Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Vắc xin và nuôi con theo kiểu tự nhiên

Các chuyên gia y tế cho rằng việc thực hành chăm sóc sức khỏe phải được dựa trên những kết quả được minh chứng, kiểm nghiệm. Trong khi đó, những quan điểm phản đối lại nhấn mạnh rằng mọi can thiệp y tế là trái với tự nhiên và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Câu hỏi đặt ra cho bạn là: điều gì mới là đúng và nên làm theo?

Khi bạn đang cân nhắc một quyết định có liên quan đến sức khỏe của bạn hay con bạn, điều quan trọng là những hiểu biết của bạn đã đủ hay chưa, những thông tin bạn dựa vào để ra quyết định có đủ tin cậy hay không? Bạn cần một "bộ lọc" thông tin rất nhanh nhậy để xác định đó là sự thật hay đó chỉ là trào lưu nhất thời hoặc quan điểm của một nhóm người nào đó.

Chúng ta thường nghĩ rằng, bất cứ điều gì đến từ tự nhiên cũng đều đúng và tốt cho sức khỏe. Nhưng trong thực tế, một số cách hành xử với sức khỏe, một số tập tục tự nhiên mang lại những hậu quả rất đáng lo ngại.

Cụm từ “tự nhiên” có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của một cá nhân trong việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều quan điểm sai lầm về tự nhiên đã dẫn  tới những hành vi phản khoa học và cuối cùng là những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đáng lưu ý gần đây là quan điểm rằng cho con bú sữa mẹ là hoàn toàn đủ, không cần bổ sung thêm vi chất hay tiêm bất cứ loại vắc xin nào đang tạo ra những quan niệm nhầm lẫn  giữa việc bổ sung và lệ thuộc.

Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt vời của nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như sữa mẹ là phù hợp nhất cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ có nghĩa là cả mẹ và bé sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, bao gồm lợi ích về dinh dưỡng tối ưu, hệ miễn dịch khỏe mạnh, gắn kết tình cảm, kinh tế, xã hội cả ngắn hạn và lâu dài.
 
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của trẻ, đến một giai đoạn nào đó sữa mẹ không còn là một nguồn cung cấp hoàn hảo cho trẻ nữa, đó là lý do tại sao các chuyên gia y tế lại khuyến nghị cần phải bổ sung các thực phẩm và vi chất dinh dưỡng khác. Ví dụ, lượng kháng thể có trong sữa mẹ sẽ chỉ giúp bảo vệ trẻ trong vòng 6 tháng đầu đời, đó là lý do tại sao chúng ta phải tiêm phòng vắc xin ngay từ những năm tháng đầu đời cho trẻ.
 
Việc tiêm chủng không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cho riêng trẻ đó mà còn giúp tạo nên miễn dịch cọng đồng, giúp bảo vệ cả một cộng đồng đang sống hiện tại và cả một thế hệ trong tương lai. Đó thực sự là vấn đề sức khỏe cộng đồng chứ không phải là trào lưu, một lối sống mà con người chúng ta lựa chọn thích hay không thích. 

Để ủng hộ quan điểm không tiêm vắc xin, người ta đã so sánh việc lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ với nguy cơ khi tiêm vắc xin. Nhiều người cho rằng những sản phẩm trong phòng thí nghiệm bao gồm những hợp chất, công nghệ, lai tạo đều là những thứ “không tự nhiên”, không tin tưởng được. Chỉ có những gì thuộc về tự nhiên là an toàn hơn, làm mạnh hơn và ít nguy hiểm hơn. Nhưng sự so sánh này là hoàn toàn khập khiễng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ là rất tốt nhưng chưa phải là hoàn hảo. Việc con người chúng ta sửa chữa những hoàn hảo đó bằng những sản phẩm bổ sung hay thêm vào chỉ nhằm mục đích nâng cao sức khỏe con người chứ không hoàn toàn khiến con người phụ thuộc vào những sản phẩm đó.

Lợi ích và nguy cơ của tiêm Vắc xin

Khi nền văn minh nhân loại chuyển từ sống ngoài trời, trong bụi bẩn và dưới ánh nắng mặt trời vào bên trong các tòa nhà, chúng ta thấy trẻ ít bị bệnh hơn, ít phơi nhiễm với mầm bệnh hơn và trẻ ít bị tử vong hơn. Nhưng càng ngày người ta lại thấy điều đó là chưa đủ. Hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng về mầm bệnh mà con họ có thể tiếp xúc khi đứa trẻ nhặt đồ từ sàn nhà lên cho vào mồm hay cầm nắm, trong khi đó lại là một cơ hội tốt để hệ miễn dịch của trẻ học cách phòng ngừa với bệnh tật. Thêm vào đó, bạn không thể làm môi trường xung quanh mình sống thành nơi vô trùng được.

