Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dùng than hoạt tính làm màu thực phẩm: Cần thận trọng tương tác thuốc

Than hoạt tính đôi khi được dùng như màu thực phẩm trong các món bánh ngọt, đồ ăn nhanh mùa Halloween. Người đang dùng thuốc điều trị cần thận trọng với than hoạt tính để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Than hoạt tính ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm.

Than hoạt tính là nguyên liệu được săn đón trong ngành công nghiệp làm đẹp nhiều năm qua. Thành phần này có mặt trong nhiều loại sữa rửa mặt, mặt nạ, lăn khử mùi… với các tác dụng như làm thông thoáng lỗ chân lông, thanh lọc, detox cơ thể.

Than hoạt tính được sản xuất bằng cách đốt gỗ, tre, gáo dừa… ở nhiệt độ cao trong điều kiện yếm khí, tạo ra dạng carbon có độ xốp vào, nhiều lỗ rỗng trên bề mặt. Cấu trúc đặc biệt như vậy làm cho diện tích bề mặt của than hoạt tính rất lớn, từ đó dễ dàng hấp thụ và phản ứng với nhiều chất khác nhau. Nhờ vậy, trong lĩnh vực y tế, than hoạt tính có tác dụng hỗ trợ điều trị các ca ngộ độc rượu, chất độc, uống thuốc quá liều…

Đặc biệt, than hoạt tính còn là chất tạo màu thực phẩm tự nhiên, giúp biến các món bánh ngọt, thức uống, kẹo… thành màu đen huyền bí cho dịp Halloween (Lễ hội Hóa trang).

Than hoạt tính làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm thuốc kém tác dụng

Than hoạt tính làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm thuốc kém tác dụng.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), sử dụng than hoạt tính như thực phẩm nhìn chung an toàn. Tác dụng phụ thường gặp nhất là táo bón hoặc đi ra phân có màu đen.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn than hoạt tính. Cấu trúc xốp của than hoạt tính có thể liên kết với một số loại thuốc trong dạ dày, cản trở quá trình hấp thụ thuốc vào máu, giảm dược tính của thuốc.

Một số nhóm thuốc có tương tác với than hoạt tính gồm:

  • Acetaminophen giảm đau, hạ sốt

  • Aminophylline dùng để trị khó thở, thở rít do hen phế quản, viêm phế quản…

  • Amiodarone dùng trong điều trị rối loạn nhịp tim

  • Aspirin

  • Atenolol: Thuốc chẹn kênh beta dùng để trị tăng huyết áp và đau thắt ngực

  • Carbamazepine kiểm soát động kinh, co giật

  • Digoxin chỉ định trong điều trị suy tim, rối loạn nhịp tim

  • Fluoxetine dành cho người mắc trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

  • Indomethacin trị đau khớp nghiêm trọng

  • Verapamil

  • Phenytoin

  • Valproic acid

NIH cũng cảnh báo, than hoạt tính có thể khiến thuốc tránh thai đường uống giảm tác dụng. Liều lượng than hoạt tính từ 25-100gr với người lớn, và 10-50gr với trẻ nhỏ đã có thể cản trở quá trình hấp thụ các loại thuốc điều trị khác.

Thông thường, khi dùng làm màu thực phẩm, lượng than hoạt tính thường không nhiều đến ngưỡng đó (1 thìa cà phê than hoạt tính tương đương 2gr). Để đảm bảo an toàn, người dùng các nhóm thuốc quan trọng (trị tăng huyết áp, loạn nhịp tim, động kinh) cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng than hoạt tính như thực phẩm.

Tuy nhiên, NIH vẫn khuyến nghị, bạn nên chờ ít nhất 1 tiếng sau khi uống thuốc mới nên ăn thực phẩm có chứa than hoạt tính. Với thuốc tránh thai, nên sử dụng hoạt tính ít nhất 3 giờ sau khi uống; Hoặc 12 giờ trước khi uống thuốc để đảm bảo tác dụng tối ưu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phẩm màu thực phẩm: Vô hại hay có hại?

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm