Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chụp X-quang ngực thẳng – những điều cần biết

Chụp X-quang là một xét nghiệm cận lâm sàng rất phổ biến, an toàn, kinh tế và đặc biệt là hiệu quả đối với nhiều trường hợp bệnh lý. Trong các chỉ định chụp X-quang, chụp ngực thẳng là một hình thái được áp dụng rất rộng rãi trong chẩn đoán bệnh ngày nay bởi sự tin cậy của chúng. Hãy cùng tìm hiểu về quy trình này trong bài viết dưới đây.

Chụp X-quang ngực thẳng có mục đích gì?

Chụp X-quang ngực thẳng là phương pháp cận lâm sàng tái tạo ra hình ảnh của tim, phổi, mạch máu, đường thở, các vùng xương ngực và cột sống trên một phim phẳng. Đây được coi là một xét nghiệm cận lâm sàng thường quy, thường được chỉ định khi khám sức khỏe tổng quát và trong rất nhiều các trường hợp khác. Ngoài việc tái tạo hình ảnh các bộ phận trong vùng ngực, chụp X-quang ngực thẳng cũng đánh giá tình trạng tổn thương của các bộ phận, mức dịch mức khí quanh phổi nếu có…

Thông thường khi người bệnh vào viện với các dấu hiệu liên quan đến hệ hô hấp hay các vấn đề khu vực vùng ngực, chỉ định chụp X-quang có thể được đưa ra. Quy trình này cũng được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh của người bệnh.

Chụp X-quang khi nào?

Với sự tiện dụng và phổ biến, chụp X-quang ngực thường là một trong những thủ tục đầu tiên cần thực hiện nếu nghi ngờ có vấn đề về phổi hay các cơ quan vùng ngực. Sau khi khám lâm sàng, khai tác bệnh sử và tiền sử bệnh, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định chụp X-quang ngực thẳng để đánh giá cụ thể. Cũng có trường hợp phương pháp này được sử dụng để kiểm tra khả năng đáp ứng với điều trị của người bệnh.

Một số điểm trên phim chụp X-quang có thể chỉ ra bao gồm:

  • Các vấn đề ở phổi. Chụp X-quang ngực có thể phát hiện ung thư, nhiễm trùng hoặc tình trạng tràn dịch, tràn khí tích tụ trong khoang màng phổi, tình trạng xẹp phổi… Các tình trạng bệnh phổi mạn tính chẳng hạn như khí phế thũng hoặc xơ nang phổi cũng có thể phát hiện được, đồng thời đánh giá các biến chứng liên quan đến các tình trạng này.
  • Các vấn đề về phổi liên quan đến tim. Chụp X-quang ngực thẳng có thể hình ảnh của tim và các vấn đề trong phổi liên quan đến tim.
  • Đánh giá trình trạng trái tim. Kích thước và đường viền của trái tim. Trong một số trường hợp đặc biệt, tình trạng suy tim có thể xảy ra, do dịch chèn ép hay các vấn đề khác…
  • Mạch máu. Các mạch lớn gần tim như động mạch chủ và động mạch phổi hay tĩnh mạch có thể nhìn thấy trên phim chụp, từ đó giúp đánh giá tình trạng tổn thương hay sự bất thường của mạch máu nếu có.
  • Cặn vôi hóa. Chụp X-quang ngực thẳng là một phương pháp đơn giản để phát hiện sự lắng đọng canxi trong mạch máu. Bên cạnh đó, chất béo hay các yếu tố khác trong mạch gây tổn thương van tim, động mạch vành, cơ tim hoặc màng ngoài tim cũng có thể được phát hiện. Các nốt vôi hóa trong phổi thường là do nhiễm trùng đã khỏi và để lại dấu vết.
  • Gãy xương. Gãy xương sườn hoặc các tổn thương xương cột sống có thể được nhìn thấy trên X-quang ngực.
  • Những thay đổi sau phẫu thuật. Chụp X-quang là phương pháp rất hữu ích để theo dõi sự phục hồi sau khi phẫu thuật ở vùng ngực, chẳng hạn như các phẫu thuật tại tim, phổi hoặc thực quản.
  • Các thiết bị trợ giúp. Máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim hoặc ống thông sau khi được đặt vào các vị trí trong ngực cần được theo dõi. Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim có dây gắn vào tim giúp kiểm soát nhịp tim ổn định. X-quang ngực lúc này đóng vai trò đánh giá các thiết bị y tế như vậy để đảm bảo chúng được định vị chính xác vị trí.
Những lo ngại về việc chụp X-quang

Với bản chất là tia phóng xạ, việc có những lo lắng về phơi nhiễm tiếp xúc với bức xạ từ X-quang là có, đặc biệt khi phải tiếp xúc thường xuyên. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng bức xạ từ tia X trong chụp X-quang ngực là rất thấp - thậm chí còn thấp hơn bức xạ phóng xạ mà bản thân mỗi người tiếp xúc hàng ngày thông qua các nguồn bức xạ tự nhiên trong môi trường.

