, dịch nhầy tiết ra trong lòng phế quản, các cơ xung quanh phế quản cũng thắt chặt lại làm cản trở đường thông khí. Hậu quả là gây ra các triệu chứng của hen phế quản như:

  • Ho
  • Hắt hơi
  • Tức ngực
  • Khó thở

Theo một nghiên cứu tổng hợp trên tạp chí American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine, sự thay đổi chế độ ăn uống từ những thực phẩm tươi như rau quả sang những thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến sự gia tăng các đợt viêm phế quản cấp.

Mặc dù vẫn cần thêm những nghiên cứu trong tương lai, nhưng các bằng chứng ban đầu đều cho rằng không có một loại thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng đơn lẻ nào có thể cải thiện các tình trạng hen phế quản. Thay vào đó, những người mắc bệnh hen thường cảm nhận hiệu quả từ một chế độ dinh dưỡng giàu hoa quả và rau xanh.

Đôi khi, thực phẩm cũng là nguyên nhân gây nên các cơn hen phế quản. Tình trạng dị ứng hay không dung nạp thực phẩm diễn ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một loại protein nhất định trong thức ăn. Trong một số trường hợp, hiện tượng này có thể gây cơn hen phế quản.

Hen phế quản và béo phì

Một báo cáo của Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn tới khả năng tiến triển của bệnh hen phế quản. Ngoài ra, bệnh hen ở những người mắc chứng béo phì cũng thường nghiêm trọng hơn và khó điều trị hơn. Do vậy, đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp kiểm soát bệnh hen dễ dàng hơn.

Những thực phẩm nên tăng cường trong bữa ăn

  1. Thực phẩm giàu vitamin D như trứng, sữa
  2. Những loại rau quả giàu beta-caroten như cà rốt và các loại rau lá xanh
  3. Thực phẩm giàu magie như rau bi-na, hạt bí

Không có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào được khuyến nghị cho những bệnh nhân hen phế quản, tuy nhiên có một số thực phẩm và chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ cho chức năng phổi:

  • Nạp đủ lượng vitamin D có thể giúp giảm số đợt hen phế quản cấp ở trẻ 6 – 15 tuổi. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin D bao gồm cá hồi, sữa và nước trái cây bổ sung vitamin D, trứng…
  • Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Allergy and Clinical Immunology đã chứng minh những phụ nữ mắc hen phế quản tiêu thụ nhiều beta-caroten sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các nguồn bổ sung beta-caroten bao gồm cà rốt, dưa vàng, khoai lang, các loại rau lá xanh, súp lơ xanh và rau bi-na.
  • Ăn một trái táo mỗi ngày cũng giúp đẩy lùi cơn hen. Theo một nghiên cứu tổng hợp trên tạp chí Nutrition Journal, táo có khả năng làm giảm nguy cơ của các đợt hen phế quản và tăng cường chức năng phổi.
  • Một bản điều tra đăng trên tạp chí European Respiratory Journal cho thấy rằng ăn chuối có thể làm giảm các cơn khò khè do hen ở trẻ em. Nguyên nhân là do các chất chống oxy hóa và thành phần kali trong chuối giúp tăng cường chức năng hô hấp.
  • Một nghiên cứu khác trên tạp chí American Journal of Epidemiology đã chứng minh trẻ em từ 11 – 19 tuổi có hàm lượng magie thấp sẽ có lưu lượng phổi và dung tích phổi giảm. Trẻ em có thể nạp cho cơ thể những thực phẩm giàu magie như rau bi-na, hạt bí, củ cải đường, sô cô la đen và cá hồi.

Các thực phẩm nên tránh

  1. Thực phẩm giàu sulfite như rượu vang, hoa quả khô
  2. Các thực phẩm có thể gây khí ga như các loại đậu, bắp cải và hành tây
  3. Các thành phần nhân tạo như chất bảo quản và các chất tạo vị khác

Một số thực phẩm có thể kích thích cơn hen phế quản nên tránh:

