Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chấn thương tai do đi máy bay

Nhiều người đi máy bay thường có biểu hiện ù tai, đau tai, đặc biệt là trẻ nhỏ thường khóc thét khi máy bay hạ cánh. Vậy chấn thương tai khi đi máy bay là gì và làm thế nào để khắc phục điều đó. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích.

Chấn thương tai do đi máy bay

Cơ thể của chúng ta vốn quen với áp suất không khí ngang mực nước biển (1 atmosphere) nên khi áp lực này thay đổi (tăng lên hoặc giảm đi) đều gây ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể. Thính giác là một trong những cơ quan rất nhạy cảm với áp suất không khí và đương nhiên dễ bị tổn thương khi áp lực này tăng hoặc giảm…

Tổn thương tai do đi máy bay (ear barotrauma) là những sang chấn tại màng nhĩ và mô tai giữa do sự chênh lệch áp suất trong tai giữa và khoang máy bay gây ra. Sự chênh lệch này rõ rệt nhất là khi máy bay bắt đầu cất cánh, khi máy bay lấy độ cao quá nhanh cũng như hạ độ cao khi tiếp đất. 

Mỗi tai có một ống nối giữa tai giữa tới họng và mũi có tên là ống Ot-tát với nhiệm vụ điều chỉnh áp suất trong tai. Khi ống này bị tắc bạn sẽ trải qua cảm giác ù tai.

Hiện tượng tổn thương tai đôi khi xảy ra khi thay đổi độ cao đột ngột. Đây là việc bình thường và hầu như không gây hại gì, tuy nhiên nếu chấn thương tai quá thường xuyên sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn. Bạn cũng cần phân biệt giữa tổn thương tai cấp tính và mãn tính để có thể tiến hành điều trị kịp thời, hạn chế những chấn thương không hồi phục.

Triệu chứng của chấn thương tai do đi máy bay

Khi bị chấn thương tai do đi máy bay, bạn có thể cảm nhận thấy một áp lực đè nặng bên trong tai. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Hoa mắt
  • Khó chịu ở tai
  • Mất thính giác nhẹ hay khó nghe
  • Nghẹt hay cảm giác đầy trong tai

Nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển nặng hơn. Một số dấu hiệu cho thấy chấn thương tai đang diễn biến nghiêm trọng bao gồm:

  • Đau tai
  • Cảm giác áp lực trong tai như thể đang ở dưới nước
  • Chảy máu mũi
  • Mất thính giác từ trung bình đến nặng
  • Tổn thương màng nhĩ

Nếu được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ biến mất. Nói chung tình trạng mất thính giác do chấn thương tai do đi máy bay chỉ là tạm thời và có thể hồi phục được.

Chấn thương tai do đi lặn

Lặn biển là một nguyên nhân phổ biến gây tổn thương tai do áp suất dưới nước bao giờ cũng cao hơn trên cạn. Lặn sâu 14 feet đầu tiên luôn luôn gây nguy cơ tổn thương tai lớn nhất cho những thợ lặn. Các triệu chứng thường gặp phải ngay sau khi bắt đầu lặn. Để phòng chấn thương tai khi lặn biển, cần lưu ý lặn sâu một cách từ từ để tránh thay đổi áp suất đột ngột.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ yếu tố nào gây tắc ống Ot-tát cũng dễ khiến bạn bị tổn thương tai. Những người bị dị ứng, cảm lạnh hay bị nhiễm trùng cũng thường trải qua cảm giác ù tai.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp phải triệu chứng này. Ống Ot-tat của trẻ em nhỏ hơn và nằm ở vị trí hơi khác so với người lớn và rất dễ bị tắc. Bạn sẽ thường thấy trẻ nhỏ gào khóc trên máy bay mỗi khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, nguyên nhân là do chúng cảm nhận được sự thay đổi áp suất trong tai.

Chẩn đoán

Mặc dù chấn thương tai do đi máy bay thường tự hết nhưng bạn cũng nên đi khám bác sỹ nếu triệu chứng đau trở nên nặng hơn và có máu chảy ra từ tai. Bác sỹ sẽ cần kiểm tra xem có bất cứ nhiễm trùng nào trong tai không.

Chấn thương tai có thể được phát hiện bằng thăm khám lâm sàng. Bác sỹ sẽ sử dụng một ống soi tai để quan sát bên trong tai và phát hiện xem màng nhĩ có tổn thương gì hay không. Bác sỹ cũng có thể bơm không khí vào trong tai để xem có dịch hay máu tích tụ sau màng nhĩ hay không.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp bị chấn thương tai do đi máy bay đều có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y khoa. Một số mẹo nhỏ sau đây có thể giúp bạn tự điều chỉnh áp suất trong tai và giúp giảm nhẹ các triệu chứng ngay lập tức:

  • Ngáp
  • Nhai kẹo cao su
  • Thực hành các bài tập hít thở
  • Sử dụng thuốc kháng histamine hay thuốc chống nghẹt mũi

Bác sỹ có thể kê kháng sinh hay steroid trong trường hợp viêm hay nhiễm trùng.

Trong một số trường hợp, chấn thương tai có thể gây thủng màng nhĩ. Tổn thương này thường cần tới hơn 2 tháng để hồi phục. Những triệu chứng không hồi phục có thể cần phải phẫu thuật để phòng những tổn thương vĩnh viễn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất trong những trường hợp chấn thương tai mãn tính hoặc nặng. Chấn thương tai mãn tính có thể sử dụng những ống tai để hỗ trợ, những ống nhỏ này được đặt qua màng nhĩ để kích thích lưu thông không khí vào trong tai giữa. Ống tai hay còn gọi là ống thông hơi vào màng nhĩ được sử dụng phổ biến nhất cho trẻ em và có thể giúp phòng nhiễm trùng do chấn thương tai. Thủ thuật này cũng thường được áp dụng cho những người bị chấn thương tai mãn tính do thường xuyên phải bay hay đi công tác.

