Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chỉ số Phosphatase kiềm (ALP) là gì?

Phosphatase kiềm (ALP) là một loại enzyme được tìm thấy trên khắp cơ thể bạn. Xét nghiệm máu đo mức ALP trong máu đến từ gan và xương của bạn và đây là một trong những xét nghiệm thông dụng và có nhiều giá trị. Nồng độ ALP cao trong máu có thể chỉ ra bệnh gan hoặc một số rối loạn về xương.

Phosphatase kiềm (ALP) là gì?

Phosphatase kiềm (ALP) là một loại enzyme được tìm thấy trên khắp cơ thể bạn. Enzyme là một loại protein trong tế bào hoạt động như một chất xúc tác và cho phép một số quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể. Có hàng ngàn enzyme khắp cơ thể bạn và có chức năng quan trọng.

Mặc dù phosphatase kiềm đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chức năng chính xác của ALP. Tuy nhiên, họ tin rằng nó đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể.

ALP thường được coi là men gan vì nó chủ yếu được tìm thấy trong gan của bạn. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại ở những nơi sau:

  • Ống mật
  • Xương
  • Thận
  • Ruột
  • Nhau thai ở người mang thai

Mức ALP bất thường trong máu có thể phản ánh tổn thương mô hoặc sự gián đoạn các quá trình bình thường của cơ thể.

Xét nghiệm máu phosphatase kiềm (ALP) là gì?

Xét nghiệm phosphatase kiềm (ALP) đo lượng ALP trong máu của bạn. Mặc dù ALP tồn tại khắp cơ thể bạn, nhưng hai nguồn ALP chính trong máu là gan và xương. Nồng độ ALP cao có thể chỉ ra bệnh gan hoặc một số rối loạn về xương, nhưng xét nghiệm ALP đơn thuần không thể chẩn đoán được bệnh lý.

Có hai loại xét nghiệm máu phosphatase kiềm (ALP) chính: ALP tổng quát (xét nghiệm phổ biến hơn) và xét nghiệm isoenzym ALP.

Trong khi xét nghiệm ALP chỉ đo mức ALP trong máu của bạn, xét nghiệm isoenzym ALP có thể phân biệt giữa các loại phosphatase kiềm dựa trên nơi chúng bắt nguồn trong cơ thể bạn.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn trải qua xét nghiệm isoenzym ALP để theo dõi nếu bạn có mức ALP bất thường trong xét nghiệm trước đó. Mặc dù xét nghiệm isoenzym có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn nhưng xét nghiệm này khó khăn hơn về mặt kỹ thuật, tốn kém hơn và một số phòng khám có thể không thực hiện được xét nghiệm này.

Đọc thêm tại bài viết: Hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Tại sao bạn cần xét nghiệm máu phosphatase kiềm?

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu phosphatase kiềm (ALP) để giúp sàng lọc, theo dõi hoặc giúp chẩn đoán các bệnh về gan và đường mật, rối loạn xương và các tình trạng sức khỏe khác.

Sàng lọc có nghĩa là kiểm tra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trước khi bạn xuất hiện các triệu chứng. Bác sỹ thường sử dụng các xét nghiệm này như một phần của việc kiểm tra định kỳ để sàng lọc một loạt các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Nếu bạn mắc bệnh về gan hoặc xương hoặc một loại bệnh lý khác, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm ALP, cùng với những loại kiểm tra khác, để theo dõi tình trạng của bạn xem liệu bệnh đang cải thiện, xấu đi hay giữ nguyên dù có hay không điều trị.

Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm ALP cho mục đích chẩn đoán khi bạn có dấu hiệu có thể có vấn đề về gan hoặc xương. Xét nghiệm ALP cũng có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng tổng quát hơn, chẳng hạn như mệt mỏi, cùng với xét nghiệm gan hoặc xét nghiệm công thức máu. Mặc dù các bác sĩ không thể chẩn đoán bệnh lý chỉ dựa trên mức ALP nhưng nó có thể là một phần quan trọng của quá trình chẩn đoán. Mức độ ALP tăng hoặc thấp hơn bình thường có thể cho biết loại bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan bao gồm:

  • Vàng da - một bệnh lý khiến da và lòng trắng mắt của bạn chuyển sang màu vàng.
  • Đau bụng và/hoặc phù, đặc biệt là ở bên phải.
  • Dễ bị bầm tím.
  • Buồn nôn và/hoặc nôn.
  • Đi tiểu có màu sẫm và/hoặc phân có màu sáng.
  • Sụt cân không giải thích được.
  • Mệt mỏi.
  • Phù ở cánh tay hoặc chân (phù nề).

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn xương bao gồm:

  • Đau xương và/hoặc đau khớp.
  • Xương to và/hoặc có hình dạng bất thường.
  • Tăng tần suất gãy xương.

Xét nghiệm phosphatase kiềm (ALP) khác với xét nghiệm gan hoặc xét nghiệm chuyển hóa toàn diện (CMP) như thế nào?