  • Sulfite là một dạng chất bảo quản tìm thấy trong thực phẩm có thể làm nặng thêm cơn hen phế quản. Sulfite có nhiều trong rượu vang, hoa quả sấy khô, các thực phẩm muối, anh đào ngâm rượu, tôm, và nước chanh đóng hộp.
  • Ăn quá nhiều hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm sinh ra khí ga sẽ tạo áp lực lên cơ hoành của bạn, đặc biệt là nếu bạn bị trào ngược acid. Hiện tượng này làm tăng nguy cơ kích thích cơn hen. Những thực phẩm này bao gồm các loại đậu, bắp cải, đồ uống có ga, hành tây, tỏi và đồ ăn chiên rán.
  • Trong trường hợp hiếm, một số người mắc hen khá nhạy cảm với thành phần salicylat có trong cà phê, chè và một số loại thảo mộc.
  • Các chất bảo quản, điều vị và tạo màu trong thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh có thể gây dị ứng đối với một số bệnh nhân hen.
  • Những người vốn đã bị dị ứng với thực phẩm có thể mắc thêm bệnh hen phế quản. Các sản phẩm từ bơ sữa, sứa, bột mỳ và các loại quả hạch là những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất.

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi loại bỏ một số thực phẩm nào đó khỏi chế độ ăn.

Điều trị hen phế quản

Các bác sỹ khuyến cáo việc duy trì một lối sống khỏe mạnh để kiểm soát những triệu chứng của căn bệnh này, bao gồm ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống chỉ là yếu tố góp phần giúp cải thiện căn bệnh hen phế quản. Bạn nên tiếp tục sử dụng những loại thuốc trị hen đã được bác sỹ kê đơn, ngay cả khi căn bệnh đã được cải thiện.

Các thuốc điều trị hen thông thường gồm có:

  • Corticosteroid dạng xông hít
  • Thuốc ức chế leukotrien dạng uống
  • Chất đối kháng thụ thể beta tác dụng kéo dài
  • Thuốc xông hít dạng kết hợp
  • Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh
  • Thuốc chống dị ứng
  • Thuốc tiêm chống dị ứng
  • Phương pháp chỉnh hình phế quản bằng nhiệt (sử dụng cho những bệnh nhân bị hen phế quản không đáp ứng với thuốc điều trị)

Phòng các triệu chứng hen phế quản diễn biến nặng hơn

Việc phòng các cơn hen phế quản đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức độ nặng của bệnh. Do hen phế quản có thể gây tử vong nếu không được xử trí  kịp thời, việc nhận biết các yếu tố kích thích cơn hen và tránh tiếp xúc với chúng là điều vô cùng quan trọng.

Khói thuốc lá là một yếu tố kích thích cơn hen khá phổ biến. Nếu bạn nghiện thuốc lá, hãy lên kế hoạch từ bỏ ngay. Nếu trong gia đình có thành viên hút thuốc, hãy trao đổi với họ về việc bỏ thuốc lá hoặc trong thời gian ngắn, có thể hút bên ngoài trời.

Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát cơn hen phế quản bao gồm:

  • Trao đổi với bác sỹ về việc thiết lập một kế hoạch để kiểm soát hen phế quản và tuân thủ chặt chẽ.
  • Tiêm vaccine phòng cúm và viêm phổi hàng năm để hạn chế mắc phải những bệnh có thể làm nặng thêm bệnh hen phế quản.
  • Uống thuốc điều trị hen đầy đủ, đúng giờ.
  • Theo dõi chặt chẽ căn bệnh hen của bạn và chú ý đến nhịp thở để nhận biết những dấu hiệu cảnh báo sớm cho biết bệnh hen đang nặng lên.
  • Sử dụng điều hòa trong phòng để giảm thiểu tiếp xúc với mạt bụi, các chất ô nhiễm và các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa.
  • Sử dụng ga trải giường và vỏ gối, đồng thời làm vệ sinh phòng ngủ thường xuyên để tránh tiếp xúc với bụi.
  • Nếu bạn có nuôi vật nuôi trong nhà, hãy thường xuyên vệ sinh, tắm rửa cho chúng.
  • Bảo vệ mũi và miệng khi bị cảm lạnh.
  • Sử dụng thiết bị phun sương làm ẩm không khí ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác dễ chịu khi hít thở trong phòng.
  • Vệ sinh nhà cửa hàng ngày để loại bỏ các bào tử vi sinh vật và tác nhân dị ứng.

Tóm lại

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cải thiện các triệu chứng hen, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe tổng quát của bạn, mức độ nặng của bệnh…

Dù sao đi nữa đây cũng là một việc nên duy trì về lâu dài bởi chế độ dinh dưỡng lành mạnh không chỉ giúp làm giảm cơn hen mà còn góp phần giúp bạn giảm cân, duy trì huyết áp ổn định, hạ cholesterol máu và tăng cường chức năng tiêu hóa.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hen phế quản ở trẻ em – Những điều cha mẹ cần biết

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm