Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giới trẻ với quả bóng cười: Khi người thân khóc

Chủ đề về khí cười (N2O) gần đây đã được nhiều báo chí khai thác dưới khía cạnh một chất giải trí và ảnh hưởng của nó đến xã hội. Trong phạm vi bài viết này, sẽ đề cập đến khí cười dưới góc nhìn y học về cả ứng dụng cũng hệ quả không mong muốn của nó.

Giới trẻ với quả bóng cười: Khi người thân khóc

1. Vài nét về khí cười (N2O)

Dinitơ monoxid (N2O) được gọi là khí cười vì sau khi hít phải, gây ra ảo giác, kích thích hưng phấn cười. Dạo một vòng quanh các quán café thậm chí một số quán vỉa hè cũng cung cấp bóng cười như một thành phần quan trọng trong menu. Giới trẻ coi khí cười như một thú vui, vô thưởng, vô phạt và an toàn. Tuy nhiên thực sự việc chơi “bóng cười” có an toàn như mọi người vẫn tưởng hay không?

Lần đầu tiên N2O được sử dụng từ năm 1884 trong chuyên ngành gây mê – gây tê nha khoa. Từ đó đến nay được dùng rộng rãi trong giảm đau ở các trường hợp như sinh đẻ, chấn thương, phẫu thuật vùng miệng, thậm chí giảm đau trong hội chứng vành cấp. Khí N2O cũng đã được chứng minh phát huy hiệu quả trong cai nghiện trong đó có cai nghiện rượu. Gần đây N2O cũng đang được sử dụng thay thế dần khí CO2 bơm vào ổ bụng trong phẫu thuật nội soi do độ an toàn tương đương nhưng lại có tác dụng giảm đau tốt hơn.

Không chỉ được sử dụng trong y tế, N2O được sử dụng khá nhiều trong các lĩnh vực ngoài y tế. Trong các nhà hàng, khí N2O được sử dụng để làm kem sữa béo hay kem bông tuyết. Trong một hội chợ tại Mỹ, hàng trăm người đã hít những quả bóng có chứa khí N2O với giá 25 cent một quả bóng với tác dụng gây cười để giải trí, không ai trong số họ được ghi nhận có những phản ứng phụ đáng kể. Tại Anh có khoảng nửa triệu thanh niên sử dụng khí cười trong các tụ điểm chơi đêm. Đến tháng 8 năm 2015 London chính thức cấm khí cười với mục đích giải trí với án phạt cho người sử dụng có thể lên tới 1000 bảng Anh.

Khí N2O nếu được sử dụng cho mục đích y học với liều lượng được tính toán cẩn thận dựa trên từng cơ địa, gần như không có hại gì đối với cơ thể. Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Hai vấn đề phổ biến nhất ở người dùng N20 kéo dài là chết tế bào theo chương trình và bệnh lý thần kinh mất myelin.

Trong trường hợp chết tế bào theo chương trình, các tế bào não chết nằm trong khu vực chức năng học tập và trí nhớ do vậy trẻ nhỏ và người già là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với tình trạng trên. Trong bệnh lý thần kinh mất myelin, myelin là thành phần bao bọc bên ngoài sợi thần kinh bị hủy hoại dẫn đến làm chậm lại hoặc mất hoàn toàn chức năng thần kinh.

Brown và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu nổi tiếng theo dõi sự thay đổi về điện não đồ sau khi sử dụng khí cười, bằng 6 điện cực trên đầu thấy sự xuất hiện các sóng Delta chậm biên độ rộng. Sự thay đổi về điện não kéo dài khoảng 3 phút sau khi dùng khí cười liều duy nhất. Các chuyên gia cho rằng khí cười đồng thời cũng ức chế các tín hiệu xuất phát từ thân não chịu trách nhiệm cho sự thức tỉnh, có lẽ đây là cơ sở của việc dùng N2O trong các phòng gây mê cho đến nay, mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa được xác định rõ.

Trong những năm gần đây, ở Anh khí N2O lại bắt đầu được sử dụng lại và ngày càng gia tăng với mục đích giảm đau khi sinh con. Năm 2011 Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kì (FDA) đã cho phép sử dụng các thiết bị mới sử dụng N2O trong các phòng đẻ. Nhờ vậy đã giảm chi phí cho việc đẻ không đau từ 3000 USD do gây tê ngoài màng cứng xuống còn 100 USD khi sử dụng N2O.

Các bác sĩ gây mê được khuyến khích ghi điện não trong khi gây mê để đánh giá tình trạng mê cũng như điều chỉnh hiệu quả liều lượng thuốc N2O sử dụng đặc biệt ở đối tượng phụ nữ có thai. 

Về mặt y học, khi sử dụng N2O có thể xuất hiện các hiệu ứng sau:

Giải lo âu: Liều thấp N2O có tác dụng giải lo âu do kích thích hệ GABA giống như Benzodiazepin, do đó các chất đối kháng với Benzodiazepin sẽ làm mất tác dụng này của N2O.

Tác dụng giảm đau: N2O làm tăng giải phóng opioid nội sinh và giảm tác dụng của noradrenallin tuy nhiên cơ chế chưa được biết rõ.

Tác dụng gây trạng thái phởn phơ: Tác động kích thích hệ viền giữa (medolimbic) và dopaminergic tác động lên khu vực VTA vốn có vai trò quan trọng trọng nhận thức và khoái cảm. 

2. N2O và bệnh lý thần kinh mất myelin

Bệnh lý thần kinh mất myelin liên quan đến sử dụng N2O được báo cáo lần đầu tiên bởi Layzer và Fishman từ năm 1978 và được đăng trên tạp chí Neurology. Từ đó đến nay đã có rất nhiều các báo cáo riêng lẻ với các ca lâm sàng với biểu hiện tương tự. Tuy nhiên với sự phát triển của y học đã dần hé mở bí mật về nguyên nhân cũng như bệnh học và điều trị đối với thể bệnh này.

2.1. Các ca lâm sàng

a. Ca lâm sàng 1

Bệnh nhân 23 tuổi tiền sử sử dụng trong một thời gian dài khí cười N2O vào viện vì xuất hiện liệt lan tỏa và mất cảm giác tứ chi. Xét nghiệm giảm nhẹ vitamin B12 và nồng độ cao bất thường của methylmalonic acid (MMA) và homocystein nhưng không có bằng chứng của giảm hấp thu vitamin B12. Sau khi bổ sung vitamin B12 tình trạng lâm sàng cải thiện, MMA dần trở về bình thường nhưng tình trạng tăng homocystein vẫn tồn tại. Sau đó 1 năm không sử dụng N2O nồng độ homocystein về bình thường.

b. Ca lâm sàng 2

Bệnh nhân nam 31 tuổi vào viện với các biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì hai bàn tay và cẳng tay kéo dài vài tháng. Một buổi sáng tỉnh dậy cảm giác tê bì lan đến ngực ngang mức hai núm vú nên đi khám bệnh. Tiền sử nghiện rượu 10 năm nhưng đã bỏ hai năm nay. Từng sử dụng khí N2O từ năm 15 tuổi, trung bình mỗi tháng một lần. Tuy nhiên trong 2 năm qua do bỏ rượu, tần suất dùng N2O tăng lên 500-700 cartrige trong 5 – 6  tiếng mỗi lần, 2 – 3 lần mỗi tuần. Khám lâm sàng giảm xúc giác và giảm cảm giác đau khi châm kim từ ngón chân đến thắt lưng. Rối loạn nhẹ động tác ngón tay chỉ mũi và rơi nhẹ hai bàn chân. Rối loạn điều vận, dấu hiệu Lhermitte dương tính, vận động gần như không thay đổi ngoại trừ giảm nhẹ cơ lực vùng mu chân hai bên. Xét nghiệm máu bình thường ngoại trừ vitamin B12: 127 pg/nL (bình thường 200-900 pg/nL). Chụp MRI cột sống cổ thấy tăng tín hiệu thì T2 ở sừng sau tủy sống đối xứng, không thấy thay đổi ở T1 và ở sừng trước. MRI tủy ngực bình thường. Sau khi tiêm vitamin B12 triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ. Tuy nhiên BN tiếp tục sử dụng N2O với tần xuất tương tự như trước và tiếp tục dùng trong 7 tháng đến khi không mua được N2O nữa.

c. Ca lâm sàng 3

Bệnh nhân nữ 16 tuổi nhập viện vì yếu hai chân đi lại khó khăn sau khi dùng bóng cười số lượng lớn trong một dịp sinh nhật. Tiền sử chơi bóng cười hàng chục quả mỗi lần từ cách đây 5-6 tháng, lần này cách vào viện 3-4 ngày trong một bữa tiệc cùng bạn bè, bệnh nhân đã sử dụng một lượng lớn bóng cười. Sau vài ngày bắt đầu thấy có các biểu hiện lạ, người mệt mỏi, cơ lực yếu hơn bình thường đặc biệt hai chân yếu rõ khiến việc đi lại khó khăn. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ cột sống phát hiện hình ảnh tăng tín hiệu thì T2 ở sừng sau tủy sống cổ và thắt lưng. Bệnh nhân không được định lượng nồng độ vitamin B12 và methylmalonyl CoA (MMA) do hạn chế của điều kiện xét nghiệm. Bệnh nhân được hội chẩn và chẩn đoán ngộ độc N20 và được chỉ định dùng 500 mcg cyanocobalamin tiêm bắp mỗi ngày trong hai tuàn, sau 2 ngày cơ lực hai chân cải thiện rõ. Kết thúc điều trị bệnh nhân ra viện. Không theo dõi được tiến triển về sau vì bệnh nhân không quay lại.

2.2. Cơ chế bệnh sinh và điều trị

Khí N2O nói chung là an toàn và được sử dụng rộng rãi trong y học đặc biệt chuyên ngành gây mê. Tuy nhiên y văn đã ghi nhận nhiều ca tổn thương tủy mất myelin liên quan đến sử dụng N2O. Bệnh lý thần kinh mất myelin xảy ra trong 2 bối cảnh: 1. Lạm dụng N2O trong một thời gian dài, nồng độ vitamin B12 bình thường và 2. Dùng N2O một lần với liều lớn xảy ra ở người có nồng độ vitamin B12 thấp hoặc ranh giới giữa thấp và bình thường.

Vai trò của N2O và chuyển vitamin B12 liên quan đến bệnh lý thần kinh mất myelin được trình bày trong sơ đồ dưới đây:

 

Vai trò của N2O và chuyển vitamin B12 liên quan đến bệnh lý thần kinh mất myelin

Vitamin B12 (nhân cobalamin) là một cofactor của men methionin synthase có tác dụng chuyển hóa homocystein và 5 methyl – tetrahydrofolat thành methionin và tetrahydrofolate. Trong đó methionin có vai trò trong tổng hợp myelin bao quanh sợi trục thần kinh. Khí N2O là một chất sẽ oxy hóa nhân cobalt của vitamin B12 từ trạng thái 1+ thành 3+  biến methylcobalt ở dạng hoạt động thành bất hoạt và mất tác dụng chức năng là cofactor của methionin synthase, từ đó ức chế quá trình chuyển homocystein thành methionin. Kết quả là, nồng độ methionin giảm xuống trong khi nồng độ homocystein tăng cao trong máu. Methionin là một chất quan trọng trong tổng hợp myelin, việc giảm methionin dẫn đến tổn thương thần kinh mất myelin cả ở trung ương và ngoại vi.

Mặt khác, vitamin B12 còn tham gia chuyển hóa methylmalonyl CoA thành succinyl CoA, do đó việc dùng N2O dẫn đến ức chế chuyển hóa trên làm tăng nồng độ methylmalonyl CoA (MMA) trong máu đồng thời giảm succinyl CoA trong chu trình hô hấp tế bào.

Bệnh cảnh lâm sàng các trường hợp tổn thương tủy mất myelin sẽ là rối loạn cảm giác và vận động nặng có thể dẫn đến liệt tứ chi và vận động ở các mức độ khác nhau, điện cơ phát hiện tổn thương thần kinh ngoại vi kiểu mất myelin. Chụp MRI tủy sống đặc biệt tủy cổ và tủy lưng phát hiện tổn thương tủy dạng viêm đặc biệt ở sừng sau tủy sống ở những bệnh nhân có rối loạn về vận động.

Xét nghiệm máu tăng cao nồng độ homocystein và MMA là bằng chứng để chẩn đoán tình trạng tổn thương thần kinh tủy kiểu mất myelin do N2O. Định lượng nồng độ vitamin B12 có thể thấp hoặc bình thường phụ thuộc hoàn cảnh xuất hiện bệnh. Nếu lạm dụng N2O trong thời gian dài mới xuất hiện triệu chứng thường gặp nồng độ Vitamin B12 bình thường trong khi dùng N2O một lần xuất hiện triệu chứng thường có vitamin B12 thấp hoặc ranh giới.

Khoảng 15% dân số thế giới có nồng độ Vitamin B12 ranh giới hoặc thấp do vậy việc gây mê bằng N2O liều cao cần được tính toán liều và theo dõi bằng điện não đồ trong khi gây mê.

Các ca lâm sàng những năm gần đây đều được điều trị bằng bổ sung Vitamin B12 và có kết quả khả quan, đáp ứng của mỗi trường hợp có thể chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần. Mặc dù lâm sàng cải thiện tuy nhiên nồng độ homocystein sẽ trở về bình thường chậm hơn. Methionin có thể dùng để điều trị tuy nhiên hiệu quả vẫn còn cần nghiên cứu tiếp. Hàm lượng và cách dùng vitamin B12 để giải độc cũng như methionin cần được tư vấn hoặc chỉ định bởi các bác sĩ chuyên ngành Chống độc.  

2.3. Nói gì với giới trẻ hiện nay?

Giới trẻ hiện nay ngày càng thích trải nghiệm những thứ mới lạ, tuy nhiên không có kiến thức cũng như nhu cầu tìm hiểu về hậu quả của những món đồ chơi lạ lẫm ấy. Đến khi xảy ra hậu quả thì chuyện đã rồi và vô cùng đáng tiếc, đặc biệt ở những thanh niên còn rất trẻ, chưa đến tuổi vị thành niên. Mỗi thú chơi mới xuất hiện đều được đông đảo giới trẻ ủng hộ, trải nghiệm.

Câu chuyện sẽ không dừng lại kể cả khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Chỉ khi nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình, xã hội và các cơ quan truyền thông, những thứ giết người thầm lặng như vậy mới có cơ hội đứng bên ngoài cửa của từng gia đình và kết thúc.

Đã đến lúc, khí cười cần được kiểm soát sử dụng một cách chặt chẽ. Với những trường hợp lạm dụng hoặc buôn bán với mục đích lạm dụng để giải trí cần có những án phạt thích đáng. Để khí cười không còn là nguyên nhân khiến bất kì một gia đình nào phải rơi nước mắt.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ma túy mới: “Muối tắm” (Bath Salts)

Nguyễn Đàm Chính - Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm