Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách xử trí tình huống đột tử do ngừng tim ở người trẻ khỏe mạnh

Ngừng tim đột ngột ở người trẻ (SCA-Sudden cardiac arrest) là tình trạng tim đột ngột ngừng đập dẫn đến hậu quả máu không được bơm đi nuôi các cơ quan quan trọng, trong đó có não. Bệnh nhân sẽ tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách.

Người trẻ khỏe mạnh vẫn có khả năng ngừng tim đột ngột

Tại vòng đấu bảng chung kết EURO 2021, trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan rạng sáng ngày 13/6/2021, cầu thủ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục trên sân bóng ở phút 43 của hiệp 1, không có sự va chạm hay chấn thương nào. Trước đó cầu thủ này vẫn thi đấu hoàn toàn tích cực, không có biểu hiện suy yếu hay mệt mỏi. Anh đổ gục xuống sân, mất ý thức, ngay khi kiểm tra tình hình và phát hiện cầu thủ bị ngừng tim, toàn bộ đội bóng còn lại đã đứng che cho các nhân viên y tế sơ cứu ép tim ngay tại sân bóng.

Cầu thủ Christian Eriksen đang được nhân viên y tế cấp cứu sau khi bị ngã quỵ ở phút 43, hiệp 1.

Eriksen đã rất may mắn được sơ cứu kịp thời và sau vài phút cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, tim cầu thủ này đã đập trở lại và tình trạng hiện tại đã ổn định trong bệnh viện. Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột, nhưng khả năng đột quỵ não của Eriksen có thể được loại trừ do ý thức, chức năng vận động và cảm giác hồi phục gần hoàn toàn ngay sau cấp cứu tại sân vận động, anh có thể gọi điện thoại cho người thân và bạn bè từ bệnh viện.

Đây không phải là lần đầu bóng đá thế giới cũng như các môn thể thao khác chứng kiến hiện tượng này. Chuyện gì đã xảy ra với Eriksen, tại sao những người trẻ và rất khỏe mạnh, được rèn luyện thường xuyên lại có thể bị ngừng tim đột ngột như vậy?

Nguyên nhân nào dẫn đến ngừng tim đột ngột?

Theo BS. Ngô Đức Hùng (Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai), nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là do rối loạn nhịp tim. Bình thường, quả tim đập được là do một nhóm các tế bào phát tín hiệu điện học theo chu kỳ, các tín hiệu này được dẫn truyền lan tỏa khắp các sợi cơ tim kích thích chúng co bóp tạo ra nhịp đập tống máu đi nuôi cơ thể. Vì một lý do nào đó quá trình này bị nhiễu loạn, hay gặp nhất ở người trẻ là các tình huống:

Căng thẳng về thể chất (khi hoạt động cường độ cao, nồng độ một số ion như kali, magie trong máu thấp, thiếu oxy…).

Bệnh tim thiếu máu cục bộ (thường gặp ở người lớn tuổi, người trẻ hay gặp khi có các mô sẹo hoặc dị dạng đường dẫn truyền).

Bệnh di truyền.

Thay đổi cấu trúc trong mô cơ tim.

Tất cả các nguyên nhân này thông thường rất khó phát hiện và hầu như không chẩn đoán trước được. Đến một lúc nào đó tình cờ hoặc có cơ hội khiến nó bọc lộ ra dẫn đến ngừng tim.

Như trường hợp cầu thủ Christian Eriksen, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì đặc biệt. Đến phút 43, là điểm giới hạn cần phải nghỉ ngơi ở hiệp 1 thì xảy ra tình huống này.

Còn theo TS. Đặng Việt Đức khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện TWQĐ 108, những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch thực thể thường có triệu chứng kèm theo, người bệnh dễ dàng được chẩn đoán qua thăm khám tim mạch thường quy. Trong trường hợp Christian Eriksen, là một cầu thủ có giá trị chuyển nhượng rất cao, nên khả năng Eriksen có tình trạng bệnh lý rối loạn nhịp tim mà các kiểm tra y học thông thường chưa phát hiện được. Đây chính là những đặc điểm của rối loạn nhịp tim bẩm sinh (hoặc gọi là: hội chứng rối loạn nhịp tim tiên phát) mà hiểu biết của chuyên ngành tim mạch thế giới vẫn còn nhiều khoảng trống kiến thức.

Hình ảnh cơ tim bình thường và bệnh cơ tim phì đại.

Các hội chứng này liên quan đến rối loạn di truyền trong các gen chi phối hoạt động của các kênh ion điện học của tim, có tính chất di truyền gia đình. Điểm đặc biệt là các thăm khám về hình thái cấu trúc quả tim, thậm chí giải phẫu tử thi thì cấu trúc tim vẫn hoàn toàn bình thường. Việc phát hiện chủ yếu dựa vào hình ảnh ghi điện tim, nhưng các bất thường trên điện tim đôi khi lại không diễn ra liên tục nên người bệnh và chuyên gia y tế không xác định được. Điều đáng sợ nhất là các hoạt động điện học bẩm sinh của tim thường dẫn tới rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, thường là nhanh thất, rung thất làm tim không bơm được máu tới các tạng và dẫn tới bệnh nhân nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chính vì vậy đối với những người có yếu tố nguy cơ cao, như: Có người trong gia đình đột tử trẻ dưới 50 tuổi mà giải phẫu tử thi không tìm thấy nguyên nhân; tiền sử hay bị ngất không rõ nguyên nhân, liên quan đến gắng sức hoặc cả lúc ngủ nghỉ, nên được đi thăm khám đánh giá về bệnh lý tim mạch và theo dõi định kỳ, thậm chí làm các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm gen nếu có yếu tố nguy cơ cao để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.

3/6 mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cấp cứu ngừng tuần hoàn cho Eriksen ngay tại sân vận động.

Cách xử trí tình huống ngừng tim

Cũng theo BS.Ngô Đức Hùng, biện pháp duy nhất để cấp cứu là dùng máy khử rung ngay lập tức. Tuy nhiên, khi ngoài cộng đồng gặp phải tình huống này thì động tác CPR - hồi sinh tim phổi cơ bản là quan trọng nhất. Các động tác ép tim tuần tự sẽ giúp quả tim đập một cách thụ động bơm máu lên não để chờ thời gian dùng máy khử rung (nếu có) hoặc hết cơn rối loạn nhịp, tim sẽ tái lập lại nhịp bình thường.

Trong trường hợp Christian Eriksen đã tự tái lập lại được nhịp tim và nhờ động tác CPR giúp cho não được duy trì sức chịu đựng nên anh đã tỉnh táo lại.

Cùng quan điểm này, TS. Đặng Việt Đức cho rằng: Ở nước ta việc trang bị các máy phá rung tự động (như trong trường hợp cấp cứu Eriksen) rất hạn chế. Việc biết cách sử dụng máy của người dân hầu như không thể, nên việc quan trọng nhất chính là ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp qua việc thổi ngạt.

Cách cấp cứu đột tử tim trong cộng đồng.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Đột tử, đột quỵ có thể bắt đầu từ mỡ máu cao: Hãy sớm bổ sung 4 món này để phòng ngừa.

Thu Hà - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

Xem thêm