Gió mùa Đông Bắc tràn về, do hệ miễn dịch còn yếu nên trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh. Một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ khi trời trở gió là cảm cúm, sốt, viêm tai, viêm màng não, các bệnh đường hô hấp như phế quản, viêm phổi... Dưới đây là một số lưu ý để chăm sóc trẻ khỏe mạnh trong thời điểm có gió mùa:
Tăng cường sức đề kháng của trẻ
Cha mẹ nên duy trì thực đơn ăn uống hàng ngày đầy đủ dưỡng chất, tăng cường các nhóm thực phẩm giàu calci và vitamin cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng cho trẻ khi trời trở gió. Với trẻ sơ sinh, tăng cường cho bé bú mẹ để tăng miễn dịch và đảm bảo trẻ được tiêm chủng đủ, đúng lịch.
Duy trì thực đơn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của trẻ nhỏ.
Ngoài các thực phẩm quen thuộc hàng ngày, phụ huynh nên bổ sung thêm nước cam, trái cây, sữa chua. Trái cây và rau quả là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống cho trẻ nhỏ. Chúng rất giàu chất dinh dưỡng như folate, kali, chất xơ, các hóa chất thực vật và vitamin như C, K, A, E giúp xây dựng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tăng cường các thực phẩm chứa kẽm và selen có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích trẻ ăn ngon miệng như thịt bò, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, súp lơ...
Giữ ấm cho trẻ
Để bảo vệ trẻ khỏe mạnh trong thời tiết có gió mùa, bố mẹ cần chú ý đến chuyện ăn mặc để giữ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ bị ho, cảm. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhiệt độ giảm nhưng giảm chưa sâu, vì thế cần chọn các loại quần áo có độ dày vừa phải, tốt nhất là quần áo dài tay bằng chất liệu dệt kim, cotton... hay các chất liệu thoáng mát, dễ thấm mồ hôi và không để hở cổ, bụng.
Trong thời điểm này thời tiết thường chuyển lạnh vào sáng sớm và về đêm ảnh hưởng không tốt cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới một tuổi, hệ miễn dịch chưa phát triển để chống chọi với những thay đổi này. Do đó, cha mẹ hãy hiểu nhu cầu về quần áo của trẻ theo mùa và trang phục cho phù hợp. Nên mặc thêm áo khoác mỏng nếu cho trẻ đi ra ngoài vào buổi sáng để đến trưa, khi trời hửng nắng, ấm áp hơn, có thể cởi bỏ bớt áo ngoài. Tránh mặc quá ấm, trẻ bị ra mồ hôi và ốm ngược trở lại. Buổi tối, khi trẻ đi ngủ, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ
Vệ sinh cá nhân của trẻ là bước quan trọng không kém để giúp trẻ khỏe mạnh trong thời tiết có gió mùa. Rửa tay thường xuyên cho trẻ để loại bỏ sự lây lan của các mầm bệnh, nhất là với trẻ nhỏ hay mút tay, ngậm đồ chơi. Đối với những bé đổ mồ hôi nhiều khi thời tiết ẩm ướt có thể gây tích tụ vi trùng trên da, dẫn đến nhiễm nấm. Do đó, hãy đảm bảo tắm cho bé bằng sữa tắm diệt khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày để ngăn ngừa các vấn đề về da như phát ban và dị ứng ở trẻ em thường gặp khi gió mùa.
Rửa tay thường xuyên cho trẻ để ngăn ngừa sự lây lan của các mầm bệnh.
Cha mẹ cũng lưu ý không tắm cho trẻ quá nhiều và quá lâu cho trẻ khi trời lạnh. Mỗi lần tắm, phải dùng nước ấm và tắm ở khu vực kín gió, tránh gió lùa. Ngay sau khi bế trẻ ra khỏi chậu tắm, phải dùng khăn khô loại to để lau khô và choàng cho trẻ trước khi mặc quần áo.
Việc vệ sinh môi trường sạch xung quanh sạch sẽ cũng quan trọng không kém. Cha mẹ nên chú ý thường xuyên lau dọn nhà cửa và đồ dùng trong gia đình, vệ sinh đồ chơi của trẻ, thay khăn trải giường ít nhất một lần trong một tuần.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lưu ý:
- Duy trì nhiệt độ phòng ổn định ở mức khoảng 26 đến 27 độ C.
- Vào thời điểm độ ẩm không khí xuống thấp, nếu không dưỡng ẩm thì da trẻ dễ bị mất nước, nứt nẻ làm trẻ ngứa ngáy và đau đớn. Cha mẹ có thể chăm sóc da cho trẻ bằng các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ nhỏ.
- Cha mẹ có thể massage toàn thân cho trẻ giúp trẻ ăn ngủ tốt, các mạch máu được lưu thông và làm thân nhiệt của trẻ ấm lên.
- Chú ý tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng ngừa một số bệnh ở trẻ nhỏ.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh theo mùa.