Trên thực tế, những kỹ thuật viên làm việc hàng ngày đều được trang bị các trang thiết bị bảo hộ tại các vùng quan trọng của cơ thể. Các phòng chụp cũng đều được thiết kế với tường và cửa đảm bảo hấp thụ tia xạ, ngăn ngừa tình trạng rò rỉ và phát tán ra môi trường. Trong trường hợp đắn đo về vấn đề này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và có thể sử dụng các thiết bị chắn tia xạ ở các vùng lân cận. Với các bà mẹ mang thai, việc chụp X-quang có thể cẩn trọng hơn, và có thể sử dụng các thiết bị bảo vệ vùng bụng khi bắt buộc phải chụp.

Cần chuẩn bị gì khi chụp X-quang?

Trước khi chụp X-quang ngực, quy trình bắt buộc là cởi bỏ quần áo từ thắt lưng trở lên và mặc áo choàng mỏng. Các đồ trang sức từ thắt lưng trở lên cũng cần được loại bỏ vì kim loại ảnh hưởng đến hình ảnh trên phim chụp và có thể che lấp tổn thương.

Tư thế khi chụp X-quang

Trong quá trình thực hiện chụp X-quang ngực thẳng, vùng ngực được đặt giữa một máy tạo ra tia X và một tấm hứng tia để tạo ra hình ảnh kỹ thuật số hoặc với phim chụp. Người chụp có thể được yêu cầu di chuyển theo các vị trí khác nhau để quan sát từ cả phía trước và từ phía bên ngực.

Đối với cách chụp cơ bản, người được chụp đứng thẳng, dựa ngực vào phim chụp. Tay được giơ lên hoặc cầm vào vị trí tay cầm phía trước, với vai ép vào phim chụp. Kỹ thuật viên chụp phim có thể yêu cầu hít một hơi thật sâu và giữ hơi trong vài giây khi chụp. Việc nín hơi giúp hình ảnh tim và phổi hiển thị rõ ràng hơn.

Trong chụp tư thế bên, người được chụp đứng ngang so với tấm hứng và giơ tay lên đầu. Việc hít sâu và giữ hơi vẫn cần được thực hiện.

Chụp X-quang ngực không gây đau đớn, và chúng ta sẽ không cảm nhận được tia bức xạ đi qua cơ thể. Trong trường hợp không thể đứng, tư thế ngồi hoặc nằm có thể được áp dụng.

Kết quả trên phim chụp

Phim chụp X-quang ngực tạo ra hình ảnh đen trắng tái tạo hình ảnh các cơ quan trong lồng ngực. Các mô và cấu trúc ngăn chặn bức xạ sẽ xuất hiện màu xám trắng (thường là cơ, xương, mô…) và các cấu trúc cho phép bức xạ đi qua tạo ra màu đen (không khí). Xương sẽ có vẻ “trắng nhất” trên phim, vì bản chất xương dày đặc và cản tia. Tim cũng hiển thị rõ ràng, nhưng độ rõ có thể không bằng so với xương. Phần phổi chứa đầy không khí là vùng ít cản tia xạ nhất, và do vậy chúng có màu “tối đen”.

Các chuyên gia, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xem xét phim và đưa ra nhận định về các phần của phim theo trình tự. Tất nhiên, kết quả sẽ được hội chẩn và cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất và có hướng điều trị tối ưu nhất.

Tổng kết

Chụp X-quang ngực thẳng là một phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng thường quy, phổ biến và an toàn. Phương pháp này giúp đánh giá các cơ quan vùng ngực, các tổn thương cũng như trợ giúp cho chẩn đoán chính xác hay can thiệp hỗ trợ trong phẫu thuật. Nhìn chung, phương pháp chụp X-quang là an toàn và không cần phải có những lo lắng quá mức về thủ thuật này.

Tham khảo thêm thông tin tại: Tìm hiểu về chụp cắt lớp vi tính

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Mayoclinic) -
Bình luận
Tin mới
  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

Xem thêm