Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Căn bệnh ung thư phổ biến nhất thế giới

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy ung thư vú là bệnh phổ biến nhất với 2,3 triệu người mắc mới trong năm 2020.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh phổ biến nhất và chiếm gần 12% số ca mắc mới mỗi năm trên toàn cầu.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc ngày 2/2, chuyên gia ung thư của WHO, Andre Ilbawi, nhận định đây là lần đầu tiên căn bệnh này trở thành ung thư phổ biến nhất.

Trước đó, ung thư phổi là bệnh có nhiều người mắc và tử vong nhất trong hai thập kỷ qua. Nhưng hiện tại, căn bệnh này xếp thứ hai, trước ung thư trực tràng.

Thêm 2,3 triệu người mắc ung thư vú vào năm 2020

Thống kê từ WHO cho thấy năm ngoái, số ca ung thư mới được chẩn đoán là 2,3 triệu người, chiếm 11,7% tổng số bệnh nhân ung thư. Với phụ nữ, ung thư vú là bệnh được chẩn đoán nhiều nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Ông Ilbawi lưu ý phụ nữ béo phì có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Đây cũng là yếu tố làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh ung thư khác. Dân số toàn cầu tăng lên, tuổi thọ cũng tỷ lệ thuận. Chuyên gia của WHO nhận định bệnh ung thư cũng sẽ phổ biến hơn.

Ung thư vú là bệnh nhiều người mắc nhất tại thế giới. Ảnh: Getty Images.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Globocan, năm 2020, ung thư vú là căn bệnh nhiều phụ nữ mắc phải nhất. Nó chiếm khoảng 25,8% tổng số ca bệnh ung thư với 21.555 trường hợp mắc mới và 9.345 người tử vong.

Theo WHO, trong hai thập kỷ qua, tổng số người được chẩn đoán mắc ung thư tăng gần gấp đôi. Từ khoảng 10 triệu người năm 2000, số bệnh nhân ung thư vào năm 2020 đã lên tới 19,3 triệu. Thống kê của cơ quan này cho thấy cứ 5 người dân trên thế giới có một trường hợp bị ung thư một lần trong đời.

Các dự báo cũng cho thấy số người được chẩn đoán mắc ung thư cũng sẽ tăng nhiều hơn trong năm tới và cao hơn gần 50% so với năm ngoái vào năm 2040.

Trong 20 năm (2000-2020), số ca tử vong vì ung thư cũng tăng từ 6,2 triệu lên 10 triệu người. Cứ 6 người tử vong có một trường hợp là do ung thư.

WHO nhận định đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về chẩn đoán muộn, thiếu khả năng tiếp cận phương pháp điều trị của bệnh nhân ung thư. Điều này xảy ra ở tất cả quốc gia, đặc biệt là đất nước có thu nhập thấp đến trung bình. Bệnh nhân ung thư còn có nguy cơ diễn biến xấu khi mắc Covid-19 và khả năng tử vong cao hơn.

Ung thư vú có dấu hiệu đặc trưng là các khối u ở nách, bầu ngực. Ảnh: The Guardian.

Cách phát hiện và ngăn ngừa ung thư vú

Ung thư vú có thể xảy ra ở cả 2 giới, nhưng nó phổ biến hơn với phụ nữ. Ngoài ra, các bác sĩ ước tính khoảng 5-10% trường hợp ung thư vú có liên quan đột biến gene di truyền qua các thế hệ trong một gia đình.

Một số gene đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú như BRCA1 và BRCA2. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh này, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để xác định đột biến gene.

Ung thư vú có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất là khối u ở vú hoặc nách.

Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, phụ nữ cần cẩn trọng khi gặp phải một trong các dấu hiệu mắc ung thư vú sau đây: Dày hoặc sưng một phần vú; kích ứng hoặc bị lõm da vú; đỏ, bong tróc vùng núm vú, ngực; tụt núm, đau đầu ngực; núm vú tiết dịch trắng hoặc hồng, đỏ như máu; thay đổi về kích thước hoặc hình dạng bầu ngực; đau tức bất kỳ vùng nào trên ngực.

Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Ảnh: Freepik.

Tài liệu của Thư viện Quốc gia Mỹ cũng đưa ra hướng dẫn tự kiểm tra khối u bất thường, cảnh báo ung thư vú ở phụ nữ:

- Đầu tiên, bạn nằm ngửa, đặt tay phải ra sau đầu. Cùng lúc, ngón giữa tay trái ấn nhẹ nhàng nhưng dứt khoát bằng những chuyển động nhỏ để kiểm tra toàn bộ vú bên phải.

- Tiếp theo, bạn ngồi hoặc đứng và cảm nhận vùng nách. Đây là khu vực mô vú đi vào.

- Nắn nhẹ đầu ngực và kiểm tra có bị tiết dịch không.

- Lặp lại động tác với ngực trái.

Bạn cũng nên dành thời gian quan sát ngực để phát hiện những thay đổi trong kết cấu da như lõm, nhăn nheo, sần vỏ cam hoặc tụt vào trong.

Theo Mayo Clinic, thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư vú. Chúng ta nên hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Các chuyên gia khuyên chúng ta nên dành ít nhất 75-150 phút mỗi tuần cho hoạt động thể thao. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra cho con bú càng lâu, phụ nữ càng ít có nguy cơ mắc ung thư vú.

Ung thư vú là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, phụ nữ nên tầm soát ung thư vú ít nhất một lần trong đời, nhất là khi lớn tuổi. Bởi độ tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Coi chừng ngộ độc, ung thư với thức ăn thừa.

 

 
Thiên Nhan - Theo ZingNews
Bình luận
Tin mới
Xem thêm