Xét nghiệm máu bao gồm nhiều phép đo từ mẫu máu. Do đó, bảng xét nghiệm gan hoặc bảng chuyển hóa toàn diện cung cấp nhiều thông tin hơn chỉ xét nghiệm phosphatase kiềm. Mặc dù bạn có thể trải qua xét nghiệm máu chỉ để đo mức ALP của mình, nhưng xét nghiệm này thường được đưa vào cùng với các xét nghiệm khác, chẳng hạn như men gan, để có được bức tranh đầy đủ hơn về sức khỏe gan của bạn.

Kết quả và theo dõi

Kết quả xét nghiệm máu phosphatase kiềm (ALP) có ý nghĩa gì?

Các báo cáo xét nghiệm máu, bao gồm các báo cáo xét nghiệm phosphatase kiềm (ALP), thường cung cấp các thông tin sau:

  • Tên xét nghiệm máu
  • Kết quả đo được của các xét nghiệm máu.
  • Phạm vi đo bình thường của các xét nghiệm đó.
  • Thông tin cho biết kết quả của bạn là bình thường hay bất thường hoặc cao hay thấp.

Phạm vi bình thường của phosphatase kiềm (ALP) là bao nhiêu?

Phạm vi bình thường của phosphatase kiềm (ALP) khác nhau tùy theo từng phòng thí nghiệm. Phạm vi tham chiếu phổ biến là từ 44 đến 147 đơn vị quốc tế trên lít (IU/L), nhưng một số tổ chức khuyến nghị phạm vi từ 30 đến 120 IU/L. Vì lý do này, điều quan trọng là phải kiểm tra báo cáo kết quả xét nghiệm của bạn để xem phạm vi tham chiếu của phòng thí nghiệm cụ thể của bạn là bao nhiêu.

Bạn cũng cần lưu ý là mức phosphatase kiềm bình thường thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Mức ALP thường tăng cao trong thời thơ ấu và tuổi dậy thì do sự tăng trưởng và phát triển của xương. Trong độ tuổi từ 15 đến 50, mức ALP ở nam cao hơn một chút so với nữ. Mức ALP sau đó tăng trở lại ở tuổi già.

Mức ALP cũng có thể cao hơn ở người mang thai vì ALP tồn tại trong nhau thai và ở những người đang lành vết gãy xương.

Mức phosphatase kiềm (ALP) cao do đâu?

Mức độ ALP tăng cao có thể nghiêm trọng. Mặc dù mức ALP rất cao thường có nghĩa là bạn bị tổn thương gan hoặc rối loạn xương, nhưng mức độ tăng nhẹ có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra - không nhất thiết là tình trạng bệnh lý cần điều trị. Nếu bạn chỉ tăng nhẹ mức ALP, bác sĩ có thể sẽ không yêu cầu bạn thực hiện các kiểm tra chuyên sâu hơn. Thay vào đó, họ có thể sẽ theo dõi mức độ ALP của bạn theo thời gian để đảm bảo chúng không trở nên tồi tệ hơn.

Mức phosphatase kiềm (ALP) cao có thể cho thấy gan của bạn đang bị tổn thương hoặc bạn mắc một loại rối loạn về xương. Tổn thương gan tạo ra một loại ALP khác với các bệnh về xương. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy bạn có mức ALP cao, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như xét nghiệm isoenzym ALP, để xác định xem ALP dư thừa đến từ đâu.

Nồng độ phosphatase kiềm cao trong gan có thể chỉ ra các tình trạng sau:

  • Ứ mật khi mang thai: Đây là một bệnh gan phổ biến có thể phát triển vào cuối thai kỳ.
  • Xơ gan: Xơ gan là bệnh gan ở giai đoạn cuối, trong đó mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo và gan bị tổn thương vĩnh viễn.
  • Viêm gan: Viêm gan là tình trạng viêm ở gan. Có nhiều loại viêm gan.
  • Teo đường mật: Đây là một tình trạng hiếm gặp xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong các ống dẫn mật từ gan đến túi mật. Nó xảy ra ở trẻ sơ sinh.
  • Hẹp đường mật: Tình trạng này xảy ra khi ống mật (ống dẫn mật từ gan đến ruột non) trở nên nhỏ hơn hoặc hẹp hơn.
  • Tắc nghẽn đường mật do ung thư: Một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư đường mật và ung thư biểu mô tuyến đầu tụy, có thể chặn ống mật hoặc ống tụy.
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân (mono): Đây là một bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm đôi khi có thể gây sưng gan.

Mức phosphatase kiềm trong xương cao có thể chỉ ra các tình trạng sau:

  • Di căn xương: Tình trạng này xảy ra khi các tế bào ung thư từ nơi khác trong cơ thể di căn đến xương.
  • Bệnh xương Paget (viêm xương biến dạng): Đây là một chứng rối loạn xương mãn tính hiếm gặp, trong đó có sự phân hủy và tái phát triển quá mức ở xương bị ảnh hưởng.
  • Sarcoma xương (U xương ác tính): Đây là một loại ung thư bắt đầu từ xương.
  • Bị gãy xương đang lành
  • Bệnh cường tuyến cận giáp: Tình trạng này xảy ra khi tuyến cận giáp của bạn tiết ra quá nhiều hormone tuyến cận giáp, khiến nồng độ canxi trong máu tăng lên.
  • Bệnh cường giáp: Tình trạng này xảy ra khi tuyến giáp của bạn sản xuất và giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp.
  • Nhuyễn xương: Đây là một căn bệnh làm xương yếu đi và có thể khiến xương dễ gãy hơn. Nó phát triển phổ biến nhất do thiếu vitamin D.

Mức ALP cao cũng có thể là dấu hiệu của bệnh celiac không được điều trị.

Mức phosphatase kiềm (ALP) thấp do đâu?

Mức độ phosphatase kiềm (ALP) thấp bất thường ít phổ biến hơn so với mức độ tăng cao. Nó có thể chỉ ra các bệnh lý sau:

  • Suy dinh dưỡng.
  • Thiếu kẽm.
  • Thiếu magiê.
  • Suy giáp.
  • Tình trạng di truyền hiếm gặp, bao gồm bệnh giảm phosphat và bệnh Wilson.

Mức phosphatase kiềm (ALP) cao hay thấp có đáng lo không?

Nếu kết quả xét nghiệm ALP của bạn cao hay thấp, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn mắc bệnh cần điều trị. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến mức độ ALP, bao gồm:

  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai.
  • Chế độ ăn uống.
  • Có thai.
  • Tuổi tác - thanh thiếu niên và trẻ em có thể có mức độ cao hơn vì xương của trẻ đang phát triển.
  • Bị AIDS.
  • Có lỗi trong quá trình thu thập, vận chuyển mẫu máu hoặc quá trình xử lý, xét nghiệm mẫu máu.

Trước khi xác định xem bạn có cần phải trải qua các xét nghiệm sâu hơn hay không, bác sĩ sẽ xem xét nhiều khía cạnh về sức khỏe và tình trạng của bạn, bao gồm:

  • Tiền sử.
  • Thuốc hiện tại đang sử dụng.
  • Kết quả ALP cao hay thấp.
  • Kết quả của các xét nghiệm khác thường được thực hiện cùng với ALP.
  • Các triệu chứng hiện đang gặp phải.

Khi nào nên tới gặp bác sĩ?

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tổn thương gan như vàng da hoặc rối loạn xương như đau xương hoặc khớp, hãy tới gặp bác sĩ. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh gan hoặc rối loạn xương và đang gặp phải các triệu chứng mới, hãy tới gặp bác sĩ ngay.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về kết quả phosphatase kiềm của mình, đừng ngại đặt câu hỏi cho bác sĩ của bạn.

Tháng 4 này, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam hân hoan chào mừng sinh nhật lần thứ 6 với vô vàn ưu đãi và quà tặng khi khám dinh dưỡng. Chương trình ưu đãi áp dụng từ ngày 01/04/2024 đến hết ngày 30/04/2024. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Đoàn Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Clevand Clinic
Bình luận
Tin mới
  • 29/04/2024

    5 sự thật bạn cần biết về chứng ù tai

    Ù tai hoặc có tiếng kêu lạ trong tai như tiếng ve kêu, ong kêu, dế kêu là vấn đề nhiều người gặp phải. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh.

  • 29/04/2024

    4 loại gia vị có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

    Các chuyên gia y tế chia sẻ 4 loại gia vị quen thuộc đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

  • 29/04/2024

    Đau họng:Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

    Viêm họng, hay đau họng, là tình trạng viêm ở phía sau cuống họng (còn gọi là họng). Viêm họng có thể gây đau khi nuốt và đau nhức, khó chịu, đau hoặc ngứa ngáy ở cổ họng.

  • 29/04/2024

    Xuất huyết não nguy hiểm ra sao?

    Trong 2 dạng đột quỵ não, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn. Người sống sót qua cơn đột quỵ xuất huyết não cần làm gì để phòng bệnh tái phát?

  • 29/04/2024

    Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng và điều trị

    Nấm Candida là một loại nấm men có thể sống trên cơ thể con người. Nó thường bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

  • 28/04/2024

    Gợi ý chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trước mùa thi

    Không chỉ chế độ dinh dưỡng đảm bảo mà việc nghỉ ngơi của các thí sinh cũng rất quan trọng để đảm bảo tinh thần được tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

  • 28/04/2024

    Chế độ ăn giúp trẻ bị rôm sảy mau khỏi

    Trẻ bị rôm sảy cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh da thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhanh khỏi.

  • 28/04/2024

    Cách đối phó với làn da bong tróc do vẩy nến

    Bệnh vẩy nến là một bệnh về da gây phát ban ngứa, có vảy. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là da bị bong tróc. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Xem thêm