Loại phẫu thuật thứ hai được thực hiện bằng cách tạo thành một khe nhỏ trong màng nhĩ để giúp cân bằng áp lực. Thủ thuật này cũng giúp loại bỏ dịch trong tai giữa. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ có tính chất tạm thời do khe nhỏ này có thể liền rất nhanh.

Chấn thương tai do đi máy bay ở trẻ em

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với những chấn thương ở tai nguyên nhân là do ống Ot-tát của trẻ nhỏ hơn và thẳng hơn người lớn, do vậy sẽ khó điều chỉnh cân bằng áp suất hơn.

Khi trẻ có dấu hiệu khó chịu, quấy khóc hay đau đớn mỗi khi thay đổi độ cao, đó là các triệu chứng cho thấy trẻ đang bị chấn thương tai do thay đổi áp suất.

Để giảm nhẹ triệu chứng, bạn có thể cho trẻ ăn hay uống nước. Ngoài ra bác sỹ cũng có thể kê thuốc nhỏ tai để giúp giảm đau.

Những biến chứng có thể gặp

Chấn thương tai do đi máy bay thường chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng tai
  • Thủng màng nhĩ
  • Mất thính giác
  • Đau tái phát liên tục
  • Hoa mắt và cảm giác mất thăng bằng
  • Chảy máu trong mũi và tai

Quá trình hồi phục

Đa số mọi người trải qua tình trạng chấn thương tai do đi máy bay đều có thể hồi phục hoàn toàn mà không bị mất thính giác vĩnh viễn.

Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân nên tránh những thay đổi áp suất đột ngột. Nếu tai bị chấn thương hay ù tai do bệnh dị ứng hoặc nhiễm trùng hô hấp, điều trị những nguyên nhân chính này sẽ giúp hết ù tai. Những ca nhẹ hay trung bình thường cần khoảng 2 tuần để hồi phục hoàn toàn. Trường hợp nặng có thể cần đến 6-12 tháng để hồi phục sau phẫu thuật.

Phòng chấn thương tai do thay đổi độ cao

Các biện pháp có thể giúp phòng tránh hoặc giảm nguy cơ chấn thương tai bao gồm:

  • Giảm độ sâu từ từ khi lặn
  • Ngáp, nhai kẹo cao su khi bạn cảm nhận thấy được các triệu chứng ù tai
  • Thở ra từ mũi khi leo lên cao
  • Tránh đeo nút tai trong khi lặn hay đi máy bay

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mệt mỏi sau một chuyến bay dài

Ths. Hồng Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 18/05/2025

    Lycopene có giúp giảm nguy cơ ung thư?

    Trong bối cảnh các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa ung thư, chế độ ăn uống, đặc biệt là việc tiêu thụ trái cây và rau quả, được xem là một yếu tố quan trọng. Cà chua, với thành phần lycopene nổi bật, đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

  • 18/05/2025

    Cách để thức dậy đúng giờ vào buổi sáng

    Việc thiết lập lịch trình ngủ và thói quen trước khi đi ngủ, đặt đồng hồ báo thức và điều chỉnh chế độ ăn uống là một số phương pháp có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và thức dậy dễ dàng vào buổi sáng.

  • 17/05/2025

    Chế độ ăn tham khảo với người mắc hội chứng thiên thần

    Tuy không có chế độ ăn kiêng đặc biệt nào có thể chữa khỏi hội chứng thiên thần nhưng dinh dưỡng hợp lý có thể giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, quản lý táo bón và hỗ trợ phát triển nhận thức.

  • 17/05/2025

    Thanh thiếu niên và tuổi dậy thì

    Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đánh dấu sự chuyển đổi từ trẻ em sang người trưởng thành. Đây là giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi về mặt thể chất và tâm sinh lý, đặt nền móng cho sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng quát trong tương lai. Việc thấu hiểu những biến đổi này, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình và xã hội, sẽ giúp thanh thiếu niên vượt qua giai đoạn dậy thì một cách an toàn và khỏe mạnh.

  • 16/05/2025

    Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân lao hạch

    Bệnh lao hạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ăn uống. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.

  • 16/05/2025

    Lý do bạn bị đầy hơi sau khi ăn salad

    Bạn có thể dùng salad như một bữa ăn lành mạnh hoặc món ăn kèm, nhưng salad có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa tùy thuộc vào thành phần của nó. Rau và trái cây sống là những thực phẩm có thể gây đầy hơi và chướng bụng do một số hợp chất và vi khuẩn, và chúng có thể là lý do tại sao bạn có thể bị đau bụng dữ dội sau khi ăn salad.

  • 15/05/2025

    5 lợi ích sức khỏe của quả lê và những kiêng kỵ khi ăn lê

    Quả lê không chỉ đơn thuần là một loại trái cây ngon mà còn là một vị thuốc tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.

  • 15/05/2025

    Bệnh lý mùa hè thường gặp

    Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để tận hưởng những ngày dài đầy nắng, tham gia các hoạt động ngoài trời và thư giãn. Tuy nhiên, nhiệt độ và độ ẩm cao trong mùa hè cũng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết các bệnh lý mùa hè phổ biến, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Xem thêm