Để giải quyết vấn đề này, vắc xin là một trong những giải pháp tối ưu. Không thể phủ nhận được lợi ích của vắc xin khi rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được coi là nguyên nhân dẫn đến tử vong và tàn phế cho rất nhiều trẻ em trong hàng thế kỷ đã được khống chế và loại trừ, như: đậu mùa, bạch hầu, ho gà, bại liệt... Tỷ lệ tử vong của trẻ em và trẻ nhỏ liên tục giảm trong những thập kỷ gần đây là minh chứng rõ rệt nhất.  

Lợi ích nhiều khi cũng đi đôi với những nguy hiểm tiềm ẩn. Vắc xin cũng không nằm ngoài điều đó. Dị ứng, quá mẫn, sốc phản vệ, tử vong do tiêm vắc xin không phải là hiếm gặp, chúng được gọi là  phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC), có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc xin. Một số người gặp các PƯSTC khác nhau từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hầu hết các trường hợp PƯSTC nặng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ. Một số trường hợp  PƯSTC có thể do vắc xin hoặc do sai sót trong việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định và tiêm chủng vắc xin. Cho dù nguyên nhân của PƯSTC là gì, nó đều làm cho mọi người lo lắng, từ chối tiếp tục tiêm chủng cho con của họ, dẫn đến trẻ em dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm hơn và thậm chí là đe dọa tính mạng.

Phản ứng sau tiêm chủng (PƯSTC) là bất kỳ sự kiện sức khỏe nào xảy ra sau tiêm chủng và không nhất thiết phải có mối quan hệ nhân quả với việc sử dụng vắc xin. PƯSTC nhẹ như nổi mẩn, dị ứng nhẹ, sốt nhẹ, đau tại nơi tiêm... thường sẽ tự hết trong vòng 12 đến 48 giờ và không phải là nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của người được tiêm chủng. PƯSTC nặng như sốc phản vệ lại là một sự kiện gây ra một nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và tính mạng của người được tiêm vắc xin dẫn đến phải nhập viện, di chứng tàn tật hoặc tử vong sau khi tiêm.

Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như tạo ra bởi các nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng. Chúng bao gồm sự có mặt của kháng thể, bản chất và liều lượng kháng nguyên, đường dùng và sự có mặt của một chất hấp phụ (ví dụ như phức hợp có chứa nhôm) được thêm vào để tăng cường miễn dịch của vắc xin. Các yếu tố như tuổi, yếu tố dinh dưỡng, di truyền và bệnh tật đang mắc phải cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin.

Mỗi vắc xin có chứa loại vi sinh vật gây bệnh, hoặc một phần của nó, và thường có hai dạng sống giảm độc lực hoặc bất hoạt (chết) của vi sinh vật, hoặc kháng nguyên độc tố hoặc một trong các protein bề mặt của nó.

Vắc xin có thể là đơn giá hoặc đa giá. Một vắc xin đơn giá có chứa một chủng duy nhất của một kháng nguyên duy nhất (ví dụ vắc xin sởi), trong khi một loại vắc xin đa giá có chứa hai hoặc nhiều chủng/ type huyết thanh của kháng nguyên (Ví dụ vắc xin bại liệt). Vắc xin phối hợp có chứa từ hai kháng nguyên trở lên (ví dụ như DTwP, DTP-HepB-Hib). Lợi thế tiềm năng của loại vắc xin phối hợp bao gồm việc giảm chi phí bảo quản và quản lý so với các vắc xin đơn giá, giảm chi phí số lần đi tiêm chủng, cải thiện sự kịp thời của tiêm chủng, và tạo thuận lợi cho việc bổ sung các loại vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng. Không có bằng chứng nào cho thấy tiêm các kháng nguyên trong vắc xin kết hợp làm tăng gánh nặng cho hệ thống miễn dịch. Hệ thống này có khả năng đáp ứng hàng triệu kháng nguyên tại một thời điểm. Kết hợp kháng nguyên thường không làm tăng nguy cơ phản ứng bất lợi và trên thực tế, dẫn đến giảm tổng thể các phản ứng bất lợi.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viếtPhản đối tiêm chủng và những hệ quả

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Mercola, Tiêm chủng mở rộng
Bình luận
Tin mới
Xem thêm