Phương pháp đĩa thức ăn cho người bệnh đái tháo đường
Theo Viện Đái tháo đường, Bệnh thận và Bệnh tiêu hóa (NIDDK, Mỹ), người bệnh đái tháo đường nên có chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp cùng lối sống năng động để kiểm soát đường huyết. Cho những người mới bắt đầu, phương pháp đĩa thức ăn (the plate method) là cách tốt để bạn học kiểm soát khẩu phần ăn, quản lý tỷ lệ các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn uống thường ngày.
Để thực hiện phương pháp đĩa thực ăn, bạn cần chọn một chiếc đĩa lớn, có đường kính khoảng 20cm. Tưởng tượng bạn sẽ chia chiếc đĩa này thành 3 phần như hình dưới đây:
Phần 1 sẽ bao gồm các loại rau không chứa tinh bột như măng tây, bông cải xanh, giá đỗ, súp lơ trắng, cần tây, củ đậu, tỏi tây, nấm, ớt, củ cải…
Phần 2 sẽ bao gồm các loại thực phẩm giàu tinh bột (đặc biệt là các loại ngũ cốc nguyên hạt) như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch, hạt quinoa… Tốt hơn hết, bạn nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa ít nhất 3gr chất xơ, dưới 6gr đường.
Phần 3 bao gồm các thực phẩm giàu protein như các loại cá, thịt nạc (như các loại thịt đỏ, thịt gia cầm bỏ da). Ngoài ra, người bị tiền đái tháo đường, người bệnh đái tháo đường cũng nên chọn các thực phẩm giàu protein từ thực vật như đậu phụ, đậu nành, các loại đậu xanh, đậu đen…
Ngoài 3 phần chính kể trên, bạn cũng có thể ăn thêm một số thực phẩm sau:
- Khoảng 150gr trái cây, các sản phẩm từ sữa (ví dụ như một cốc sữa 200ml) trong bữa ăn.
- Các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh chỉ nên bổ sung ở lượng vừa phải. Để nấu ăn, bạn nên dùng các loại dầu thực vật (như dầu olive) thay vì mỡ động vật.
- Bạn có thể thêm các loại hạt, quả hạch, quả bơ và dùng dầu giấm để trộn salad.
- Chọn các loại thức uống ít calorie như nước lọc, trà (không thêm đường).
Một vài lời khuyên khác để kiểm soát đái tháo đường hiệu quả
- Carbohydrate đơn giản có nhiều trong các loại nước trái cây, đồ ngọt, các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế (như bánh mì trắng, gạo trắng)… Bạn nên hạn chế các thực phẩm này vì chúng có thể khiến đường huyết dao động thất thường.
- Người bị tiền đái tháo đường, người bệnh đái tháo đường nên dành thời gian tập thể dục hàng ngày, đặc biệt là các bài tập thể dục nhịp điệu (aerobic) để giúp ổn định đường huyết, kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn. Nên nhớ, thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ chung của nhiều bệnh như đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp… Do đó, tập thể dục đều đặn sẽ giúp người bệnh đái tháo đường phòng ngừa được nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Cách ổn định đường huyết cho người bệnh đái tháo đường cao tuổi.